Gửi hồn trong màu đất nung Bàu Trúc

14:21, 16/04/2015

Trong chuyến hành trình tới các tỉnh phía Nam của đất nước để thực hiện bộ phim tài liệu nhân kỷ niệm 40 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, chúng tôi có dịp dừng chân ở tỉnh Ninh Thuận.

Ai đó từng thốt lên khi nhắc đến Phan Rang (Ninh Thuận) rằng: “có phải xứ gió như Phan, nắng như Rang đó không?”. Thời điểm chúng tôi tới, Ninh Thuận càng khắc nghiệt hơn khi nhiều tháng nay, vùng đất này không có được một cơn mưa ướt đất. Thời tiết hà khắc là vậy, nhưng đổi lại Ninh Thuận có những vẻ đẹp riêng mà thiên nhiên ban tặng. Những vách đá mọc sừng sững, uy nghi ra sát biển, nước biển xanh màu ngọc bích luôn bình yên những nhịp sóng vỗ về. Bên cạnh những vùng hoang mạc lại có những đồi nho tím thẫm, là nguyên liệu để chiết xuất ra loại rượu vang tuyệt hảo. Nhưng có lẽ, độc đáo hơn cả đó là nền văn hóa lâu đời của cư dân nơi đây, trong đó phải kể đến sắc màu đất nung làng gốm Chăm Bàu Trúc.

 

Từ T.P Phan Rang - Tháp Chàm đi khoảng hơn 10km về hướng Nam, chúng tôi đến thăm làng gốm Bàu Trúc. Ngôi làng tiếng Chăm gọi là Palay Hamuk, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước là một trong những ngôi làng cổ nhất Đông Nam Á. Làng gốm Bàu Trúc có từ bao giờ không ai biết, chỉ biết rằng theo lưu truyền của cư dân địa phương, ông Poklong Chanh và vợ là bà Nai Lank Mưh dạy cho phụ nữ làm gốm từ ngàn xưa và được gìn giữ đến ngày nay. Ngoài nét độc đáo trong kiến trúc của tháp Chàm, điều khiến chúng tôi và tất cả những ai lần đầu tiên đặt chân đến Bàu Trúc đều vương vấn là những người phụ nữ Chăm. Họ vận trang phục truyền thống, nước da ngăm đen rắn rỏi, mái tóc hung vàng bởi nắng gió và đặc biệt hơn cả là đôi mắt to dưới hàng lông mày rậm với cái nhìn sâu thẳm. Toàn làng hiện có 980 hộ, 5.800 nhân khẩu, số người làm nghề gốm chiếm khoảng 60%.

 

Được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Báo Ninh Thuận, chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân cao tuổi nhất của làng Đàng Thị Gia. Năm nay, nghệ nhân Đàng Thị Gia 78 tuổi đời và có 63 năm tuổi nghề. Đã xấp xỉ tuổi bát tuần, nhưng bà vẫn giữ được vóc dáng của người ở tuổi trung niên: Lưng thẳng, bước đi nhanh nhẹn và đôi mắt tinh tường. Người Chăm ở đây gắn bó với nghề gốm theo hình thức truyền thống mẹ truyền con nối. Hầu hết các cô gái đến tuổi plú mơ thun (tuổi trăng tròn) đều phải học nghề gốm. Nghệ nhân Gia cũng vậy, bà được mẹ truyền nghề khi tròn 15 tuổi. Sau này bà lại truyền nghề lại cho 3 người con gái của mình (bà sinh được 7 người con trai và 3 gái). Hiện cả 3 người đang ở và làm nghề gốm cùng bà. 7 người con trai của bà đã theo về ở nhà vợ theo phong tục của người Chăm ở đây.

 

Trong nhà của nghệ nhân Đàng Thị Gia là một thế giới các sản phẩm gốm, với sắc màu đất nung. Tôi có cảm giác, người làm gốm đã thổi hồn vào từng sản phẩm nên nhìn chúng vừa tinh xảo, vừa huyền bí. Trong đó, nhiều nhất là các bình hoa đủ kiểu dáng, kích cỡ, bình nước phong thủy, tháp Chàm trầm mặc, các kiểu đèn lồng, các con vật gần gũi với con người, đến các vật dụng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày như khuôn làm bánh, nồi đất, chum đựng nước… Già Gia cho biết, nguyên liệu làm gốm phải là đất sét lấy ở cánh đồng Hamu Craok trộn với những hạt cát mịn lấy từ sông Quao cách làng 5km. Người dân thường dùng xe bò đi lấy đất về. Điều kỳ diệu là vùng đất rộng chừng 2ha đã cung cấp đất sét cho người dân làng gốm giống như “nồi cơm của chàng Thạch Sanh” không bao giờ cạn. Được thiên nhiên ban tặng, nên thông thường đến mùa người dân ra đồng thu gọn lớp bùn trên mặt để lấy đất sét, sau đó lại lấp bùn trở lại. Năm sau, lớp đất sét lại tự đầy lên. Cứ như vậy, bao đời nay, người dân Bàu Trúc không khi nào thiếu nguyên liệu sản xuất gốm và cũng chỉ có đất sét ở đây mới tạo ra được những sản phẩm gốm làm say lòng khách.

 

Có tìm hiểu chúng tôi mới hay, nghề làm gốm thật lắm công phu: Đất sét lấy về được phơi khô, đập nhỏ, đào hố ủ qua một đêm với lượng nước vừa phải cho đất giã ra rồi lại đem phơi khô. Sau đó, đem đất đã ủ trộn với cát mịn nhào nhuyễn với một tỷ lệ cát phù hợp (trộn cát lẫn vào đất để khi nung sản phẩm không bị nổ). Đất lấy về khi chưa trộn với cát thì để càng lâu càng tốt. Điều đặc biệt làm nên bản sắc riêng của gốm Bàu Trúc có lẽ là phụ nữ Chăm nặn gốm hoàn toàn bằng tay, không dùng bàn xoay như những nơi khác. Họ đi vòng quanh bệ gốm để chế tác sản phẩm. Đặt khối đất đã được nhào nặn lên một chiếc trụ, đôi chân thoăn thoắt của nghệ nhân Đàng Thị Gia bước theo vòng xoay nhanh đều. Đôi bàn tay thô ráp của bà như có phép màu, chỉ loáng một cái khối đất đã biến thành chiếc bình hoa tròn trĩnh. Nhìn tận mắt mà tôi cứ ngỡ bà đang phù phép, chỉ bằng chiếc rẻ nhúng nước quấn vào lòng bàn tay, bà trà vào miệng chiếc bình đang nặn, chỉ sau 2, 3 vòng xoay, miệng bình hoa đã có đường nét bắt mắt.

 

Sau khi tạo dáng, gốm thô được đưa ra phơi nắng từ 4-6 giờ rồi dùng mảnh sành, miếng nhựa bỏ hoặc cật tre làm láng mịn lại. Mỗi gia đình sản xuất gốm mộc trong thời gian năm, mười ngày mới đưa ra nung chín, lò nung lộ thiên. Sản phẩm gốm được xếp đan xen với rơm và củi khô. Thời gian đốt 4-5 giờ là gốm chín, có sắc đỏ tươi nguyên của màu đất được tôi luyện qua lửa pha với những vệt cháy của than củi. Vẻ tinh tế trong từng đường nét càng được thể hiện rõ trên những bức phù điêu trang trí nội thất và các bức tượng nữ thần Apsara. Tôi hỏi nghệ nhân Đàng Thị Gia: Trong làng có nhiều người làm được những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo như vậy không ạ? - Nhiều lắm, nhưng dù có để ở bất cứ nơi nào thì sản phẩm của nhà ai làm ra chúng tôi đều phân biệt được, không bao giờ nhầm lẫn. Thấy tôi lộ vẻ ngạc nhiên, bà giải thích: Để tạo ra một sản phẩm, người thợ không chỉ cần tay quen mà phải dồn hết tình cảm, tâm huyết của mình vào đó. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm đều mang hồn cốt của người làm ra nó. Say xưa bên chiếc bình cỡ đại, chị Đàng Thị Triều, con gái thứ tám của nghệ nhân Đàng Thị Gia chia sẻ thêm: Gốm Bàu Trúc không có một khuôn mẫu nào cả, chúng tôi phải tự nghĩ ra mẫu mã, hoa văn để trang trí cho từng sản phẩm. Khâu trang trí sản phẩm cũng là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất, nhưng khi đã bắt tay vào làm thì chúng tôi không còn biết tới thời gian. Vừa làm, vừa tưởng tượng, vừa vẽ, có hôm mấy mẹ con làm từ sáng đến khi ngẩng lên trời đã tắt nắng. Tâm huyết với từng sản phẩm như vậy nên không khó hiểu tại sao sản phẩm của mỗi người làm ra dù có 10 năm sau họ vẫn không bị nhầm với sản phẩm của người khác.

 

Nhìn vào đôi mắt của nữ thần Apsara, tôi như thấy đôi mắt đuôi nheo sâu thẳm của nghệ nhân Đàng Thị Gia, đôi mắt huyền đăm đắm của chị Đàng Thị Triều và còn có ánh mắt trong veo của những đứa trẻ lăng xăng vân vê những bình gốm bên bà, bên mẹ. Ở đó, có sự kế thừa và tiếp nối. Chúng tôi sẽ nhớ mãi những mắt huyền chăm nương ấy và tin rằng sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc sẽ mãi trường tồn, độc đáo và phát triển rực rỡ như chính nền văn hóa tháp Chàm.