Tiên Bích La, mùa chim không làm tổ

12:57, 22/03/2015

Từ bến bờ Cửa Ðại, Tiên Bích La tựa đang trồi lên lang bang giữa trùng dương, lờ mờ đốm xanh, vời vợi. Xưa, cụ Nguyễn Tuân "xê dịch" ra đây mà xuýt xoa, ngỡ chạm chốn thiên thai.

Giờ, ngắm cái dáng đảo mẫu tử - mẹ bồng con ấy, cứ liêu xiêu, nhà xây san sát, bến bãi ninh ních, thương thuyền tề tựu. Hoài niệm! Ít ai còn tường hết "húy danh" của viên ngọc ven sườn đô cảng Hội An này. Nay, cư dân trên đảo chỉ quen gọi: Cù Lao Chàm. Sự động cựa của thời đại đã đánh thức Tiên Bích La sau một giấc ngủ dài!

 

Con đường an lạc

 

Chiêm Bất Lao, Pô-lô Cham Pe-lô hay Ngọa Long... đều tên "húy" của Cù Lao Chàm. Với tôi, Tiên Bích La vẫn là cái tên "gợi" nhất - "gợi" những "bất chợt" đáng suy ngẫm về viên ngọc giữa hoang sơ mà không thô ráp này. Chợt thấy trong buổi lê minh của trên dưới ba nghìn năm trước, đảo bắt đầu có sự sống, và Tiên Bích La được "khai sinh". Chợt mường tượng cuộc hành trình dằng dặc qua chừng đó thời gian, loài người từ chỗ cắm lều lay lắt ven biển, ngày ngày chống thuyền bôn ba tìm hải sản, thăng trầm dâu bể, nay đã có ba nghìn dân trú ngụ, trùng trùng cửa rộng nhà cao, dựng xây san sát tút hút sườn non. Chợt hiểu "con đường an cư lạc nghiệp" của Cù Lao Chàm hôm nay đương lột xác, biến cải Tiên Bích La thuở nào thành một quần thể xã hội đương thì. Rồi chợt lo cho cái quần thể vừa man dại vừa hiện đại, lằn ranh mỏng manh khi ý thức hệ miền du lịch vốn dĩ xô bồ đã ám trùm.

 

Từ cao điểm 517 - nóc nhà Cù Lao Chàm, Biển Ðông choán mắt, người hùng Năm Hò - (thâm niên hơn 40 năm lặn biển, từng giỡn mặt Hà Bá cứu vớt vô khối tàu thuyền và hàng trăm nhân mạng), hắng giọng: Ra Lao đốn Lụi thật Dài/Chờ Mồ Khô Lá, xuống Tai chực Nờm. Ông kể, Lao, Lụi, Mồ, Khô... là tên các hòn đảo nhỏ trên núi, rất xưa, được khẩu truyền đời này sang đời khác. Riêng Nờm, nay "vọt" khỏi địa phận Quảng Nam, đã thuộc bãi Nằm bán đảo Sơn Trà (Ðà Nẵng).

 

Tên đảo được đặt theo hình dáng và thảm thực vật, dễ phân biệt. Trên hòn Lao - thế mũi giáo, nơi đa số cư dân neo đậu, gom mình qua đêm ở một nhà thuyền, hươm hươm vị tanh ngư phủ, tôi đã nhóa mắt đón vầng dương chui lên từ bụng biển. Trời vương lờ nhờ sương!

 

Âm thanh ngày mới lanh canh ven lưng biển, át tiếng sóng ầm ào xô cồn cát là cơ man tàu thuyền rậm rịch ra khơi. Thuyền đi buôn vào TP Hội An, nhung nhúc thúng mủng. Thuyền chở khách du lịch theo tua men sườn Biển Ðông ra Cửa Ðại, huyên thuyên cười nói. Thuyền đánh bắt xa bờ vâm vam những cơ thể ăn sóng nói gió, lưng trần nhẫy nhụa đỏ au au, bùng nhùng mỏ neo, lưỡi câu, thêm dăm ba can dầu máy, bình rượu ngâm đẻn lên nước bóng lọng. Tôi lần mò trong khối thanh âm hỗn độn ấy, gặp đôi ba bóng thuyền lẻ bạn nằm đìu hiu trong cầu cảng bãi Làng, trên boong ăm ắp vật liệu xây dựng. "Thực, chỉ có một chuyến tàu du lịch "chính quy" trong ngày khứ hồi ra vào Cù Lao Chàm, song nhu cầu cuộc sống buộc các chủ thuyền "chạy chui" nhiều tuyến", Chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp Nguyễn Văn An nói thế.

 

Vỏn vẹn ba giờ đồng hồ, tôi đã gói trọn Cù Lao Chàm vào trí nhớ, từng dải đá dựng đứng, sấp ngửa dọc các cung đường. Trong chừng gần 10 ha, chừa lại ngút ngàn rừng rú, lọt thỏm xấp xỉ 600 hộ dân, co cụm ở bốn thôn bãi Làng, bãi Hương, bãi Ông, bãi Cấm. Tương đương chừng ấy nhân khẩu, nhà cửa mọc lên lấp ló sau lùm cây, thò mặt xuống cửa biển, bùng bêu bên vách núi. Những khách sạn bình dân, nhà hàng lô nhô, lốc nhốc, với tường vôi, gạch ngói ngổn ngang dang dở. Bàng hoàng cho cảnh quan Tiên Bích La đầu thế kỷ XXI!

 

... Chị Hảo - một cư dân trên đảo, có hai mặt con, đứa mười ba, đứa mười lăm. Ngoài giờ lên lớp, bọn trẻ đi đan lưới thuê. Cù Lao Chàm có nhiều nghề phụ, săn cua đá, mót lan nhung, vác hàng dưới cảng... Một ngày cũng dư dả đôi ba chục nghìn. Bọn trẻ nhà chị Hảo còn nhỏ, đều là gái, khó kham việc nặng, nên chọn nghề nhẹ. Giờ, ngót bốn mươi rồi - chị Hảo vác cái bụng phúc hậu dễ tám tháng hể hả bảo "con trai đấy", rồi cúi xuống cào thóc. Thóc hong vàng rộm sân kho trụ sở xã, mỗi năm một vụ, thu hoạch vào tháng 8, tháng 9, nhưng phơi quanh năm, vì nồm ẩm. Tiếc, tôi không tới đúng kỳ Cù Lao Chàm nở rộ lúa trên nương bậc thang, vàng sánh tựa sáp ong.

 

Tân Hiệp coi nước là "vàng trắng". Hằng ngày có chục lượt thuyền đem nước sạch từ đất liền ra đảo. "Năm ngoái, lãnh đạo TP Hội An đầu tư từ nguồn vốn Biển Ðông triển khai công trình hồ chứa nước tại đảo, công suất 3.000 m3, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất" - chị Hảo nói.

 

...Ðêm. Ðèn dầu và măng xông chấp chới như ma trơi, ẩn vào những lùm cây săng lẻ. Sao chi chít đong từng chùm lân tinh sõng sọa trên ghềnh sóng. Những ghềnh sóng lòa nhòa ôm lấy vùng đảo nhỏ mịt mùng tối thui - cuối năm nay, Tiên Bích La mới mong được giăng giăng ánh điện!?

 

Mùa chim không làm tổ

 

Mỗi năm, dân làng hòn Lao chỉ chộn rộn ròng bốn tháng để theo dõi, săn sóc cho nghề yến sào, thời gian còn lại rảnh rang. Giáp Tết Âm lịch, yến bắt đầu kết đôi, nhả rãi quấn tổ trên các vách đá cheo leo hang Tò Vò, hang Cả và hang Tai. Ba tháng sau, từng đội thợ nai nịt dây thừng, chĩa, vợt chèo thuyền rậm rịch đi khai thác. Ấy là chuyện xưa!

 

Giờ, những mùa chim không làm tổ, Cù Lao Chàm sinh ra đủ thứ nghề, đêm ngày bậm bịch bước chân ngư dân dưới biển, lao xao cười nói trong làng, ràn rạt tiếng rìu rựa phát trên khắp cánh rừng thâm u...

 

Xế trưa. Người lớn lẫn trẻ con, từng tốp lên rừng. Họ đi "săn" lan nhung, một loài dược liệu thân bò quý hiếm được các thương lái mua với giá 150.000 đồng đến 200.000 đồng/kg, kể cả lá, đưa sang Trung Quốc tiêu thụ. "Trước, lan nhung chỉ để ngâm rượu, uống xoàng xoàng, treo làm cảnh ở nhà. Từ tháng 9 qua đến nay, nghề này rôm hẳn, có một đội du khách lên đảo tham quan, phát hiện ra lan nhung, dần ở miết, thu mua, đóng gói, bao tiêu toàn bộ", ông Năm Hò kể.

 

Chỉ mới hai tháng, nhưng theo ông Năm Hò, hàng trăm cân lan nhung đã được dân bản địa khai thác. Từ trụ sở xã Tân Hiệp, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn An dẫn tôi lên cao điểm 517, đường hẹp dần, hai bên liên xiên đá dựng, rừng ken dày. "Lan nhung chỉ sống trên những vỉa đá chung quanh suối và dưới tán lá cây mục, nơi có khí hậu mát, ẩm ướt, không bị ô nhiễm", ông An nói. "Chính quyền có biện pháp ngăn chặn nạn khai thác này chứ?", tôi hỏi. "Do tình trạng mới "manh nha", nên giờ vẫn chỉ khuyến cáo bà con thôi. Mặt khác, một số khu vực thuộc "rừng cấm", nằm vào phạm vi quân sự hoặc các đồn biên phòng, địa phương không có thẩm quyền quản lý".

 

Qua hai cây số đường núi, tầng tầng sơn tản mầu xanh mát mắt, lộ ra vài lối mòn chạy vào tít tâm núi, chình ình gỗ, cành cây ngổn ngang, đất đỏ nhớp nháp bị cày bung ra, ta luy rơi từng mảng, lở lói. Ðó là những độc đạo tí hon mới hình thành, được dân "buôn rừng" khai phá. Dọc đường, một chị trung niên lụp xụp mũ mão, áo mưa, tay nải, ôm bọc rễ cây (không rõ loài thực vật gì), nhìn thấy chúng tôi tót ngay xuống bờ suối. "Xã thường xuyên tổ chức cán bộ tuần núi, nhưng nghe tiếng rựa phát ở góc nọ, đến thì chẳng thấy người đâu, chỉ còn lại lá rừng". Thực thì xưa đến nay, Tiên Bích La vốn lùm xùm rừng rậm, dân sinh sống tự phát, nhà cửa mọc lam nham, chưa có lực lượng kiểm lâm chuyên trách, khi bộ đội biên phòng lên đóng chốt, lúc ấy, từng vùng thuộc địa bàn nào, lực lượng đó có trách nhiệm trông giữ. Sự trông giữ cũng mang tính tự phát!

 

Ngày đi rừng đêm xuống biển. Lạ. Nghe thì vậy nhưng rất thực. Vì kế mưu sinh, Cù Lao Chàm "đẻ" ra nhiều nghề đặc biệt. Nhớ lại cách đây hơn năm, cảnh hoàng hôn và bình minh xóm chài trên đảo nhộn nhịp. Chiều, những ngư dân bắt đầu hành trình ra khơi. Tờ mờ sáng, đảo xôn xao, kẻ khuân gánh, người vác cân ra cảng, ngóng từng đoàn thuyền ăm ắp cá rong buồm trở về. Thời nay đà khác, nhiều người "cắm neo, treo lưới", đêm đêm săn cua đá dọc những hang hốc gồ ghề ven biển.

 

Tảng sáng, cầu cảng thành nơi họp "chợ" của đảo Cù Lao Chàm. Cua đá bò lồm ngồm, rộn rạo nhốt trong lồng sắt. Du khách tranh nhau mua. Giá cả nhảy lên theo giờ. 100.000 đến 120.000 đồng/kg lúc ban mai, khi nắng leo lắt hong khô đọt sương trên lá, giá 150.000 đồng/kg. Trời non bóng, cua đá đã cạn, khách vẫn đông, ra về trắng tay.

 

Ðem chuyện cua đá nói với mấy lãnh đạo xã, có người bảo: "Chưa thấy chủ trương cấm săn bắt cua đá. Hơn nữa, vì miếng cơm manh áo, người dân làm vậy cho qua lúc khó khăn". Người dân trên đảo kể rằng, cách đây năm năm, đi đâu cũng gặp cua, tối, cua bò đi ăn lá cây nghe rào rào. Kể từ khi dịch vụ du lịch phát triển, cua đá hiếm dần. "Hiện, có gần 50 người chuyên săn cua, bình quân mỗi đêm, một người săn được hai đến ba cân (khoảng 18 đến 23 con). Mỗi đêm, một người có thể thu nhập khoảng 300 nghìn đồng nhờ săn cua đá, cao gấp nhiều lần so với làm biển, không cần bỏ vốn", ông Năm Hò cho biết.

 

Trăm thứ nghề, tôi được nghe và xem ở Tiên Bích La. Nhưng, có nghề đáng ngăn cấm lại lớn mạnh, có nghề nên níu giữ thì thất truyền. Ngày cuối ở viên ngọc lung linh, tôi mải miết ngắm chiếc võng bên sập gụ nhà cụ Muôn. Nghề đan võng cổ ngô đồng tồn tại hàng trăm năm ở xã đảo Tân Hiệp, từng là nghề chính. Giờ, ngẫm thấy xót! Cù Lao Chàm chỉ còn lại duy nhất hai mẹ con người đàn bà góa phụ, thủy chung gìn giữ nghề truyền thống. Hằng ngày, khi mặt trời chưa ló, cụ Nguyễn Thị Muôn cùng con gái là Mai Thị Rài dắt nhau lên rừng, đỡ nhau qua từng vách đá để chặt và gùi ngô đồng về đan võng.

 

Chiều, mưa nhòa mặt biển, những người già ở Tiên Bích La kể cho tôi hay, võng được làm từ sợi thân cây ngô đồng, mọc trên mỏm núi cao. Cuối tháng 8, đầu tháng 9, gió đảo gom nốt chiếc lá cuối cùng còn trơ trọi cành, là lúc ngô đồng đâm chồi, rực mầu hoa đỏ... Xưa, người Chăm cổ, những cư dân đầu tiên của đảo phát hiện ra đặc tính ưu việt của thân cây, nên dùng để làm vật dụng lao động gùi, võng, dây thừng... Ðan được một chiếc võng ngô đồng cũng lắm công phu, có khi mất mấy tháng ròng.

 

...Nhấp nhóa bóng thuyền nhập cảng. Tối sập, bà Rài lò dò vào nhà thắp lên ngọn đèn dầu hiu hắt. Tôi chợt nghĩ, liệu khi nào chiếc võng ngô đồng cuối cùng sẽ được chính quyền nâng niu bảo tồn!? Chắc, lúc ấy, hai người đàn bà góa đã giã biệt Tiên Bích La chon von này!