Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản tại các địa phương

08:22, 22/06/2015

Khi xảy ra một vụ việc sai phạm liên quan đến sách và hoạt động xuất bản, người ta thường nghĩ ngay đến trách nhiệm của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT). Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý không chỉ thuộc về đơn vị này bởi còn có quy định chi tiết về công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương.

Trong năm 2014, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu (ĐLNPCIL) cấp trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 91 cơ sở in, 30 cơ sở phát hành, 12 nhà xuất bản; một vụ chuyển Cơ quan An ninh điều tra khởi tố xử lý hình sự; xử phạt vi phạm hành chính 33 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền gần 300 triệu đồng; chuyển Sở TT&TT xử phạt theo thẩm quyền với số tiền 290 triệu đồng.

 

Về phía địa phương, năm 2014, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã ban hành 30 quyết định thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính đối với 24 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền là 297 triệu đồng, tịch thu 22 xuất bản phẩm. Tại TP Hồ Chí Minh, trong sáu tháng đầu năm 2015, Thanh tra Sở TT&TT đã xử phạt ba cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt là 120 triệu đồng; tham mưu Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định tịch thu 108.808 xuất bản phẩm in không có quyết định xuất bản (tổng giá trị theo giá bìa xuất bản phẩm là 1,778 tỷ đồng).

 

Những con số nêu trên chứng tỏ những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành là khá nghiêm trọng và những hoạt động vi phạm ngày càng tinh vi hơn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với những người làm công tác quản lý là phải làm sao để công tác thanh tra, kiểm tra đạt được hiệu quả.

 

Theo Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Lê Thái Hỷ, quá trình thực thi công tác thanh tra, kiểm tra xuất bản phẩm còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập. Sở TT&TT ghi nhận một số trường hợp nhà xuất bản (NXB) giúp cho các đối tượng hợp thức hóa hồ sơ thủ tục xuất bản, gây khó khăn cho việc đánh giá hồ sơ, xác minh và xử lý. Bên cạnh đó, giám đốc NXB cho phép cấp phó giám đốc hoặc giám đốc chi nhánh NXB ký, cấp quyết định xuất bản, dẫn đến việc kiểm tra, xác minh hồ sơ gốc rất khó khăn khi tiến hành kiểm chứng đầu sách và số lượng cấp phép so với số đăng ký xuất bản theo kế hoạch. Hiện nay, trên cả nước có 64 NXB. Hằng năm các đơn vị này cho xuất bản khoảng 300 triệu bản sách. Như vậy trung bình mỗi đơn vị quản lý xuất bản của tỉnh phải quản lý xấp xỉ gần năm triệu bản sách/năm. Đấy là chưa kể sách in lậu, sách in nối bản khác. Mặt khác, nhân sự cho công tác thanh tra, kiểm tra của mỗi địa phương hiện nay ước tính trung bình chưa đến một thanh tra cho lĩnh vực xuất bản trên một tỉnh/thành phố... Thậm chí, cơ quan quản lý xuất bản cấp trung ương như Cục Xuất bản, In và Phát hành thì số lượng nhân sự cho công tác thanh tra cũng chỉ dừng lại ở con số một, hai người. Đó là một trong những khó khăn còn tồn tại trong công tác thanh tra của lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.

 

Phó chánh Thanh tra Bộ TT&TT Đỗ Thị Tình cho biết: "Để làm rõ một cuốn sách vi phạm các quy định của pháp luật về xuất bản thường phải xác minh, thu thập tài liệu tại cơ quan quản lý nhà nước, NXB, cơ sở in và cơ sở phát hành. Các cơ quan, tổ chức này thường nằm trên nhiều địa bàn khác nhau. Hơn nữa, để đánh giá một cuốn sách có nội dung vi phạm, đòi hỏi cán bộ làm công tác thanh tra phải có trình độ kiến thức về lĩnh vực cuốn sách đề cập, nhiều vụ việc phải có trưng cầu giám định của các chuyên gia...".

 

Để công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xuất bản, in và phát hành đạt hiệu quả, không thể không kể đến vai trò của ĐLNPCIL. Kể từ khi ra đời (5-11-2009) đến nay, ĐLNPCIL đã được thành lập tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước; đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực này. Mặc dù ở một số sở TT&TT không thành lập đội liên ngành nhưng cũng đã tham mưu trình UBND cấp tỉnh bổ sung chức năng thanh tra, kiểm tra hoạt động in cho Đội kiểm tra Văn hóa Thông tin liên ngành 814. Tuy nhiên, đã hơn sáu năm, số đội liên ngành chống in lậu ở các địa phương vẫn chưa tăng lên, trong khi con số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực in không ngừng gia tăng. Liệu điều đó có bảo đảm được hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động này ở các địa phương?

 

Vấn đề đặt ra hiện nay cho công tác quản lý hoạt động xuất bản, in và phát hành là bổ sung ngay các đội liên ngành cùng với việc nâng cao chế tài xử phạt, để bảo đảm tính răn đe và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định chế tài xử phạt; phối hợp chặt chẽ hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giữa trung ương và địa phương, giữa các đơn vị với nhau; tăng cường bộ máy nhân lực và kinh phí cho hoạt động này.