Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là địa chỉ quen thuộc với mỗi người khi có dịp về thăm Điện Biên. Đây là không gian sống động ghi dấu về chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm xưa với nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày phong phú.
Khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên diện tích 22.000 m2, với tổng vốn đầu tư trên 211 tỷ đồng, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là công trình quy mô, hoàng tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên cho đến nay.
Nhà bảo tàng được thiết kế dạng hình nón cụt, phần trang trí xung quanh được tạo hình quả trám tượng trưng như tấm lưới ngụy trang của chiếc mũ anh bộ đội, gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi. Trong đó, tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ vui chơi giải trí. Tầng nổi là không gian trưng bày cố định chuyên đề chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không gian toàn cảnh và bộ phận làm việc.
Đặc biệt nhất là toàn bộ phía trong tầng 2 của Bảo tàng được thiết kế bức tranh tròn. Đây là hạng mục quan trọng trong chuỗi nội dung trưng bày của Bảo tàng, là bức tranh tròn đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Bức tranh tròn sẽ tái hiện một cách chân thực nhất chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
Bảo Tàng đang trưng bày gần 1.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh, góp phần tái hiện một cách sinh động, rõ nét cuộc chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta, trong đó chủ yếu là 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, khiến bất cứ ai được đến tham quan đều không khỏi xúc động, bồi hồi.
Ông Vũ Quang Thành, cựu chiến binh huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang và ông Mơ-ni-uê, một du khách đến từ nước Pháp cho biết: "Lên lần đầu tiên nhưng tôi thấy Bảo tàng của Điện Biên Phủ rất hoành tráng. Được nhìn thấy một số hiện vật, cũng như các khu vực, các nơi kỷ niệm trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi rất phấn khởi và xúc động" .
"Tôi rất vinh dự khi được đến thăm Điện Biên Phủ. Đặc biệt, được đến thăm Bảo tàng chiến thắng, tôi thấy đây là một công trình rất đồ sộ và độc đáo. Các hiện vật ở đây đều được trình bày đẹp và giải thích rất rõ ràng. Khi trở về Pháp, nhất định tôi sẽ trao đổi với những người bạn của tôi về cách trình bày, cũng như cách bố trí hiện vật tại đây" - ông Vũ Quang Thành cho biết.
Nhờ sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là các cựu chiến binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà Bảo tàng có được nhiều hiện vật quý giá, như chiếc xe cút kít của dân công Trịnh Đình Bầm, với 1 phần bánh xe được làm từ bàn thờ tổ tiên, chiếc xe có thể chở tới 280kg/chuyến lương thực, nhờ vậy, chỉ trong vòng 4 tháng, với quãng đường gian khổ 20km, cụ Bầm đã chuyển được hơn 12 tấn lương thực phục vụ chiến trường; rồi con dao đa năng của Thiếu úy Nguyễn Dũng Chi thu được tại hầm Đờ cát tơ ri; Sơn Pháo 75 ly của Anh hùng Phùng Văn Khầu; Khẩu pháo 105 ly đã bắn loạt ở trận đánh đầu tiên tại Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ…
Với các cán bộ, nhân viên Bảo tàng, hầu hết được sinh ra trong thời bình, nhưng đều từng được nghe nhiều về chiến thắng Điện Biên Phủ, nay trực tiếp được tham gia bảo tồn, lưu giữ và quáng bá giới thiệu các giá trị lịch sử vô giá ấy thực sự là niềm vinh dự, tự hào lớn lao.
Anh Nguyễn Ngọc Linh, thuyết minh viên Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ bày tỏ: "Tôi là một người con của mảnh đất Điện Biên. Ông nội của tôi cũng đã từng chiến đấu tại mảnh đất Điện Biên Phủ. Hồi nhỏ đến giờ tôi cũng đã được nghe ông kể rất nhiều những câu chuyện về những chiến thắng của ông tại Điện Biên. Lúc đầu khi còn nhỏ tôi không xác định là mình có thể làm hướng dẫn viên, nhưng thông qua những câu chuyện kể của ông như vậy thì dần lớn lên tôi đã hướng cho mình là sẽ học về ngành du lịch. Và đến nay tôi đã học xong và đã trở về phục vụ tại chính quê hương của mình. Tôi cảm thấy rất rất tự hào".
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ hiện mới hoàn thành giai đoạn 1, nhưng đã đón rất nhiều du khách đến tham quan. Trong đó, riêng năm 2014 trên 570.000 lượt và các tháng đầu năm nay là gần 70.000 lượt.
Trong giai đoạn tiếp theo, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ tiếp tục triển khai các hạng mục: Nhà trưng bày ngoài trời, thảm cỏ, sân đường nội bộ…Toàn bộ các hạng mục trong giai đoạn 2 của Bảo tàng dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016.
Ông Đoàn Văn Chì, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết: "Trong thời gian tới chúng tôi vẫn tiếp tục chỉ đạo Bảo tàng duy trì thời gian mở cửa để phục vụ du khách. Thứ 2 là nâng cao chất lượng của các thuyết minh viên. Vừa rồi chúng tôi có điều chỉnh các cán bộ viên chức trong toàn ngành, bởi thực tế đội ngũ thuyết minh viên của Bảo tàng rất ít.
Chúng tôi đã tổ chức 1 lớp tập huấn, đối tượng 60 người, kể cả thuyết minh viên Bảo tàng và cán bộ, công chức trong toàn ngành, cùng một số các em được đào tạo về lĩnh vực trong tỉnh mà chúng tôi gọi đó là các tình nguyện viên. Qua kết quả của lớp tập huấn đó, đặc biệt là thông qua dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã chọn được thêm 1 số cán bộ về Bảo tàng chiến thắng. Và hiện nay chúng tôi đã tạm yên tâm với đối tượng thuyết minh viên Bảo tàng".
Sự hiện hữu của một Bảo tàng quy mô lớn, mang tầm vóc công trình cấp I quốc gia tại tỉnh Điện Biên đã và đang góp phần tôn vinh giá trị lịch sử của dân tộc. Thông qua các hình ảnh, tư liệu, hiện vật trưng bày, mỗi người tới đây sẽ càng thêm hiểu, thêm tự hào về những năm tháng vẻ vang, hào hùng, mà đỉnh cao là chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc, để rồi càng quyết tâm góp sức xây dựng một Điện Biên Phủ và đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp hơn./.