Một nghiên cứu về Ðiện Kính Thiên mang nhiều ý nghĩa

09:36, 21/03/2015

Ðiện Kính Thiên ở vị trí trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện cấp quốc gia của nhiều triều đại phong kiến; là nơi thiết triều bàn những việc lớn của đất nước; nơi cử hành các nghi lễ long trọng, đón tiếp sứ giả lân bang...

Tên gọi Ðiện Kính Thiên có từ thời Lê nhưng nền cung điện đã có từ thời Lý - Trần. Thời hiện đại, đây là "di tích kép" chứng kiến hoạt động của Bộ Tổng chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Việc phục dựng Ðiện Kính Thiên trong không gian văn hóa - lịch sử của nó vì thế mang nhiều ý nghĩa. Không chỉ tôn vinh giá trị khu di sản thế giới giữa lòng Hà Nội, thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội với UNESCO về việc mở rộng nghiên cứu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long để khẳng định giá trị toàn cầu của di sản này mà còn đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách và các học giả quốc tế. Việc nghiên cứu phương án khôi phục Ðiện Kính Thiên cũng sẽ tạo tiền đề và kinh nghiệm cho các nghiên cứu phục dựng di sản, di tích kiến trúc khác không chỉ ở Hoàng thành Thăng Long và không chỉ trong giai đoạn triều Lê.

 

Ngày 9-3, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt Ðề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian Ðiện Kính Thiên với những yêu cầu: Sưu tầm, khảo cứu tư liệu, khảo sát, dựng mô hình 2D, 3D và mô hình thực; tạo tiền đề, cơ sở khoa học để các cơ quan có thẩm quyền quyết định khôi phục Ðiện Kính Thiên và không gian Ðiện Kính Thiên trên thực địa. Kết quả nghiên cứu và phương án phục dựng Ðiện Kính Thiên sẽ được trình UBND thành phố trong năm 2016.

 

Ðề án tập trung nghiên cứu phương án khôi phục không gian Ðiện Kính Thiên, trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong tổng thể kiến trúc của Hoàng thành (với các dấu vết kiến trúc chính là cửa Ðoan Môn, sân Ðan Trì, chính điện, tường hành cung, Hậu lâu và các công trình phụ trợ khác). Phạm vi thời gian nghiên cứu là các triều đại: Lý, Trần, Lê, Nguyễn và các triều đại có liên quan. Phạm vi không gian là giới hạn địa lý của Kinh thành, Hoàng thành, Cấm thành Thăng Long qua các triều đại lịch sử. Trọng tâm nghiên cứu của Ðề án là không gian Ðiện Kính Thiên thời Lê Trung hưng, trong đó điểm nhấn là tòa chính điện. Việc phục dựng không chỉ dừng lại ở kết cấu vật chất của một tòa chính điện cụ thể mà mở rộng ra cả không gian cụ thể và không gian văn hóa , sâu hơn và xa hơn là phần "hồn", phần tinh thần chứa đựng nơi trụ sở cấp cao nhất của chính quyền trung ương Việt Nam thời trung đại.

 

Ðiểm đặc sắc làm nên sức hấpdẫn của khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long là sự tiếp nối văn hóa liên tục trong nhiều thế kỷ, các lớp văn hóa xếp chồng lên nhau, di tích trùm lên di tích. Nhưng đó cũng là khó khăn đặt ra trước các nhà nghiên cứu khi phục dựng lại một lát cắt hoặc một đoạn trong suốt dòng chảy thời gian đó.