Sau hàng chục năm “mỏi mòn” chờ đợi, cuối cùng thì quyết định tăng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cũng đã được Chính phủ ký và ban hành. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy, vẫn còn không ít nỗi lo.
Nỗi buồn phụ cấp nghề biểu diễn
Mất cả buổi tập luyện nặng nhọc, không ít lần ngã lên ngã xuống, bầm dập tay chân, một nghệ sỹ xiếc được trả từ 10.000 - 15.000 đồng phụ cấp. Khi biểu diễn, sau hàng tiếng đồng hồ cật lực, diễn viên được trả mức cao nhất là 80.000 đồng. Tương tự, các diễn viên nghệ thuật chèo, tuồng, kịch… sau 2 tiếng biểu diễn cật lực, hát đến hàng chục bài, mồ hôi vã ra như tắm… cũng được lĩnh 80.000 đồng/buổi, đủ trả cho… 2 bát phở. Đó là nếu được biểu diễn tại rạp. Còn nếu đi biểu diễn ở các địa phương, kể cả thời gian đi, về, gần thì mất 1 - 2 tiếng, xa thì nhiều hơn, nhất là vào những ngày nắng nóng như thế này, thì số tiền đó có khi chỉ đủ để uống… nước. Điều này cho thấy, mức phụ cấp nghề biểu diễn này đã quá lạc hậu so với nhu cầu cuộc sống hiện nay, khi mà giá cả các mặt đều tăng đến chóng mặt.
Bất cập về phụ cấp ưu đãi nghề và chế độ bồi dưỡng này đã diễn ra từ lâu, các nghệ sỹ đã “kêu” cách đây cả chục năm. Cho đến ngày 20/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định 14/2015/QĐ-TTg “Về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”. Theo Quyết định, chế độ bồi dưỡng luyện tập tính theo số buổi thực tế luyện tập, gồm 4 mức: 35.000 đồng/buổi tập; 50.000 đồng/buổi tập; 60.000 đồng/buổi tập; 80.000 đồng/buổi tập. Chế độ bồi dưỡng biểu diễn tính theo số buổi biểu diễn và phục vụ biểu diễn thực tế, gồm 4 mức: 80.000 đồng/buổi diễn; 120.000 đồng/buổi diễn; 160.000 đồng/buổi diễn; 200.000 đồng/buổi diễn.
Trong đó, mức 200.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính, nhạc công chính, người chỉ đạo nghệ thuật chương trình nghệ thuật ca múa nhạc, người chỉ đạo nghệ thuật vở diễn sân khấu; mức 160.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên chính thứ, nhạc công chính thứ, kỹ thuật viên chính âm thanh, kỹ thuật viên chính ánh sáng; mức 120.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với diễn viên phụ, nhạc công, kỹ thuật viên âm thanh, kỹ thuật viên ánh sáng; trưởng, phó các đơn vị nghệ thuật và trưởng, phó các đoàn biểu diễn trực thuộc; mức 80.000 đồng/buổi diễn, áp dụng đối với nhân viên hậu đài, nhân viên hóa trang, nhân viên phục trang, nhân viên đạo cụ và nhân viên phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng…
Chưa hết nỗi lo
Hầu hết các nghệ sỹ khi được hỏi đều bày tỏ sự vui mừng, khi biết phụ cấp ưu đãi và chế độ bồi dưỡng cho nghệ sỹ đã được tăng lên. Điều này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đồng thời cũng thể hiện sự cố gắng và những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, cũng như các đơn vị liên quan… Tuy nhiên, theo chia sẻ của các nghệ sỹ, mức phụ cấp mới này so với mức thu nhập của các nghệ sĩ và giá cả trên thị trường hiện nay, thì vẫn có một khoảng cách quá xa.
Theo NSƯT Anh Tú, Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, mức tăng này vẫn quá chậm chạp và lỗi thời, bởi nó chưa bắt kịp được so với thực tế đời sống trong thời điểm hiện nay, khi mà giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống như xăng, dầu, gas, điện đều tăng mạnh.
Đồng quan điểm trên, NSƯT Trí Dũng, Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cho rằng, sự thay đổi này là tích cực và rất đáng trân trọng, nhưng so với mặt bằng cuộc sống hiện nay, mức phụ cấp này “vẫn còn xa lắm mới có thể chạm được gần đến nhu cầu tối thiểu hiện nay”.
Bên cạnh niềm vui của các nghệ sỹ, lãnh đạo một số đơn vị nghệ thuật cũng không khỏi băn khoăn, đó là tuy mức chi phí cho chế độ luyện tập, bồi dưỡng cho nghệ sỹ tăng, nhưng ngân sách không tăng, thậm chí còn giảm (đối với một số đơn vị đang trong giai đoạn tự chủ về ngân sách), thì việc lo kinh phí để chi trả là khó khăn không nhỏ đối với nhiều đơn vị, đặc biệt đối với những đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang có ít khán giả như tuồng, cải lương…