Hội xuân Việt Bắc trên cao nguyên Đắc Lắc

09:13, 09/03/2015

Năm nay là lần thứ 6 lễ hội dân gian văn hóa Việt Bắc được tổ chức tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng, Đắc Lắc, nơi có tới hơn 80% dân số là người dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái sinh sống. Lễ hội diễn ra với 3 phần lễ và 8 phần hội, trong đó quan trọng nhất là là lễ cúng thổ công và lễ lồng tồng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân làm ăn gặp nhiều may mắn. Phần hội với các trò chơi dân gian như: bắn nỏ, đẩy gậy, chạy cà kheo, tung còn, thu hút rất đông người tham gia.

Ông Đinh Công Hưởng, Bí thư Đảng ủy xã Ea Tam, huyện Krông Năng cho biết: “Chúng tôi cũng tổ chức những lễ hội mang bản sắc văn hóa từ thời xưa để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, vì vậy càng năm thì lễ hội càng đông hơn. Và trên cơ sở đó chúng tôi lựa chọn những phần hội, phần lễ mang tính đặc sắc, có văn hóa để tổ chức vui cho nhân dân.”

 

Với truyền thống văn hóa của người Việt Bắc, lễ hội mùa xuân không thể thiếu bánh chưng, bánh dầy – tượng trưng cho trời và đất. Vì vậy, tại đây đã diễn ra cuộc thi gói bánh chưng, giã bánh dầy. Để gói bánh chưng thật đẹp, làm bánh dầy thật ngon, các đội thi đã chuẩn bị kỹ lưỡng về nguyên liệu, cử ra những người khéo tay, khỏe mạnh để thể hiện tài năng làm ra lễ vật dâng cúng thần linh và thiết đãi bà con xa gần.

 

Chị Lý Thị Đềm (dân tộc Tày) tham gia cuộc thi cho biết: “Như dân tộc Tày chúng tôi cứ đầu năm, lễ hội đầu năm như thế này lúc nào cũng phải làm bánh dầy bánh chưng. Bánh dầy bánh chưng là tượng trưng cho trời đất, cho mưa thuận gió hòa để bà con làm ăn ngày càng tốt hơn.”

 

Hội xuân Việt Bắc trên cao nguyên Đắc Lắc diễn ra trong 2 ngày qua, thu hút rất đông du khách tham gia những trò chơi dân gian, thưởng thức những tiết mục văn nghệ và các món ăn đặc sản truyền thống như: lợn quay mắc mật, bánh khảo, bánh khúc, cơm lam, rượu nấu lá.

 

Vào định cư ở Đắc Lắc gần 30 năm qua, nhưng các dân tộc ở vùng Việt Bắc chỉ mới có điều kiện tổ chức lễ hội mùa xuân được 6 lần. Mỗi lần tổ chức, bà con địa phương tham gia ngày càng đông và du khách đến xem hội cũng nhiều hơn. Bên cạnh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đây còn là dịp để đồng bào các dân tộc Việt Bắc xa quê giao lưu với các dân tộc anh em chung sống trên cao nguyên Đắc Lắc, cùng nhau đoàn kết, phát triển./.