Giữa những ngày tháng năm lịch sử, khi nhân dân cả nước cùng hướng về Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ phim điện ảnh Nhà tiên tri nói về sự nghiệp cách mạng và con người Hồ Chí Minh đang nhận được chú ý và trông đợi của dư luận.
Từ lâu, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho các loại hình của nghệ thuật. Nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm, đã có nhiều năm ấp ủ ý tưởng và dành hơn bảy năm để sáng tác kịch bản Nhà tiên tri bắt đầu cảm hứng từ những câu thơ da diết nhớ thương trong bài thơ Muôn vàn tình yêu thương trùm lên khắp non sông của nhà thơ Việt Phương: "Cả dân tộc khóc người thương mình nhất - Người được thương hơn tất cả những người thương".
Bộ phim lấy bối cảnh lịch sử những năm 1947-1950, khi Bác Hồ và các đồng chí của Người "nếm mật nằm gai" trong cuộc trường kỳ kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc. Khi ấy, Bác đã có những tiên đoán về thắng lợi của quân và dân ta vào năm 1954. Thực tế lịch sử đã chứng minh những nhận định thiên tài của Người là hoàn toàn chính xác. Ngày 10-10-1954, bộ đội ta tiến về giải phóng Thủ đô trong âm vang Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Lê-nin đã nói: "Những người làm nên lịch sử là người dự đoán được tiến trình của lịch sử". Bác Hồ của chúng ta đã tiên đoán những bước đi của lịch sử, không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới. Người nhìn thấy thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập và tự do của dân tộc.
Trong phim, hình ảnh Bác Hồ là nhân vật trung tâm xuyên suốt các sự kiện và tuyến nhân vật. Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và đạo diễn phim Vương Đức đều bày tỏ chung một quan điểm: Thể hiện hình tượng Bác một cách hết sức bình dị, tự nhiên không thần thánh hóa. Bác hiện lên trong lòng nhân dân vừa giản dị, vừa vĩ đại, hòa vào không gian núi rừng, người dân Việt Bắc, như một chiến sĩ trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Những chiến lược, quyết sách lớn được Bác phổ biến tới chiến sĩ, đồng bào theo một cách rất đơn giản, dễ hiểu.
Những điều bình dị, gần gũi ấy làm nên cốt cách một con người vĩ đại và làm nên những điều vĩ đại. Có một hình ảnh mang tính biểu tượng được khéo léo lồng ghép nhiều lần, vào những thời gian và địa điểm khác nhau trong phim, đó là cánh chim bồ câu. Dù là cánh chim Bác nuôi ở trong rừng sâu Việt Bắc hay cánh chim tung bay trên quảng trường Đỏ của nước Nga, cũng đều chuyển tải thông điệp về khát vọng hòa bình, tự do. Điều thú vị là trường đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật sang Liên Xô vào đầu năm 1950 vốn không có trong kịch bản ban đầu. Nhưng trong quá trình làm phim, ê kíp đã quyết định khai thác thêm chi tiết cuộc tiếp xúc của Bác với nhà lãnh đạo Xta-lin để làm nổi bật tầm nhìn và sự lãnh đạo sáng suốt của Người, đặc biệt là trong việc thuyết phục nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ Việt Nam và đặt nền móng cho quan hệ ngoại giao với nước bạn.
NSND Bùi Bài Bình đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau khi được lựa chọn vào vai Bác Hồ trong bộ phim Nhà tiên tri. Từ niềm thích thú ban đầu trước một vai diễn lớn, ông đã trải qua cảm giác lo mình không đủ khả năng thể hiện hình tượng Bác, thậm chí có lúc muốn rút lui, nhường vai cho người khác.
Tuy nhiên sau tất cả, Bùi Bài Bình đã quyết tâm phải thể hiện được hình tượng vĩ đại một Nhà tiên tri của dân tộc. Ông dành thời gian nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử về Bác Hồ, xem phim tài liệu, ảnh, và đặc biệt là những bộ phim về Bác từ trước đến nay. Ông có nhiều sáng tạo khi thể hiện cử chỉ, dáng điệu đời thường của Người mà hiếm thấy hoặc không có trong tư liệu. Để có ngoại hình giống với Bác Hồ giai đoạn 1947- 1950, Bùi Bài Bình đã phải ép cân nặng của mình từ 56kg xuống 50kg. Có những ngày chỉ uống cà-phê, ăn kiêng, khiến ông gần như bị lả. Gần một năm quay phim ở vùng rừng núi Việt Bắc, ông cùng các cộng sự không chỉ trải qua những ngày nắng cháy, mưa dầm, xa gia đình, phương tiện thiếu thốn, mà còn gặp cả những tai nạn nguy hiểm như trượt chân, ngã ngựa... Ông quan niệm, vẻ bề ngoài rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là thể hiện được tinh thần bên trong con người Bác, thần thái sinh động, trí tuệ mẫn tiệp và những tình cảm mà Bác dành cho chiến sĩ, đồng bào.
Đạo diễn Vương Đức, người từng ghi dấu ấn với công chúng yêu điện ảnh qua các phim Cỏ lau, Những người thợ xẻ, Của rơi, chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng tái hiện những trận đánh lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp như trận Đông Khê, trận Sông Lô... tốt nhất có thể. Nhà tiên tri sẽ đưa đến cho khán giả không chỉ câu chuyện lịch sử về một vĩ nhân, mà còn đề cập đến vấn đề rất lớn với tất cả các dân tộc trên thế giới, đó là chiến tranh và hòa bình".
Bộ phim Nhà tiên tri có thời lượng hơn 100 phút, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt kế hoạch đầu tư sản xuất và giao cho Hãng Phim truyện Việt Nam thực hiện. Phim khởi quay từ tháng 5-2014, đóng máy vào tháng 2-2015, lấy bối cảnh chính ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Cạn... và các quốc gia Trung Quốc, LB Nga.