Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông lần thứ 2 huyện Đồng Hỷ sẽ được tổ chức vào ngày 18-3 nữa với sự tham gia của các nghệ nhân người Mông tiêu biểu biểu diễn, thi đấu về ca múa, thổi khèn, ẩm thực và các trò chơi dân gian.
Dự kiến, sẽ có trên 1 nghìn người dân đến tham dự. Đến thời điểm này, huyện Đồng Hỷ đã chuẩn bị chu đáo các phần việc cho Ngày hội.
Có mặt tại bản Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ), nơi sẽ tổ chức Ngày hội vào thời điểm này, chúng tôi chứng kiến sự khẩn trương của Ban Tổ chức và bà con nơi đây trong chuẩn bị các phần việc cho Ngày hội. Con đường dẫn lên bản đã được mở rộng khu vực sân nhà văn hóa của bản dự kiến là nơi diễn ra các phần thi trong Ngày hội đã được san đất bằng phẳng, vệ sinh sạch sẽ. Trong tiếng nói cười vui tươi, bà con nơi đây cũng đang tích cực làm cổng chào, chuẩn bị cây làm phông chính, cắm cờ khu vực sân khấu chính và đường lên bản. Ông Lăng Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết, để chuẩn bị cho Ngày hội, bên cạnh lựa chọn ngay những người Mông tiêu biểu để tham dự thi xã đã họp bàn và thực hiện ngay các phần việc liên quan đến chuẩn bị mặt bằng tổ chức Ngày Hội. Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý điện cung cấp điện lưới và bố trí cán bộ trực, kiểm tra an toàn lưới điện trước và trong khi diễn ra Ngày hội.
Bên cạnh các phần việc chuẩn bị kể trên, những nghệ nhân tham gia Ngày hội cũng đang tích cực chuẩn bị các phần thi của mình. Được biết, Ngày hội này sẽ quy tụ trên 200 nghệ nhân Mông tiêu biểu trên địa bàn huyện cùng tham gia biểu diễn, thi đấu tài năng về ca múa, thổi khèn, ẩm thực (nấu món mèn mén, thắng cố) và các trò chơi dân gian. Ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch xã Văn Lăng cho biết: Ngay sau khi nhận được kế hoạch của huyện, xã đã họp bàn và lựa chọn được trên 100 nghệ nhân có uy tín tiêu biểu nhất của xã, chia thành 5 đội để tham gia. Sau quá trình luyện tập, đến thời thời điểm này các nghệ nhân của xã Văn Lăng đều đã tự tin và chuẩn bị tốt các phần thi của mình.
Còn bác Hoàng Văn Mùi, là một nghệ nhân trong đội thi thuộc xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng cho biết: Các bài hát, bài thơ truyền miệng của người Mông chúng tôi trước kia có rất nhiều thể loại như: Truyện thần thoại về người anh hùng dạy người Mông cách trồng ngô, lúa, trồng lanh làm vải mặc; truyện cổ tích về các con vật; bài hát tình yêu (gầu plềnh), bài hát cưới xin (gầu xuống)… Đây là những bài mà trước kia người Mông thường hát khi làm nương rẫy, trong khi đi chợ, đi hội, nhưng đến nay, nhiều bài đã bị lãng quên, còn rất ít người hát được. Về tham dự với Ngày hội lần này, chúng tôi mong muốn được biểu diễn bài hát, bài thơ đặc sắc của dân tộc mình cho con cháu, bạn bè nghe và qua đó, góp phần giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa truyền thống, nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa Mông.
Ông Đàm Văn Nhàn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Hỷ cho biết, địa bàn huyện có 521 hộ dân tộc Mông với 2.703 nhân khẩu sống tập trung trên 9 bản thuộc 3 xã Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn. Người dân tộc Mông ở Đồng Hỷ có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Tuy nhiên, phần lớn những nét văn hóa đó chưa được nhiều người biết đến. Thậm chí, một số nét văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán hiện đang dần bị mai một. Trước tình hình đó, cùng với nguyện vọng tổ chức Ngày Hội văn hóa - thể thao dân tộc Mông của đồng bào, chúng tôi đã có kế hoạch tổ chức Lễ hội này để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Theo đó, Ngày hội lần này sẽ mở rộng quy mô toàn bộ những bản Mông trên địa bàn chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi bản Lân Quan, xã Tân Long như Ngày hội lần thứ Nhất tổ chức năm 2012.
Những hoạt động chính trong Ngày hội lần này sẽ là Thi và biểu diễn: Thổi Khèn; Trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông; Văn nghệ quần chúng; thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian (tung còn, chọi chim họa mi, đánh cù, kéo co, đẩy gậy); nấu món mèn mén, thắng cố… Đến nay, các phần việc chuẩn bị đều đã hoàn thành. Nghệ nhân của các xã đã hoàn tất công việc tập luyện để sẵn sàng tham gia Ngày hội. Chúng tôi hy vọng, Ngày hội văn hóa thể thao dân tộc Mông sẽ tổ chức thành công. Qua đó, không chỉ tạo cho người dân niềm vui, niềm tin bước vào một năm sản xuất mới với khí thế mới mà còn là nơi giao lưu gặp gỡ của đồng bào, góp phần vào việc bảo tồn phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông.