Loại bỏ các hủ tục trong lễ hội truyền thống

07:53, 14/07/2015

Nhiều lễ hội ở nước ta có từ lâu đời và là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh của nhân dân ta. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của nó, cần loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu không còn phù hợp.  

Ngay từ đầu mùa lễ hội năm nay, ở nhiều hội làng của các địa phương tiếp tục duy trì hoặc phục dựng những nghi thức hiến sinh đã và đang tạo ra những ý kiến trái chiều gay gắt trong dư luận xã hội như: nghi thức chém lợn tại lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh), nghi thức đập đầu trâu tại lễ hội Cầu trâu (Phú Thọ). Hai nghi thức này bị dư luận phê phán là đối xử bạo lực, dã man đối với động vật, không phù hợp với xã hội văn minh, hiện đại.

 

Tổ chức Động vật châu Á cũng kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn làng Ném Thượng. Mặc dù trong tục hiến sinh có những yếu tố văn hóa và tâm linh được cộng đồng làng, xã tiến hành từ nhiều năm nay, song tục lệ này nên có sự biến đổi để phù hợp với hoàn cảnh xã hội nhất định. Cái gì tốt thì giữ lại phát huy, cái gì không còn phù hợp hoặc cản trở sự phát triển của xã hội thì phải có điều chỉnh theo hướng vừa bảo đảm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, vừa phù hợp với hoàn cảnh xã hội trong thời đại ngày nay.

 

TS Trần Thị Tuyết Mai (Cục Văn hóa cơ sở) cho rằng: Loại bỏ một lễ hội truyền thống do cộng đồng tổ chức từ lâu đời ra khỏi đời sống cộng đồng không khó, nhưng cũng không đơn giản vì liên quan đến tâm linh, cần tuyên truyền, vận động để có hình thức tổ chức lễ hội hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, trên cơ sở tôn trọng quyết định của cộng đồng.

 

Theo PGS, TS Lương Hồng Quang, nhiều nước trên thế giới cũng có tục hiến sinh, nhưng hiện tại họ cũng thực hiện nhiều thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội đương thời. Trong khi đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đề xuất dự kiến sẽ lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên lễ hội chém lợn thành lễ hội rước lợn, không thực hiện nghi lễ chém lợn, đồng thời kiên quyết không để tình trạng người dân duy trì hủ tục nhúng tiền vào máu lợn. Tuy một bộ phân người dân địa phương vẫn muốn giữ tục lệ cũ với lý do việc chém lợn chỉ diễn ra trong phạm vi làng, không ảnh hưởng rộng rãi, song trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, giao lưu văn hóa du lịch mở rộng thì mọi thông tin ở khắp nơi sẽ nhanh chóng lan truyền, hình ảnh chém lợn, đập đầu trâu sẽ lan tỏa rộng rãi và gây nên những dư luận không tốt, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh địa phương.

 

Để góp phần giải quyết thấu đáo vấn đề nêu trên, thiết nghĩ cần có góc nhìn toàn diện về lễ hội truyền thống, tránh lúng túng trong việc ứng xử với lễ hội truyền thống. Hiện nay, một quan niệm khá phổ biến là đưa nguyên xi lễ hội truyền thống vào cuộc sống hôm nay, người xưa làm thế nào thì bây giờ làm thế. Điều này không hoàn toàn đúng bởi việc tiếp thu truyền thống không có nghĩa là phục cổ mà phải theo nguyên tắc kế thừa và phát triển, chỉ tiếp thu và kế thừa những tinh hoa văn hóa của lễ hội cổ truyền và kiên quyết loại trừ những yếu tố tiêu cực và lạc hậu. Bám sát mục tiêu của văn hóa là hướng tới chân - thiện - mỹ, đưa tiến bộ văn minh đến con người, chúng ta sẽ có cách hành sử đúng với lễ hội truyền thống.

 

Một vấn đề khác cũng đang gây tranh cãi là một số người cho rằng, công tác tổ chức và quản lý lễ hội đang rơi vào tình trạng áp đặt, hành chính hóa, nên trả lại lễ hội cho cộng đồng vì cộng đồng là chủ thể của lễ hội. Nhưng thực tế ngày càng chứng minh không thể phủ nhận vai trò nhà nước trong việc tổ chức và quản lý lễ hội. Chỉ cần buông lỏng quản lý Nhà nước là lễ hội rơi vào tình trạng phát triển tự phát và ngay lập tức các yếu tố tiêu cực, lạc hậu trỗi dậy, lấn át, thậm chí che lấp giá trị văn hóa của lễ hội và xu hướng thương mại hóa, buôn thần, bán thánh, mê tín dị đoan được dịp hoành hành, khiến cho lễ hội ở nhiều nơi trở nên xô bồ, nhếch nhác, mất hết vẻ đẹp vốn có của nó. Quan điểm nêu trên cũng tác động tiêu cực đến tâm lý của những người làm công tác quản lý lễ hội, ngần ngại trong xử lý các vụ việc, cái gì không làm được lại đổ lỗi cho cộng đồng, chủ thể của lễ hội. Tôn trọng chủ thể của lễ hội, song phải không ngừng nâng cao chất lượng quản lý, làm rõ công tác tổ chức và quản lý Nhà nước có vai trò quyết định trong việc định hướng lễ hội phát triển lành mạnh.

 

Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý lễ hội sáu tháng đầu năm 2015, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khẳng định sẽ nghiên cứu, vận động nhân dân loại bỏ các nghi lễ, hủ tục hiến sinh đập đầu trâu, chém lợn, cướp phết, cướp lộc... ở một số lễ hội địa phương, gây phản cảm, không phù hợp với xã hội văn minh, không thể vì lợi ích của một cộng đồng nhỏ mà làm ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng lớn. Tất nhiên, việc chuyển đổi hình thức của các nghi lễ không phù hợp như thế nào sẽ được lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa và cộng đồng để đạt tới sự đồng thuận.