Sau hơn 40 năm, những bức ảnh đã AP được tập hợp lại và trưng bày trong triển lãm ảnh đặc biệt về chiến tranh Việt Nam với tên gọi Vietnam- The Real War: A photographic history by The Associated Press, khai mạc sáng 12-6 tại 45 Tràng Tiền.
Trong lời phát biểu khai mạc, ông Gary Pruitt, Chủ tịch kiểm Tổng Giám đốc Hãng thông tấn AP nói: “Bộ sưu tập ảnh của chúng tôi về cuộc chiến là kho tư liệu ảnh đầy đủ nhất về cuộc chiến tranh. Những bức ảnh này và việc đưa tin của chúng tôi có ảnh hưởng to lớn đến cuộc chiến, đem đến cho người dân Mỹ và người dân các nước khác trên thế giới một bức tranh toàn diện về những gì đang diễn ra ở Việt Nam”.
Những bức ảnh trong triển lãm được tập hợp lại từ đội ngũ phóng viên chiến trường của AP, mạnh nhất việc đưa tin về cuộc chiến ở Việt Nam thời bấy giờ, bởi các phóng viên của AP giàu kinh nghiệm, sống và làm việc ở Việt Nam lâu hơn so với các cơ quan báo chí phương Tây khác. Các phóng viên viết và ảnh của AP đoạt sáu giải Pulitzer, con số chưa từng có, trong đó bốn giải thuộc về các phóng viên ảnh. Những bức ảnh đó đều được trưng bày trong triển lãm.
Ông Gary Pruitt cũng cho biết, một cuốn sách ảnh mang tên “Việt Nam: Cuộc chiến tranh qua ảnh của Hãng Thông tấn AP” đã lần đầu tiên được xuất bản hai năm trước, từ những bức ảnh trong kho tư liệu của Hãng. Cuốn sách kể lại những câu chuyện của cuộc chiến bằng hình ảnh.
Bức ảnh sớm nhất trong triển lãm được chụp từ năm 1937, chụp cảnh lính Việt Nam trong quân đội Pháp được huấn luyện trên một cánh đồng lúa. Những bức ảnh chụp Hà Nội năm 1954 chụp tù binh Pháp được chở về Hà Nội sau Hiệp định Geneve, cảnh người dân Hà Nội giăng biểu ngữ ngoài đường…
Mọi mặt của cuộc chiến đều được phản ánh trung thực, khách quan và vô cùng sinh động trong từng tấm ảnh, trải dài trong hai thập niên 60 và 70. Những cuộc biểu tình ở California, chân dung Tổng thống Mỹ Johnson trước cuộc họp công bố quyết định giảm ném bom miền Bắc Việt Nam, lính Mỹ hộ tống, yểm trợ cho nhau khi rút quân hoặc đưa xác đồng đội khỏi vùng chiến sự. Một người cha ôm xác đứa con bé bỏng đứng thẫn thờ nhìn theo chiếc xe chở lính. Một người lính Mỹ đi tìm nơi trú ẩn của Quân giải phóng, trên tay còn ôm theo chú cún con. Một bà cụ mang theo hai đứa trẻ vội vã tìm nơi tránh bom đạn. Chân dung một lính Mỹ với dòng chữ “War is hell” (Chiến tranh là địa ngục) viết trên vành mũ sắt. Một phóng viên ảnh đang giúp người lính bị thương lên máy bay cứu hộ ở Mimot, Cam-pu-chia… Xác một lính dù Mỹ được kéo lên trực thăng ở chiến khu C. Thủy quân lục chiến Mỹ chạy tán loạn khỏi một máy bay trực thăng bị bắn cháy. Lính Mỹ vượt sông trong mưa để truy tìm Quân giải phóng. Những địa danh khốc liệt nhất của cuộc chiến: Huế, Lâm Đồng, Cheo Reo, Phước Vĩnh, Bến Cát, Tân Định, Sài Gòn… Những xác người: người lớn, trẻ em, dân chúng, lính Mỹ, lính Việt… ở khắp nơi trong những bức ảnh. Chiến tranh hiện lên với gần như đầy đủ hình hài, man rợ và khốc liệt…
Đặc biệt, trong triển lãm có trưng bày cả bốn bức ảnh từng được giải Pulitzer: Napalm girl của Nick Út năm 1972, Saigon Executtion của Eddie Adams chụp tướng cảnh sát VNCH Nguyễn Ngọc Loan bắn chết một tù binh ngay trên đường phố Sài Gòn năm 1968, Buddhist protest chụp nhà sư Thích Quảng Đức tự thiêu năm 1963 của Malcom Browne, Burst of Joy của Sal Veder chụp trung tá Robert J. Stirm trở về trong niềm vui vỡ òa của gia đình tại căn cứ quân sự Travis năm 1973.
Có mặt tại triển lãm, phóng viên chiến trường kỳ cựu người Canada gốc Việt Nick Út đã chia sẻ với các phóng viên những cảm xúc, kỷ niệm của thời ôm máy ảnh xông pha dưới làn đạn. Ông nói: “Khi đó tôi chưa có gia đình, nên dấn thân lắm. Cảm xúc khi có ảnh đăng trên trang nhất các báo đã khiến tôi không biết sợ hiểm nguy”.
Những hình ảnh trong triển lãm đã mang tới cho người xem ấn tượng mạnh mẽ. Đặc biệt, ngay trong buổi sáng khai mạc, mặc dù trời mưa nặng hạt, nhưng rất nhiều người dân đã vào xem ảnh, trong đó có không ít người trẻ.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói: “Thật là tuyệt vời, những bức ảnh vô cùng quý giá. Họ đã ghi lại được một cách vô cùng chân thực và sinh động những khoảnh khắc khốc liệt và tàn bạo nhất của chiến tranh. Đây là cơ hội hiếm có được ngắm nhìn những bức ảnh như thế này”.
Một nhóm học sinh THPT được thầy giáo dẫn đi xem triển lãm đã bày tỏ sự xúc động khi được tận mắt nhìn thấy cuộc chiến khốc liệt qua ảnh. Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh trường THPT Yên Hòa nói: “Em không thể tưởng tượng được rằng ngày trước cha ông chúng ta đã phải trải qua một cuộc chiến kinh khủng như vậy”.
Những bức ảnh này, sau khi kết thúc “sứ mệnh” tại cuộc trưng bày kéo dài hai tuần, sẽ được AP trao tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân đội, với một bức ảnh tượng trưng đã được trao tận tay sáng nay cho Phó Giám đốc Bảo tàng, Đại tá Hà Minh Phương.