Nơi tôn vinh học và hành

15:44, 22/04/2015

Cũng là một may mắn hiếm có, chúng tôi đến tỉnh Đồng Nai đúng vào dịp địa phương chuẩn bị kỷ niệm 300 năm ra đời Văn miếu Trấn Biên (1715-2015), nơi tôn vinh hiền tài không chỉ của Đồng Nai mà còn của các tỉnh phía Nam.

Anh Kim Tuấn, Thư ký Tòa soạn và chị Nguyên Trang, Biên tập viên Báo Đồng Nai chạy xe máy dẫn đường. Qua vài con phố từ trung tâm Thành phố Biên Hòa, chúng tôi lạc vào một không gian hoàn toàn khác: yên tĩnh, rộng rãi và vô cùng trang nghiêm: Văn miếu Trấn Biên.

 

Theo lịch sử, đây là văn miếu đầu tiên được xây dựng năm 1715 tại xứ Đàng Trong để tôn vinh Khổng Tử, các danh nhân văn hóa nước Việt và làm nơi đào tạo nhân tài. Năm 1861, nơi thờ phụng này đã bị thực dân Pháp phá bỏ. Đến năm 1998, Văn miếu Trấn Biên mới được khôi phục lại ở vị trí cũ thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa.

 

 Bước chân qua mái cổng kết cấu lầu gác giống như Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), chúng tôi đứng trước tấm Bia khắc bài văn do Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu biên soạn, gồm 80 câu khái quát truyền thống văn hóa, giáo dục của dân tộc và của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Đây là những câu nói rõ mục đích xây dựng Trấn Biên của người xưa:

 

Xây cao Văn miếu, tiếp thu thành tựu Bắc – Nam/Mở rộng học đường, khai thác tinh hoa kim cổ/Đạo làm người: Tích trí, tu nhân/Phép giữ nước: Sùng văn, trọng võ.

 

Trong nhà thờ chính xây kiểu ba gian hai chái, sơn son thếp vàng, ngan ngát hương trầm, chúng tôi dâng hương tưởng nhớ Khổng Tử, tưởng nhớ các danh nhân văn hóa của Việt Nam như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn… cùng các danh nhân đất Nam bộ như Võ Trường Toản, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thông.

 

 Đặc biệt trong nhà thờ này, trưng bày 18kg đất và 18 lít nước mang về từ đền Hùng, biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, cội nguồn của dân tộc Việt.

 

Văn miếu Trấn Biên còn có Nhà truyền thống để trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc cả về học chữ và học nghề.

 

Trong Nhà truyền thống, phía bên phải dành để tôn vinh người THẦY. Tượng ông đồ dạy học với thông điệp “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

 

Anh Kim Tuấn chỉ cho tôi xem các tác phẩm do Báo Đồng Nai xuất bản, sách của các tác giả người địa phương hay người nơi khác đến Đồng Nai sinh sống đều được trưng bày, giới thiệu tại đây. Ở bên trái dành tôn vinh người THỢ với thông điệp “Nhất nghệ tinh - nhất thân vinh”. Ông tổ của nghề đồng, nghề mộc, gốm, chạm khắc, dệt vải… của Đồng Nai đều được treo ảnh trang trọng. Không khí sản xuất của các làng nghề nổi tiếng như chạm khắc đá mỹ nghệ Bửu Long, làm gốm Tân Vạn, làng nghề dệt thổ cẩm Tân Phú được tái hiện bằng mô hình.

 

Quả thực, Văn Miếu Trấn Biên không chỉ đề cao sự HỌC, đỗ đạt, làm thầy, làm QUAN mà còn đề cao sự THỰC HÀNH, chăm chỉ, thành công của làm người làm THỢ.

 

Trong khu vực Văn miếu Trấn Biên, còn có một nơi gọi là Hội quán. Khác hẳn sự trang nghiêm, suy tư, hồi tưởng ở nhà thờ, nhà truyền thống, bước vào đây, một không khí văn hóa tươi mới bao trùm. Dưới tán lá sum suê, các bạn trẻ chơi nhạc cụ dân tộc, ca vọng cổ; phòng trong, một nhà văn địa phương giới thiệu sách, ký tặng, giao lưu với bạn đọc; ở một chỗ khác là phòng trưng bày tranh, ảnh; hành lang rộng đặt cây đàn Piano, ai cũng có thể ngồi vào đàn một bản nhạc mình yêu thích.

 

Thăm Văn miếu Trấn Biên của Đồng Nai, tôi ao ước Thái Nguyên mình cũng có một nơi như thế. Là tỉnh có nhiều trường đại học, trường dạy nghề nhất nhì cả nước; có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ hùng hậu; có nhiều làng nghề truyền thống nổi danh… vậy nhưng Thái Nguyên lại chưa có một không gian văn hóa xứng tầm để tôn vinh sự Học, sự Hành.