Di tích lịch sử là nơi tôn nghiêm, thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với lịch sử và các bậc tiền nhân. Thế nhưng, những giá trị truyền thống tốt đẹp đang bị ứng xử một cách tùy tiện.
Di tích trở thành phế tích, bị lấn chiếm, cho thuê khuôn viên di tích để bán cà-phê... đang là thực trạng khiến dư luận bức xúc tại Vĩnh Long.
Di tích thành phế tích
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh hiện có 10 di tích cấp quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh được công nhận. Trong khi đó, còn khoảng 30 di tích cấp tỉnh đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ hoặc chưa có hồ sơ. Những di tích bị "lãng quên" này mang đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước. Điển hình nhất là di tích Vạn Huê Đường hay người dân Vĩnh Long quen gọi là chùa Minh Sư, nơi thành lập Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long. Thế nhưng, trở lại chùa Minh Sư, thật đau lòng khi phải chứng kiến di tích nay đã trở thành phế tích.
Ông Ngô Hào Hiệp, cháu đời thứ mười của dòng họ Ngô, gọi ông Ngô Văn Hóa (người lập ra Vạn Huê Đường) bằng ông cố, dẫn chúng tôi tới một bãi đất hoang. Con đường đất nhỏ xíu chỉ vừa đủ cho một chiếc xe gắn máy lưu thông vắt ngang qua di tích. Chỉ tay vào mảnh đất cây cối um tùm, hoang phế, cỏ, sậy mọc cao lút đầu người, ông Hiệp bảo: "Đây là Vạn Huê Đường". Chúng tôi lại len lỏi vào sâu bên trong khu "rừng" rậm rạp để tìm dấu tích của ngôi chùa nhưng chỉ thấy trơ lại những chân cột đổ nát.
Theo tư liệu lịch sử, ông Ngô Văn Hóa, sinh năm 1864, trưởng gia tộc họ Ngô, một dòng họ lớn ở làng Tân An, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long xưa. Ông Ngô Văn Hóa lập Vạn Huê Đường rồi mời người của phái Minh Sư về dạy cho hai người em gái tu học. Sau đó, một người cháu ông Hóa tên là Ngô Thị Hạnh từ Nha Mân, Sa Đéc đến tu tại Vạn Huê Đường. Tháng 6-1927, ông Nguyễn Văn Côn, người Tiền Giang sang Vĩnh Long lập cơ sở Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội đầu tiên tại Vĩnh Long. Và Vạn Huê Đường chính là cơ sở hoạt động của tổ chức Đảng và các đảng viên cộng sản đầu tiên của Vĩnh Long. Khi một số đảng viên cộng sản bị địch bắt tù đày, đưa ra Côn Đảo, bà Ngô Thị Hạnh phải lánh đi nơi khác. Cách mạng Tháng Tám thành công, bà Ngô Thị Hạnh trở về chùa Minh Sư, tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chùa Minh Sư trở thành chỗ ém quân của Tiểu đoàn 306 trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968.
Ông Ngô Hào Hiệp cho biết: "Vạn Huê Đường là di tích lịch sử của dòng họ Ngô, cũng là di tích lịch sử của tỉnh Vĩnh Long, nhưng giờ đã trở thành phế tích; chúng tôi là con cháu thấy xót xa quá. Vì nhiều lý do, hiện mảnh đất này đã thuộc sở hữu cá nhân, không còn là đất hương hỏa của dòng họ Ngô nữa. Nguy cơ Vạn Huê Đường vĩnh viễn mất đi là có thật".
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho rằng, Vạn Huê Đường là "món nợ lịch sử" của ngành văn hóa, bảo tàng, mà vì nhiều lý do nên vẫn chưa thể "trả nợ" được. Vạn Huê Đường mang đậm dấu ấn lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh nhà, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được lập hồ sơ di tích. "Do khu đất của ngôi chùa này thuộc sở hữu tư nhân nên bị vướng, vì chưa có kinh phí để đền bù, thu hồi đất. Năm tới, chúng tôi sẽ xin kinh phí để mua lại khu đất Vạn Huê Đường năm xưa; mở hội thảo, phục dựng lại ngôi chùa và làm bia. Nếu không làm sớm việc này, khu đất nêu trên bị bán đi thì sẽ còn rắc rối nhiều hơn".
Không ứng xử tùy tiện với di tích
Thực trạng ứng xử tùy tiện với di tích đang gây bức xúc trong dư luận người dân tại tỉnh Vĩnh Long.
Võ Miếu Long Hồ hay người dân địa phương quen gọi là Đình thần Long Hồ, tọa lạc tại khóm 6, phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, được công nhận di tích cấp tỉnh vào ngày 20-12-2000. Trước đây, ngôi đình này có diện tích rộng hơn một ha, nhưng hiện nay chỉ còn không tới 1.600 m 2 . Đất rộng, không ai quản lý nên những hộ dân chung quanh mặc tình lấn chiếm. Những người có hoàn cảnh khó khăn đến xin che tạm căn chòi tá túc trên đất đình rồi lâu dần chiếm hẳn, diện tích của đình Long Hồ. Chưa hết, diện tích này còn bị một người dân lấn chiếm, xây cất nhà ngay trong khuôn viên tường rào. Bức xúc, Ban quản lý di tích đã gửi đơn khiếu nại suốt nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có kết quả.
Đình thần Phú Thuận, ấp Phú Thuận 1, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nơi ghi nhiều dấu ấn lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử. Đáng nói hơn là sự thờ ơ của những người có trách nhiệm, khiến toàn bộ diện tích đất gần một ha của ngôi đình bị chuyển sang sở hữu của một "ông từ" giữ đình.
Di tích Cây Da cửa hữu thành Long Hồ tọa lạc trên đường Lê Văn Tám, phường 1, TP Vĩnh Long từng bị thực dân Pháp hai lần đánh phá, là nơi lưu dấu lịch sử của vương triều nhà Nguyễn. Tại cửa thành này có một cây da rất to và một ngôi miếu gọi là miếu Bảy Bà. Mặc dù rơi vào tay thực dân Pháp, nhưng người dân vẫn kiên trì đấu tranh để giữ lại cây da cổ thụ. Cuối cùng, khi thực dân Pháp giải phóng đất làm đường, đã phải nhượng bộ, "bẻ cong" con đường như một cánh cung vòng qua di tích để không phải đốn hạ cây da. Theo các tài liệu lịch sử thì di tích Cây Da cửa hữu thuộc thành Vĩnh Long. Thế nhưng, không hiểu vì sao, qua nhiều cuộc hội thảo, lập hồ sơ di tích, đến khi cổng thành được phục dựng thì tấm biển đề trên cổng thành lại là "Di tích Cây Da cửa hữu thành Long Hồ"! Một lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long khẳng định, không có thành Long Hồ mà chỉ có thành Vĩnh Long.
Nghĩa Trũng miếu, ở ấp Tân Hạnh B, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hai lần giặc Pháp đánh thành Vĩnh Long vào các năm 1862 và 1867, quân gia, tướng sĩ thành Vĩnh Long tử trận đều được quy tập về chôn tại Nghĩa Trũng miếu. Lâu ngày, nghĩa trang này trở nên bằng phẳng, cỏ lác mọc dày. UBND xã Phước Hậu, huyện Long Hồ từng trưng dụng nơi này làm... sân bóng đá.
Mặt bằng của di tích Cây Da cửa hữu đã được trưng dụng để cho tư nhân thuê mở quán cà-phê. Nhiều năm qua, quán cà-phê Cây Da ngày một mở mang, bàn ghế tràn ra san sát lối dẫn lên nhà bia lưu niệm; bạt, mủ, lưới, dù được kê tán, giăng mắc khắp nơi, thậm chí chằng chéo lên cả khu vực chính của nhà bia di tích, tạo nên một khung cảnh bát nháo, làm mất đi vẻ tôn nghiêm và cảnh quan của khu di tích. Nhiều di tích khác như Văn Thánh Miếu (di tích cấp quốc gia) tại đường Trần Phú, phường 4, TP Vĩnh Long cũng "được" cho thuê mặt bằng khuôn viên để bán cà-phê; đình Long Thanh (di tích cấp quốc gia) đường 8/3, phường 5, TP Vĩnh Long cũng có một quán cà-phê võng trong khuôn viên...
Nói về trách nhiệm của ngành văn hóa trong việc quản lý di tích trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Xuân Hoanh cho biết: "Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ quản lý về mặt chuyên môn, nhắc nhở, yêu cầu những nơi này chấn chỉnh sao cho đừng để việc mua bán kinh doanh ảnh hưởng đến di tích, chứ không thể quyết định việc cần thiết hay không cần thiết tồn tại quán cà-phê trong khu di tích? Bởi vì, di tích sau khi xây dựng, bàn giao cho địa phương quản lý về mặt đất đai nên họ có thể linh hoạt cho thuê mặt bằng làm kinh tế nhằm có nguồn thu duy trì hoạt động của người trông coi, quản lý di tích đó".
Trước tình trạng này, câu chuyện các di tích lịch sử đang bị xâm hại tại tỉnhVĩnh Long chưa biết bao giờ mới có hồi kết!