Kiến nghị công nhận lễ Vu Lan là Quốc lễ văn hóa

09:28, 30/08/2015

Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo thuộc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã chính thức kiến nghị Nhà nước công nhận Lễ Vu Lan- Báo hiếu rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm là Quốc lễ văn hóa Việt Nam.

Theo ông Trần Khánh Dư, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo cho biết, cơ sở của kiến nghị được dựa trên sự tương đồng về giá trị đạo đức mang đậm tính nhân văn cao cả của Lễ Vu Lan với Lễ xá tội vong nhân của người Việt, cùng hướng đến chữ Hiếu và cùng diễn ra vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm.

 

Ông Dư khẳng định: kiến nghị đã nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia văn hóa- xã hội học, giáo sư- tiến sĩ chuyên ngành Khoa học xã hội và nhân văn, chuyên viên và cán bộ quản lý tôn giáo, quản lý văn hóa, nhà hoạt động xã hội... thông qua các cuộc hội thảo và thăm dò ý kiến do Trung tâm bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo tổ chức trong hơn hai năm qua.

 

Theo PGS.TS Hoàng Thị Thơ, Viện Triết học thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã có sự thành công trong việc tích hợp- tiếp biến (tiếp thu và cải biến cho thích hợp) lễ Vu lan của Phật giáo vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt bản địa khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam cách đây hơn 2000 năm.

 

Cái tên lễ Vu Lan là phiên âm từ từ Hán Việt của lễ Ullambana theo tiếng Sanscrit trong kinh Phật ở Ấn Độ, có nghĩa là lễ Cứu mẹ thoát khỏi tội ở địa ngục theo phép mầu của Đức Phật mà người đệ tử đương thời của Đức Phật là ông Mục Kiền Liên đã áp dụng thành công để cứu mẹ mình.

 

Như vậy, đối chiếu lễ Vu Lan cứu mẹ thoát khỏi tội với lễ xá tội vong nhân của người Việt làm cỗ bàn đón mừng tổ tiên trong ngày rằm tháng 7 âm lịch với niềm tin rằng, ngày ấy là ngày mở cửa ngục ở âm phủ để tổ tiên được về với con cháu, là có chung mục đích tỏ lòng biết ơn của con cháu với các bậc sinh thành tiền bối theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

 

Với tính nhân văn cao cả về đức hiếu thảo, sống ân nghĩa với cha mẹ, ông bà, lễ Vu Lan - Báo hiếu đã trở thành một nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam.

 

“Lễ Vu Lan- Báo hiếu không chỉ có giá trị là nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt, mà còn góp phần vào việc cùng pháp luật điều chỉnh và ngăn chặn đạo đức xã hội đang xuống cấp khi xảy nhiều vụ việc con cháu đối xử tệ bạc với ông bà, cha mẹ vì những tranh chấp nhà cửa, tiền bạc, của cải thừa kế chung hưởng... đang diễn ra hiện nay”, ông Trần Khánh Dư khẳng định.