Hà Nội tạo chuyển biến trong việc cưới, việc tang

15:59, 14/06/2015

Không đơn thuần là công việc trong phạm vi gia đình, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là một trong những mối quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở Thủ đô, nhằm xây dựng nếp sống văn hóa, con người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời đại mới.

Sau một thời gian vào cuộc tích cực, tại Hà Nội, việc cưới được tổ chức theo chiều hướng tiết kiệm, việc tang đang loại bỏ dần các hủ tục. Gốc rễ của vấn đề chính là sự vào cuộc quyết tâm, bền bỉ của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị từ thành phố tới xã, phường, khu dân cư.

 

* Việc cưới trang trọng, tiết kiệm


Trước đây, với quan niệm: Trong đời chỉ cưới một lần, do vậy đám cưới thường được tổ chức linh đình, tốn kém. Đặc biệt, nhiều gia đình còn coi việc cưới là cơ hội thể hiện mức độ “chịu chơi, chịu chi” và “đẳng cấp”, nên đã tổ chức phô trương, xa hoa, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tại nhiều địa bàn nông thôn, việc cưới còn chịu cảnh “đất lề quê thói” hay “trả nợ miệng”, dẫn đến khủng hoảng kinh tế gia đình sau khi tổ chức đám cưới. Nguyên nhân cốt yếu là do phong tục, tập quán lạc hậu và tác động mặt trái của kinh tế thị trường ảnh hưởng đến tâm lý người dân.


Chỉ thị 11/CT-Th.U của Thành ủy Hà Nội về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố, đã từng bước tạo chuyển biến tích cực trong tổ chức cưới theo nếp sống văn minh, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên trên địa bàn thành phố. Các địa phương đã tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân Thủ đô tổ chức đám cưới theo tinh thần trang trọng - lành mạnh - tiết kiệm. Nhiều mô hình cưới theo nếp sống văn minh được tổ chức, đám cưới không thuốc lá, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ, đám cưới chỉ diễn ra một ngày, không mời tràn lan, không làm quá 40 mâm cỗ… đang được nhiều gia đình thực hiện nghiêm túc, sáng tạo và dần duy trì thành nền nếp.


Với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, quận Hà Đông là điển hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận cho biết: “Xác định việc cưới là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, quận Hà Đông quán triệt trong các cấp ủy Đảng, bắt đầu triển khai từ đảng viên để tạo chuyển biến trong cả hệ thống chính trị”.


Tại Hà Đông, hầu hết các chi bộ Đảng đều ban hành một nghị quyết chuyên đề về công tác này, yêu cầu 100% đảng viên cam kết thực hiện, tổ chức đám cưới phải tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Sau khi đảng viên cam kết, các cấp ủy Đảng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý. Tạo được chuyển biến trong gia đình đảng viên, các chi bộ tiếp tục phân công chính những đảng viên đã chấp hành tốt phối hợp với trưởng ban công tác mặt trận, tổ dân phố, chi hội trưởng hội phụ nữ xuống từng hộ dân vận động, yêu cầu cam kết. Vì vậy, trong các đám cưới, số mâm cỗ đã giảm từ 80 - 100 mâm xuống còn dưới 40 mâm, không còn tình trạng chơi cờ bạc…


* Không còn hủ tục ở các đám tang


Với sự tích cực tuyên truyền, vận động, việc tổ chức tang lễ tại các quận, huyện, thị xã đang được thực hiện theo xu hướng trang nghiêm, tiết kiệm, đậm nghĩa tình, đặc biệt đang loại bỏ dần các hủ tục. Ở các thôn, làng, đã thành lập ban tổ chức tang lễ, thống nhất quy trình, nghi thức phù hợp với điều kiện của địa phương, ít tốn kém, thể hiện mối quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng khi khó khăn, hoạn nạn. Tình trạng tổ chức tang lễ rườm rà, kéo dài nhiều ngày, ăn uống tràn lan, nhất là tại khu vực ngoại thành được khắc phục đáng kể. Các hủ tục trong tang lễ như ăn đường, khóc mướn, chơi cờ bạc… hầu như không còn. Tuy nhiên, hiện tượng sử dụng nhiều vòng hoa viếng gây lãng phí, mở nhạc buồn lớn, làm cản trở giao thông vẫn còn ở một số đám tang, nhất là khu vực nội thành, thị trấn.


Cũng để việc tang ngày càng văn minh, nhiều địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân thực hiện hình thức hỏa táng, không làm cỗ bàn mời ăn trong ngày tang, cúng tuần 49 ngày và cải táng, xóa bỏ hủ tục, quy hoạch nghĩa trang, khuyến khích hỏa táng. Tại các quận trung tâm Hà Nội, tỷ lệ người quá cố được hỏa táng chiếm tỷ lệ cao, như quận Đống Đa chiếm tới gần 80%, quận Hoàn Kiếm chiếm 79%, quận Long Biên 78%...


Theo ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Đống Đa, sở dĩ tỷ lệ người quá cố được hỏa táng trên địa bàn quận chiếm tỷ trọng cao do cuộc sống ngày càng thay đổi, người dân ý thức được sự cần thiết trong thực hiện nếp sống văn minh. Nhưng quan trọng, sự thay đổi nhận thức đó có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trên địa bàn quận Đống Đa trong việc tuyên truyền vận động người dân thực hiện. Ngoài những buổi lồng ghép tuyên truyền, quận còn in ấn tài liệu Quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội phát cho các tổ dân phố. Bên cạnh đó, định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hệ thống phát thanh của quận đều tuyên truyền về thực hiện việc cưới, việc tang. Các đoàn thể trong quận trở thành nòng cốt trong cuộc vận động, tuyên truyền, nhằm duy trì nếp sống một cách lâu bền.


Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng không phải việc cưới, việc tang trên địa bàn Hà Nội không còn những bất cập. Dù sao, việc chuyển biến nhận thức trong nhân dân không thể thực hiện trong một thời gian ngắn mà phải lâu dài với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể. Hà Nội đang dành nhiều ưu tiên trong xây dựng văn hóa người Hà Nội và nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực./.