Chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; rất nhiều địa phương đã tổ chức những hoạt động tri ân thế hệ cha ông, cũng như nhắc nhớ tới những người hôm nay về một thời quá khứ hào hùng của dân tộc.
Ngày 14/3, tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp với Cục Chính trị Quân đoàn 3 tổ chức trưng bày chuyên đề “Kon Tum - Những năm tháng hào hùng”.
Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Kon Tum (16/3/1975 - 16/3/2015) và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
240 ảnh tư liệu, 130 hiện vật, 25 tài liệu khoa học đã được trưng bày, chia làm hai phần chính: Kon Tum những tháng năm chống Mỹ và Bộ đội chủ lực Quân đoàn 3 trên chiến trường Tây Nguyên.
Qua trưng bày chuyên đề, người xem đã được hiểu thêm về khó khăn gian khổ, hi sinh mất mát, cũng như những chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng.
Đặc biệt, lần đầu tiên Cục Chính trị Quân đoàn 3 đã giới thiệu với công chúng cuốn nhật ký, thanh bảo kiếm và gậy đầu rồng của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Đại tá Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3 cho biết: Đây là dịp để thế hệ trẻ biết sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, về truyền thống yêu nước của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm hy sinh của cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam... Thế hệ trẻ phải hiểu rõ về truyền thống lịch sử, phải nhớ và làm tốt hơn truyền thống đó.
Cùng ngày, tại xã Long Sơn, huyện Cần Đước, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Long An phối hợp với UBND huyện Cần Đước tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng trận Xóm Trường (16/3/1965 - 16/3/2015).
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xã Long Sơn là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của khu vực Cần Đước, Long An. Đặc biệt, Xóm Trường là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc họp và lớp học của Nông hội huyện lúc bấy giờ.
Đã 50 năm trôi qua, nhưng ông Lê Văn Được - Nguyên Đại đội trưởng C315, người trực tiếp chỉ huy trận đánh Xóm Trường vẫn nhớ như in từng chi tiết của trận đánh. Ông Được kể lại, vào sáng sớm ngày 16/3/1965, một tiểu đoàn Ngụy chia làm nhiều mũi tập trung tại ngã ba Long Sơn, tổ chức càn quét Xóm Trường với ý đồ tiêu diệt căn cứ cách mạng của ta và thực hiện kế hoạch “bình định có trọng điểm” trên chiến trường Long An.
Trung đội bộ binh của Đại đội C315 do ông Được chỉ huy cùng với du kích xã Long Sơn nhanh chóng hội ý và triển khai đội hình đánh địch. Đồng thời, xin ý kiến Huyện ủy Cần Đước cho 2 Trung đội đang đóng quân tại Phước Tuy và Long Hòa đến phối hợp.
Khoảng 8 giờ sáng, địch chia làm 3 mũi đánh thẳng vào Xóm Trường, quân ta lợi dụng địa hình, dụ cho địch tiến sâu vào xóm rồi đồng loại nổ súng, diệt gọn một tiểu đội đi đầu, thu được một khẩu trung liên và đạn dược tiếp tục truy kích địch. Bị truy kích, địch liên tục gọi thêm chi viện bằng trực thăng từ Vĩnh Long lên và tổ chức càn quét, vào xóm đốt nhà dân.
Du kích Long Sơn và C315 chia làm nhiều tổ, vừa dập lửa cứu nhà dân vừa tổ chức phục kích tiêu diệt địch. Khoảng 6 giờ chiều cùng ngày, quân ta đã bẻ gãy hoàn toàn trận càn của địch, tiêu diệt gần 100 tên, thu được 50 khẩu súng, bắn rơi 1 máy bay ném bom, bảo vệ an toàn vùng giải phóng Long Sơn.
Ông Nguyễn Nam Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy Long An khẳng định: Trận đánh Xóm Trường là một trong những trận đánh tiêu biểu của quân và dân địa phương trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, góp phần làm thất bại kế hoạch “bình định có trọng điểm” của địch trên chiến trường Long An; đưa khí thế của phong trào đấu tranh quần chúng lên cao, tạo tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng trận Xóm Trường là dịp để các thế hệ chiến sĩ, cựu chiến binh và nhân dân địa phương ôn lại lịch sử đấu tranh chống xâm lược; đồng thời giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào với những giá trị lịch sử của quê hương cho thế hệ trẻ.