Bộ phim Nhà tiên tri được chọn chiếu mở màn tuần phim kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Hà Nội. Nhà tiên tri kể về một giai đoạn lịch sử khó khăn nhất trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, từ năm 1947 - 1950, với nhân vật trung tâm là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau khi chiếm Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ, thực dân Pháp mở các cuộc càn quét lớn vào chiến khu Việt Bắc nhằm bắt sống và tiêu diệt cơ quan đầu não của nhà nước công - nông non trẻ. Ở vào hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" ấy, Bác Hồ vẫn tiên tri được thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng sức mạnh của toàn dân tộc. Trong bối cảnh đầy ắp các sự kiện như vậy, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã có công tìm ra cái tứ Nhà tiên tri để xây dựng hình tượng nhân vật Hồ Chí Minh, dẫn dắt quân đội và nhân dân ta vượt qua vòng vây của kẻ thù, đến ngày toàn thắng. Hoàng Nhuận Cầm kể lại, nhiều trường đoạn ông vừa viết vừa khóc; có những đêm thức khuya viết, mệt quá lả đi, nghỉ một lát lại vùng dậy viết tiếp. Tâm huyết ấy đã cho ra đời một kịch bản hay, làm nên sự khởi đầu và cũng là thành công đầu tiên của bộ phim.
Thành công thứ hai là sự lựa chọn diễn viên vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đạo diễn Vương Đức chia sẻ, tìm diễn viên có ngoại hình giống Bác Hồ là việc không dễ nhưng vẫn có thể làm được; nhưng tìm người thể hiện được thần thái một Nhà tiên tri bình dị mà vĩ đại là điều quá khó với ê-kíp làm phim. Ngay cả khi chọn NSND Bùi Bài Bình vào vai chính, đạo diễn Vương Đức vẫn lo ngay ngáy và không chỉ có ông, mà "cả ngành điện ảnh lo lắng". Thuộc thế hệ tài năng của lớp diễn viên điện ảnh khóa hai, Bùi Bài Bình đã gặt hái nhiều thành công ở những vai diễn cả chính diện lẫn phản diện. Nhưng khi được mời đóng vai nhân vật Hồ Chí Minh, với ông cũng là một thách thức chưa từng có. Ngoài việc ép cân, chỉnh hình cho gần giống với ngoại hình của Bác thời kỳ này, ông đã dành nhiều thời gian và công sức đọc tài liệu, tìm hiểu về Bác, để thể hiện được hình ảnh một lãnh tụ của giai cấp vô sản mang phong thái một nhà hiền triết phương đông, "tỏa ra một nền văn hóa tương lai" như nhận xét của nhà thơ Xô-viết Ô-xíp Man-đen-xtan. Không “mạnh” về ngoại hình, nhưng kết quả của sự đầu tư nghiêm túc ấy đã giúp Bùi Bài Bình vào vai khá nhuần nhuyễn, sáng tạo; có nhiều trường đoạn gây được sự xúc động mạnh cho người xem. Đặc biệt, ông khá thành công khi tập trung diễn xuất đôi mắt của Người; đôi mắt tinh anh, trí tuệ của một Nhà tiên tri, nhưng cũng rất nhân văn, bình dị, ấm áp và rất con người. Bên cạnh đó, có những diễn xuất được đánh giá là "xuất thần" của Bùi Bài Bình như cảnh Bác lên cơn sốt giữa rừng Việt Bắc trong sự săn đuổi của kẻ thù; khi trao quyết định phong Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; lúc chia tay cô Chín trước giờ phút tử biệt sinh ly... Chắc chắn đòi hỏi của người xem còn rất cao đối với những người được giao thể hiện nhân vật lãnh tụ, đã trở nên thân thuộc trong lòng công chúng, nhưng có thể nói, NSND Bùi Bài Bình là một trong những sự lựa chọn tốt nhất cho đến nay để vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thành công thứ ba ở khâu đạo diễn. Vương Đức được giới điện ảnh đánh giá là một đạo diễn kỹ tính, luôn trăn trở tìm tòi cái mới và rất mạnh với những bộ phim có bối cảnh rừng núi. Điều đó hẳn đúng ngay từ lúc mở đầu và trong suốt bộ phim Nhà tiên tri, giữa sự khốc liệt của đạn bom và chết chóc, núi rừng Việt Bắc vẫn hiện lên tuyệt đẹp như một bài thơ. Nội cảnh đã hay, ngoại cảnh lại càng đẹp. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn; trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người đã viết nhiều bài thơ hay như chúng ta đã từng biết. Hình ảnh của Người cũng xuất hiện trong nhiều câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ Việt Bắc. Phải chăng đây là những gợi ý để đạo diễn Vương Đức viết nên "bài thơ" của mình về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, về “chiến tranh và hòa bình” (như ông chia sẻ) bằng ngôn ngữ điện ảnh? Trên phim, chúng ta không nghe thấy một câu thơ nào, nhưng những câu thơ vẫn hiện lên trong cảnh Bác Hồ ngồi câu cá trên suối, Bác cưỡi ngựa trong sương sớm, cảnh những con chim bồ câu được Người cho ăn thóc (Con bồ câu trắng ngây thơ/Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn - thơ Tố Hữu), trong mưa rừng Việt Bắc...
Lâu nay, công chúng vẫn có đôi chút chút e ngại với các bộ phim Nhà nước đặt hàng vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn, bởi vì đã từng có những bộ phim làm ra chưa tới được tầm vóc của sự kiện cũng như chất lượng nghệ thuật. Nhà tiên tri là bộ phim bước đầu có những thành công nhất định, nhưng không phải là không còn những điều người xem mong muốn hoàn thiện hơn nữa. Trong phim, những cảnh giao tranh ác liệt giữa ta và địch đã được làm khá công phu, hoành tráng. Vì vậy, nên chăng cần tiết chế việc đưa vào khá nhiều hình ảnh kỹ thuật 3D khi dàn dựng, như cảnh quân Pháp hành quân bằng xe bọc thép, cảnh bắn hổ, máy bay rơi... còn khá "lộ" và vụng về, làm giảm đi tính “thực” của phim. Với những người đòi hỏi khắt khe về lịch sử và các nhân vật lịch sử được nhiều người biết tới, thì lời thoại trong phim cũng cần đầu tư kỹ lưỡng hơn. Hay một số nhân vật là nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng, khi tái hiện hình ảnh thời trẻ, cần có sự chú giải và dẫn dắt cần thiết để khán giả dễ theo dõi...