Mang điện ảnh về vùng sâu

10:38, 20/08/2015

Thời đại của công nghệ thông tin, chỉ cần ngồi trong nhà, bạn cũng có thể hưởng thụ nhiều loại hình giải trí nghệ thuật như phim, ảnh, đọc sách, báo, tạp chí, xem bóng đá và tiếp cận với nhiều thông tin nóng hổi khác thông qua màn hình ti vi, mạng internet. Tuy nhiên, việc đi xem phim, ảnh nơi công cộng vẫn được coi là cái thú của nhiều người, nhất là ở các vùng, miền xa xôi hẻo lánh.  

Đáp ứng một phần về nhu cầu hưởng thụ văn hóa đời sống tinh thần của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng 135, từ lâu, đội ngũ những người làm công tác chiếu phim lưu động (Trung tâm Điện ảnh Thái Nguyên), không quản gian khổ, vất vả vận chuyển máy móc, thiết bị kỹ thuật, mang điện ảnh về phục vụ đồng bào. Ông Phạm Chiến Huân, Giám đốc Trung tâm Điện ảnh Thái Nguyên cho biết: Trung tâm có 5 đội chiếu phim lưu động thường xuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Trung bình hằng năm, Trung tâm phục vụ hơn 1.200 buổi chiếu phim tại các xóm, bản vùng cao, miền núi, vùng 135. Hầu hết các buổi chiếu đã thu hút được đông đảo người dân trong vùng đến xem phim.

 

Nhằm nâng cao chất lượng chiếu phim phục vụ đồng bào, trong những năm gần đây, Trung tâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư, trang bị mới những thiết bị máy chiếu kỹ thuật số, trong đó 1 giàn máy chiếu cho Đội Rạp chiếu bóng nhân dân Thái Nguyên vào tháng 12-2014; 2 giàn máy cho Đội chiếu bóng lưu động số 1, số 2 vào tháng 4-2015. Để sử dụng tốt hệ thống máy chiếu mới, thành viên các đội chiếu bóng được Trung tâm cử về Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tập huấn về kỹ thuật sử dụng các thiết bị máy chiếu kỹ thuật số. Nhờ vậy, hầu hết thành viên các đội chiếu bóng của Trung tâm Điện ảnh Thái Nguyên đều thành thạo thao tác sử dụng máy khi thực hiện nhiệm vụ chiếu phim.

 

Ông Phạm Trung Nghĩa, Đội trưởng Đội chiếu bóng số 1 cho biết: Nhờ được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số, “dân chiếu bóng” chúng tôi không phải mang vác nặng nhọc như trước đây, bởi các thiết bị máy gọn, nhẹ, dễ cơ động. Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trước đây, các đội chiếu bóng sử dụng máy chiếu phim nhựa 105, chiếu phim 35li, hầu hết các thiết bị máy chiếu phim nhựa được Nhà nước trang bị đã lạc hậu, cũ nát, rất cồng kềnh, trong khi đó buổi chiếu cần liền lúc có 2 máy thay nhau, nếu tính trọng lượng thì 2 máy chiếu phim nặng khoảng 100kg. Để phục vụ cho 1 bộ phim còn cần từ 6 đến 9 cuốn phim, mỗi cuốn, kể cả phim và vỏ đựng nặng khoảng 6kg. Như vậy, mỗi bộ phim có tổng trọng lượng từ 36kg đến 54kg được người chiếu phim cõng lên núi phục vụ đồng bào. Chưa kể máy nổ và các thiết bị kỹ thuật phục vụ cho buổi chiếu.

 

Theo chân anh chị em Đội chiếu bóng số 2 về xã Ký Phú (Đại Từ), được chứng kiến công việc của những người chiếu bóng lưu động hôm nay có vẻ nhàn nhã hơn rất nhiều so với ít năm trước đây. Hôm ấy, lúc 17 giờ, ngày 11-8, sân nhà văn hóa xóm Gió đã có rất nhiều trẻ em đứng vây quanh các bác chiếu phim. Chúng háo hức như xóm có ngày hội lớn. Ông Lê Văn Bằng, Trưởng xóm Gió cầm micro đọc một số thông báo của xóm, và mời bà con “tối nay”, đến sân nhà văn hóa xem phim. Trong lúc bà Nguyễn Thị Bích Hạnh cùng các thành viên của Đội và một số bà con hò nhau dựng phông chiếu, kê bàn ghế, dọn dẹp vệ sinh khu vực sân nhà văn hóa và lắp đặt máy chiếu, ông Nguyễn Đức Trung, Đội trưởng Đội chiếu bóng số 2 cho chúng tôi biết: Tại xã Ký Phú, Đội đã chiếu phim ở các xóm Đặn 1, Đặn 2, Đặn 3 và các xóm: Cả, Dứa, Suối, Cạn, Soi, Duyên, tại xóm Gió là buối chiếu phục vụ cho xóm cuối cùng của xã, ngày mai chúng tôi lại lên đường sang xóm, xã khác thuộc huyện Võ Nhai, tiếp nữa là các xóm, xã thuộc các huyện Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình...

 

Chuyện chiếu phim, anh Nguyễn Quốc Chức, Đội trưởng Đội Rạp cho biết thêm: Để công bằng, đồng thời tạo thuận lợi cho nhân viên chiếu bóng chúng tôi hoàn thành việc nước, bảo đảm việc nhà, Trung tâm Điện ảnh Thái Nguyên chia đều địa bàn cho từng đội, bảo đảm từng đội đều có địa bàn vùng khó và vùng có giao thông thuận lợi để phục vụ. Hằng ngày, nhiều người dân đang đợi chúng tôi mang phim về. Có đêm chiếu phục vụ được hàng trăm người xem, song cũng có đêm chiếu chỉ mươi người ngồi xem. Lượng khách nhiều, ít phụ thuộc vào địa bàn phục vụ. Là dân chiếu phim công chức, nên chúng tôi làm việc 5 ngày trong tuần, trong trường hợp trời mưa to, có lũ lớn, chúng tôi sẽ thực hiện chiếu bù vào hôm khác.

 

Trở lại khu vực sân nhà văn hóa của xóm Gió, cũng là lúc mặt trời vừa trốn xuống bên kia chân Tam Đảo, đã khá đông trẻ em mang chiếu, ghế nhựa ra nhận chỗ. Một cụ già bảo: Nhà tôi có ti vi, có đầu xem đĩa, các cháu còn lắp đặt mạng “in tơ nét”, phim truyện trong nước, nước ngoài, phim ca nhạc, phim hoạt hình... thích xem lúc nào cũng có, nhưng tôi và bà con đến đây là để gặp nhau, cùng được xem chung 1 bộ phim. Còn cụ Lê Văn Bính, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã phấn khởi, bảo: Mấy hôm nay, hôm nào tôi cũng thu xếp công việc nhà thật nhanh, để đến tối đi xem phim. Ngày trước, những bộ phim nhựa, như: “Cánh đồng hoang”; “Mùa gió chướng”; “Đến hẹn lại lên”; “Chung một dòng sông”; “Bài ca ra trận”... làm nhiều thế hệ mê hồn, bỏ cơm tối để đi xem. Rồi bây giờ, phim kỹ thuật số lưu ổ cứng, như: “Những người viết huyền thoại”; “Mùi cỏ cháy” và phim “Sinh mệnh”... được các bác chiếu bóng mang về địa phương phục vụ, nhân dân thích lắm.

 

Ông Huân cho chúng tôi biết thêm: Nhân buổi chiếu phim, chúng tôi muốn người xem được tiếp cận với nhiều thông tin, nên quy định cho các đội thực hiện trong từng buổi chiếu theo trình tự: Phim ca nhạc; phim tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt từ năm 2015, Trung tâm Điện ảnh tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chủ động khai thác những phim phóng sự tài liệu về xây dựng nông thôn mới; làm kinh tế VAC và phim phóng sự về chủ đề học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh rồi mới đến phim truyện. 100% phim truyện do Cục Điện ảnh cung cấp. Phim có nội dung phong phú, chủ đề gần gũi, sát thực, nên những buổi chiếu phim ở xóm, bản luôn thu hút được nhiều người xem.