Trong buổi họp báo về các hình tượng giá trị nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, được tổ chức tại Cần Thơ ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết, ngành văn hóa sẽ loại trừ dần các hiện vật ngoại lai ra khỏi các di tích trên phạm vi cả nước.
Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, từ nay đến tháng 7, Bộ sẽ thực hiện điểm công tác này tại các di tích của 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Nghệ An và Cần Thơ. Các tỉnh, thành còn lại sẽ đánh giá, tổng hợp báo cáo về Bộ, để từ đó có phương án xử lý phù hợp.
Quá trình thống kê, đánh giá hiện vật tại các di tích phải có sự tham gia của các nhà nghiên cứu để xem xét các hiện vật trưng bày thuộc thời đại nào, nước nào sản xuất để từ đó có biện pháp xử lý chính xác. Việc loại trừ dần các hiện vật ngoại lai khỏi các di tích sẽ được thực hiện một cách bền bỉ, lâu dài, thận trọng nhưng quyết liệt vì ngoài yếu tố văn hóa còn là yếu tố tâm linh. Cách làm chung là thực hiện theo Luật Di sản văn hóa.
Các di tích trước khi được công nhận sẽ có danh sách hiện vật nên các hiện vật ngoại lai bị loại bỏ. Các di tích nhận cung tiến các hiện vật không đúng với văn hóa, thuần phong, mỹ tục Việt Nam thì phải trả lại, không được để trưng bày trong các di tích. Cùng với đó, ngành văn hóa sẽ tổ chức các đợt triển lãm chuyên đề, thông tin sâu đến công chúng những hiện vật của Việt Nam, mang đậm bản sắc văn hóa của Việt Nam. Từ đó, khuyến khích người dân yêu thích và đi đến sử dụng các hiện vật phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, cũng như khuyến khích sáng tác các hiện vật đương đại mang đậm bản sắc Việt Nam.
Hiện nay, cả nước có trên 40.000 di tích, trong đó có hơn 3.000 di tích đã được xếp hạng Di tích Quốc gia và hơn 4.200 di tích được xếp hạng Di tích cấp tỉnh, thành phố với 4 loại hình cơ bản là di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Ngành văn hóa chưa có con số chính thức về các di tích có sử dụng các hiện vật ngoại lai cũng như số lượng hiện vật ngoại lai được sử dụng trong các di tích trên địa bàn cả nước.
Tuy nhiên, thống kê sơ bộ cho thấy khu vực miền Bắc có số di tích sử dụng hiện vật ngoại lai cũng như số hiện vật ngoại lai nhiều hơn khu vực miền Nam. Tại đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ là địa phương có di tích sử dụng hiện vật ngoại lai cũng như số lượng hiện vật ngoại lai nhiều nhất vùng.