Loại bỏ hủ tục trong lễ hội

09:06, 09/03/2015

Trong phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu loại bỏ các hủ tục trong các lễ hội không còn phù hợp với xã hội văn minh; việc tổ chức lễ hội cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng ý nguyện của cộng đồng, chú trọng đề cao các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và tính nhân văn.

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi mùa lễ hội đi qua là lại thêm một dấu hỏi về công tác tổ chức và quản lý. Có một thực trạng đáng buồn là nền tảng văn hóa, tinh thần nhân văn của lễ hội đã và đang bị phá vỡ bởi nhiều hành vi phản văn hóa. Mới đây, Tổ chức động vật châu Á phải lên tiếng, đề nghị chấm dứt lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Khắc Niệm, Tiên Du, Bắc Ninh).

 

Rất nhiều ý kiến người dân cũng đề nghị hủy bỏ lễ hội này cũng như một số lễ hội hiện nay như giết trâu trong lễ hội chọi trâu, lễ hội cầu trâu..., và cho rằng cần rà soát, thay đổi các tập tục theo hướng văn minh hơn... Hơn thế, lễ hội bây giờ không đơn thuần chỉ là các hoạt động vui chơi, giải trí như trước đây, giờ lễ hội có vai trò rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, xúc tiến thương mại, du lịch.

 

Thế nên, rất nhiều ý kiến đồng tình cần phải xem xét loại bỏ các lễ hội tồn tại các yếu tố bạo lực, bởi một đất nước giàu truyền thống văn hóa không thể tồn tại hình ảnh mang lợn ra giữa sân đình cho hàng trăm người chứng kiến cảnh đâm chém, nó không phù hợp với đất nước Việt Nam thanh bình, mến khách. Vì thế, không thể xem nhẹ công tác tổ chức và cần tuyên truyền cho người tham gia lễ hội như thế nào để lễ hội không bị lãng phí, tốn kém, biến tướng, gây phản cảm; đặc biệt là cần tìm ra một mô hình quản lý phù hợp để lễ hội thật sự trở thành hình thức sinh hoạt lành mạnh của cộng đồng.

 

Phải thấy rằng, lễ hội thì ngày càng "trăm hoa đua nở", không chỉ với lễ hội mang tính quốc gia, mà lễ hội ở các địa phương, lễ hội làng… đều muốn tổ chức thật lớn, thật hoành tráng. Chỉ có điều, trong các lễ hội, vẫn thấy thiếu vai trò của người "cầm trịch" tổ chức và điều hành. Phần lớn lễ hội ở nước ta gắn liền với di tích lịch sử văn hóa, mà di tích lại thuộc rất nhiều cấp quản lý, vì thế đã xảy ra tình trạng quản lý chồng chéo, hoặc “cha chung không ai khóc” ở một số lễ hội. Tìm một mô hình quản lý lễ hội cho phù hợp vẫn là bài toán chưa có lời giải đối với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong nhiều năm qua.

 

Có luồng ý kiến, lễ hội là của dân, vì vậy cần phải trả lễ hội về cho dân. Nhưng qua thực tế tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương, cho thấy, cần phải hiểu đúng thế nào là “trả lễ hội lại cho dân”. Cần phải hiểu rằng, trả về cho dân là trả về những tín ngưỡng nghi lễ của người dân, cách người dân làm ngày xưa phải được tôn trọng. Nhưng chúng ta cũng không thể hạ thấp vai trò quản lý Nhà nước. Trước kia là lễ hội của một làng, giờ là lễ hội của cả huyện, cả tỉnh, thậm chí cả nước, nên không thể bỏ vai trò của các cấp chính quyền. Điều quan trọng trong quản lý lễ hội là phải có sự phân cấp rõ ràng giữa quản lý ngành và quản lý của địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới.

 

Vấn đề đặt ra, muốn loại bỏ hủ tục trong các lễ hội, cần phải xây dựng được các tiêu chí cụ thể, bảo đảm được giá trị văn hóa của lễ hội, phù hợp với ứng xử cộng đồng. Với cơ quan quản lý về văn hóa, việc ban hành các tiêu chí cũng cần dựa trên những giá trị tiêu biểu, giá trị truyền thống của lễ hội...  Nên chăng, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lễ hội, ngành chủ quản cần xây dựng bộ tiêu chí, mô hình quản lý chung trên cơ sở nghiên cứu, đúc kết những kinh nghiệm quản lý từ các lễ hội có tầm ảnh hưởng lớn để các địa phương có lễ hội có thể tham khảo, học hỏi, vận dụng. Có như vậy, mới có cơ sở đổi mới, loại bỏ được các hủ tục trong lễ hội.