Có một mùa hè như thế ở Co Xàu

09:12, 20/06/2015

Những ngày hè oi ả, Co Xàu (tên cổ của thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng), rộn ràng hơn bởi tiếng nói cười, đùa vui của trẻ nhỏ. Một trại hè được tạo ra với mong muốn giúp những cô bé, cậu bé người Tày xa quê có điều kiện trở về, hòa nhập với quê hương, thông qua các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt văn hóa mang nhiều ý nghĩa.

Trước khi đến với Cao Bằng, qua sách, báo tôi từng nghe nhiều chuyện về cuộc sống, con người vùng biên cương Trùng Khánh còn lắm gian nan. Đây là vùng đất đậm đặc văn hóa dân tộc Tày và cũng là nơi xuất thân của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng: nhà thơ Y Phương, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Từ Ngàn Phố, họa sĩ A Sáng,... Điều đáng nói, những người này dù xa quê, nhưng luôn đau đáu một nỗi nhớ, một niềm tin và tình yêu dành cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn Co Xàu.

Tôi vẫn nhớ lời tựa cho cuốn Những giấc mơ màu hạt dẻ của người con bản Pác Thay - họa sĩ A Sáng. Không phải ngẫu nhiên anh chọn tên cuốn sách là Những giấc mơ màu hạt dẻ. Trong đó là tất cả những ký ức về bản Pác Thay, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, nơi người họa sĩ đã được sinh ra và lớn lên.

Với những người đã sinh ra và lớn lên ở nơi này, chảy trong người dòng máu nóng của người Co Xàu thì không thể quên. Nhà văn Y Phương tự sự trong tác phẩm Lớp vỡ lòng về một thời thơ bé nơi làng Hiếu Lễ (Trùng Khánh): Tiếng Việt được mớm vào miệng tôi từ năm lên bảy, tám, chín tuổi. Còn trước đó, người ngoài phố nói gì tôi không hiểu. Vì thế tôi rất sợ người nào không nói được tiếng Tày. Tuy nhiên, quá trình giao lưu và hội nhập, ảnh hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, rồi tác động của sách, báo, phim ảnh, nhất là in-tơ-nét đã và đang làm phai nhạt bản sắc văn hóa của không ít người vốn là dân Co Xàu chính gốc. Đây cũng là nỗi lo ngại của những người Co Xàu cao tuổi khi phải chứng kiến thế hệ con cháu dần dà lãng quên văn hóa và kể cả tiếng nói dân tộc Tày ngay chính trên quê hương mình. Nhà thơ Y Phương từng thổ lộ: Trên thế gian này, dân tộc nào cũng khởi nguồn từ cha mẹ... Người Tày có cha Báo Luông và mẹ Slao Cải... Cho dù là truyền thuyết thực hư, nhưng ai ai cũng phải có huyết thống từ cha mẹ, từ dòng tộc của mình. Huyết thống từ cha mẹ, từ dòng tộc chính là bộ rễ. Tình người vươn tới đâu, rễ người dài ra đến đó. Chính cái tình người vươn xa đó, cái gốc rễ dài lâu đó đã thấm sâu vào tâm khảm mỗi người Tày ở Trùng Khánh một màu sắc quen thuộc như hình bóng dáng cây Cọ mạy xau quen thuộc nơi này. Và rồi, những giấc mơ mang màu hạt dẻ cứ lớn dần trong tâm trí con cháu các thế hệ người Tày Co Xàu - Trùng Khánh ở trên mọi miền đất nước, thôi thúc họ trở về miền biên viễn - đất tổ để hiểu về văn hóa dân tộc, lưu giữ ký ức của cha ông, của dòng tộc...

Chúng tôi gặp Hứa Anh Nhuệ trong một sáng mùa hè đầy nắng. Bên góc hồ Tây yên bình giữa lòng Hà Nội, cô con gái duy nhất của nhà văn Y Phương vẫn giản dị với bộ quần áo Tày truyền thống. Trong tâm tưởng của người phụ nữ đã là mẹ của hai công chúa nhỏ xinh đẹp luôn khắc khoải một nỗi nhớ quê hương. Nhưng xa hơn, đó là nỗi niềm trăn trở về ngày mai, những đứa con của cô lớn lên trong lòng thành phố có còn nhớ đến quê hương bản quán, có còn tự hào về văn hóa dân tộc Tày? Chị cho biết: Con tôi đang lớn lên, đang trưởng thành hằng ngày, nhưng liệu chúng sẽ ra sao khi không biết yêu quý quê hương, không thấy vui sướng mỗi khi được trở lại nơi chôn nhau, cắt rốn của cha mẹ?. Hai con của chị giờ được học trường quốc tế, khả năng ngoại ngữ rất tốt, hát tiếng Anh rất hay, nhưng đó dường như là chưa đủ, không phải điều người mẹ mong muốn hơn cả. Điều chị muốn là giúp những tâm hồn non trẻ có thể hình dung được về một quê hương trọn vẹn, tròn trịa và chân thực thông qua chính ngôn ngữ, phong tục, bản quán.

Đó không chỉ là câu chuyện của riêng những người Tày xa quê mà giờ đây đang là nỗi lòng của rất nhiều bậc cha mẹ, cho dù con cái họ được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất Co Xàu ngày nay. Cô giáo Nông Thanh Huyền (thị trấn Trùng Khánh) tâm sự: Bọn trẻ giờ học tiếng phổ thông, giao tiếp cũng bằng tiếng phổ thông. Số ít có thể nghe hiểu tiếng Tày thông qua cách bố mẹ, ông bà giao tiếp, nhưng nói thì không được. Không khó hiểu khi hiếm gặp một người trẻ dân tộc Tày hát câu hà lều, sli giang ở Trùng Khánh ngày nay. Thậm chí, những người trung tuổi giờ đây có thể sờ đến cây đàn tính ngân vài ba khúc lượn then cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phố xá Co Xàu xưa giờ chật chội hàng quán, lối sống hiện đại len lỏi khắp chốn và văn hóa đậm đặc của dân tộc dường như đang dần phai nhạt.

Thế nhưng, mùa hè năm nay có những người Tày mong muốn làm nên một sự thay đổi. Một trại hè được xây dựng để kết nối lũ trẻ bằng tình yêu quê hương, văn hóa dân tộc, dù còn đơn sơ. Hứa Anh Nhuệ đã đứng ra, tự bỏ công sức tiền bạc để tổ chức một chương trình đặc biệt Mùa hè Co Xàu mà ở đó, hai cô con gái chị, đại diện cho thế hệ con cháu người Tày xa quê cùng lũ trẻ Co Xàu có dịp chia sẻ cùng nhau những hình ảnh quê hương, những cảm nhận thân thương về một vùng đất tuy xa mà rất gần. Chị Nhuệ tâm sự: Tôi không mong muốn điều gì lớn lao khi tổ chức Mùa hè Co Xàu cả, chỉ muốn gửi đến tâm hồn lũ trẻ một ký ức đẹp về quê hương, khác xa với những gì chúng được chứng kiến hằng ngày tại thành phố.

Và thật bất ngờ khi chỉ trong mười ngày, đã có những đứa trẻ ùa đến để vui đùa cùng nhau, chơi những trò chơi dù đơn giản nhưng lại khiến người lớn phải xúc động, nhớ về thời thơ ấu đầy màu sắc quê hương. Ở đó, dưới sân vườn yên ả chợt rộn ràng hơn tiếng cười nói, đùa vui của lũ trẻ trước sự chứng kiến của cả ông bà, bố mẹ. Bà Hoàng Thị Lan tâm sự: Tôi từng cho cháu đi học đàn tính ở một lớp do trung tâm văn hóa xã tổ chức cho người lớn. Nhưng cũng chỉ được hai tháng rồi chẳng còn dịp để con luyện tập. Thế nhưng giờ đây, bé Thùy Dương, cháu bà Lan, đã có dịp được cầm trên tay cây đàn dân tộc, chơi điệu then quen thuộc dưới lời hát của chính các cụ bà trong làng từ những buổi sinh hoạt ở trại hè của chị Nhuệ. Một cụ bà đưa cháu đến sinh hoạt ở đây cho biết: Tôi đưa cháu đến trại hè nhưng không ngờ lại được ngâm những khúc nhạc mà thời trẻ vẫn thường thể hiện vào mỗi ngày hội. Cứ tưởng sau này bọn trẻ chẳng thể học được, nhưng có cơ hội hiếm thế này thì thật tốt.

Nắm bắt được mong muốn đó và cũng từ tâm huyết, sự nhiệt tình, trại hè đã có sự góp mặt của nhiều văn nghệ sĩ người Tày. Nghệ sĩ Kim Oanh từ Đoàn nghệ thuật Cao Bằng đến truyền cho các bạn nhỏ dòng suối âm thanh réo rắt cổ xưa của người Tày thông qua nhạc cụ đàn tính, chùm xóc nhạc thay tiếng vó ngựa, lời hát then... Theo người nghệ sĩ đam mê âm nhạc dân tộc này thì chị biết đến ý tưởng Mùa hè Co Xàu dành cho các em nhỏ và thật sự bị cuốn hút, cho nên đã tình nguyện tham dự trại hè. Chị đã giúp các em nhỏ hiểu và tập đàn tính, với làn điệu then đậm chất Tày bằng những gì giản dị nhất có thể. Nhìn lũ trẻ say sưa, chăm chú lắng nghe mới thấy hết sự hấp dẫn mà nghệ thuật dân tộc đem tới. Nó không hề khô khan bởi trong đôi mắt trẻ thơ, những thứ thân thuộc đều thật sự dễ tiếp nhận, và đầy tình cảm.

Có buổi, các em được tham gia nhổ mạ ngoài đồng, đi thăm thú ngôi nhà cổ người Tày ở làng Khuôi Kị và thiên nhiên trong vùng với sự vui thú, hấp dẫn đến lạ thường. Các em còn cùng nhau tự soạn bài, học cả tiếng Việt, tiếng Tày và tiếng Anh thông qua những bức tranh tự vẽ, những bông hoa cây cỏ ven làng... Được học những từ ngữ thật đẹp trong tiếng Tày như pá pả (đám mây) mang nghĩa là tấm chăn của trời; hay như Slim thầu (trái tim) lại là một từ đầy tính triết lý, mang nghĩa là trung tâm, nơi khởi đầu... Em Hoàng Anh Sa ở Hà Nội được về dự trại hè này nơi đây hồ hởi cho biết: Trước đây cháu được bố mẹ dạy nhiều từ tiếng Tày nhưng ít dùng nên quên hết. Nhưng nhờ có trại hè, cháu được chính các bá, các bạn trợ giúp cho nên đã biết thêm rất nhiều từ. Cháu sẽ đem tiếng Tày ra dạy các bạn cùng lớp ở Hà Nội.

Những đứa trẻ Tày sinh ra ở phố thị, ở Thủ đô, nhưng giờ đây đã biết mong mỏi hướng về quê hương. Trong một trại hè gọn gàng nhưng không kém phần rộn rã, người ta bắt gặp những mong ước nhỏ bé, đó là xóa tan những khoảng cách thị thành và nông thôn, miền núi, để lưu giữ văn hóa dân tộc thông qua cách nhìn nhận đầy chân thành, trong sáng của trẻ thơ. Và dường như, cũng chính những hoạt động cùng nhiệt tình và sự tự nguyện của người lớn, của các văn nghệ sĩ dân tộc đã thức tỉnh tâm hồn của cả những người lớn đang mải miết chạy theo chuyển động của cuộc mưu sinh mà nhiều khi lãng quên những mong muốn của con trẻ và cội rễ, văn hóa dân tộc.