Cửa xưa mành trúc còn ngân

10:18, 06/09/2015

Phía sau mành trúc là những nghệ nhân lặng lẽ, cái lặng lẽ của người biết giấu mình để đem đến những xao động đẹp trong đời cho cõi nhân gian.

Trong kho tàng ký ức trẻ thơ của tôi, bao giờ cũng có hình ảnh những người con gái đẹp mặc áo dài ngồi đan áo bên cửa sổ phía trong bức mành tha thướt.

 

Chắn gió lạnh ngày đông

 

Không hiểu hình ảnh đó vì sao lại đến trong tôi và ở lại dầm dề lâu thế. Phải chăng vì ngày xửa ngày xưa có người con gái hàng xóm rất đẹp hay ngồi đan áo cho người yêu bên cửa hay vì những câu thơ, bài hát mà lúc còn tuổi thơ, những người lớn đang yêu thường ngâm nga, ca hát và tôi đã trộm nghe? Ví như những câu thơ rất đẹp của nhà thơ đồng quê Nguyễn Bính: “Cửa xưa mành trúc còn ngân/ Góc tường vẫn đọng trăng xuân thuở nào/ Làng xa, bản nhỏ, đèo cao/ Gió bay tà áo chiêm bao giữa chừng”. Hay một đoạn tango thiết tha trong bài hát “Bóng ai qua thềm” của nhạc sĩ cũng đồng quê chân tình - Văn Chung: “Bóng ai qua thềm, vừa nhìn thoáng lướt trên nền trời đêm. Ngừng đan em thấy gió lay mành trúc, bóng qua êm đềm. Mùa đông sắp đến gió lay mành trúc, bóng ai qua thềm”. Và cũng có thể là những câu thơ tình ứa lệ trong “Một mùa đông” của Lưu Trọng Lư dành cho nhà điêu khắc lừng danh Điềm Phùng Thị: “Em ngồi trong song cửa/ Anh đứng dựa tường hoa/ Nhìn nhau mà lệ ứa/ Một ngày một cách xa…”.

 

Có lẽ tất cả hình ảnh ấy, ngôn ngữ thơ ấy, giai điệu ấy, đã làm nên một ký ức đa mang như thế trong tôi.

 

Lớn lên chút nữa, tôi nhận ra gần như mình đang sống giữa một thế giới mành trúc. Có lẽ do quan niệm về phong thủy in đậm dấu ấn trong đời sống của người dân TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) nên những ngôi nhà xưa ở đây thường có treo mành trúc. Công năng của nó là để chắn gió, che nắng và cũng là vật dụng trang trí trong nhà. Huế là vùng đất kinh kỳ nên gần như nhà nào cũng có tấm mành để tăng vẻ kín đáo của con gái nhà khuê các. Huế cũng là vùng đất giàu tâm linh nên người ta sử dụng nhiều tấm mành để tăng vẻ uy nghi của bàn thờ, đền thờ, cung điện. So với tấm bình phong nặng nề, tấm mành vừa nhẹ vừa có vẻ tha thướt hợp với tâm hồn Huế hơn nên người Huế chuộng treo mành hơn so với đặt tấm bình phong trong nhà.

 

Mành trúc Huế thường được làm từ những cọng lồ ô vót tròn lớn bằng chiếc đũa, kết với nhau bằng những sợi dây gai rồi được phết lên trên một lớp dầu rái cho khỏi bị mốc. Theo họa sĩ Tôn Thất Sa và Hoàng Yến trong một bài viết vào năm 1919: Mành trúc Huế còn có thể được sơn màu hoặc vẽ chữ Phúc, chữ Thọ với nhiều màu sắc. Do đó, có nhiều loại mành trúc được trang trí khác nhau: mành trúc trắng không sơn bóng, sơn bóng không trang trí, mành trúc trơn chỉ trang trí ở khung và ở góc, mành trúc trang trí ở phần giữa...

 

Nghe nói ngày xưa thợ làm mành trúc ở Huế thường tập trung ở dưới cầu Đông Ba. Xưa nữa thì như “Từ điển tiếng Huế” của bác sĩ Bùi Minh Đức cho biết: Thợ làm mành hồi xưa thuộc bộ Công, cha truyền con nối, nhưng đến năm 1891, niên hiệu Thành Thái thì chỉ có trường chuyên nghiệp dạy nghề mà thôi...

 

Tôi nhớ những năm 1970 ở vùng quê ven Huế, thường bà con nông dân lúc nông nhàn cũng đan mành che nắng gió cho ngôi nhà. Tre thường dùng cho việc đan mành chốn đồng quê là tre thường, không phải là lồ ô, mắt dày nhưng bền, mộc mạc mà chân chất một thứ tình quê vĩnh hằng. Và tấm mành cũng không cần phải trang trí chi nhiều, chỉ sơn hắc ín hay nhà nào khá hơn thì phết lớp dầu rái trong. Ấy vậy mà những tấm mành lại vô cùng đắc dụng cho việc chắn gió lạnh những ngày đông tháng giá, gió bấc mưa phùn...

 

Thuở đó, nhà nào ở quê kha khá, đủ tiền lên phố Hàng Bè, khu vực ngay trước cửa Đông Ba mua một tấm mành đan bằng lồ ô, có vẽ chữ Phúc, chữ Thọ hay con công, con phượng... đã là ghê gớm lắm.

 

Sau này ra Bắc, mới hay cái phố hàng mành ở Huế, tức là một đoạn của phố Hàng Bè, không thấm tháp chi so với phố Hàng Mành ở Thăng Long xưa. Hà Nội có 36 phố, phường thì có một phố Hàng Mành chuyên bán mành tre. Những sản phẩm này đến từ một địa danh như cái tên cổ tích là làng Rừng Mành. Thực ra, đây chỉ là tên tục của một ngôi làng có tên Giới Tế, thuộc quê hương quan họ Bắc Ninh. Nghe đồn rằng từ thuở khai hoang lập địa, nơi đây là cả một rừng tre trúc. Qua bao cuộc bể dâu, làng Giới Tế trở thành “cái rốn đựng tôm cá” của cả vùng chiêm trũng. Cứ khoảng “tháng bảy nước chảy lên bờ”, mưa nguồn đổ nước về ngập trắng xóa cả vùng thì người dân bắt đầu đan những chiếc đó, chiếc đăng để đổ xô ra đồng bắt cá tôm. Về sau, dân làng biết ken những thanh tre dày hơn, sát hơn để che chắn ruồi muỗi, hình thành nên những chiếc mành treo đầu tiên.

 

Hiện tại, mành treo của làng Rừng Mành có hàng chục loại, bày bán khắp nơi, thống lĩnh Hàng Mành Hà Nội: mành treo cửa, mành che bàn thờ tổ tiên, mành che chạn bát, mành thay chiếu làm chỗ ngả lưng...

 

Bây giờ, vùng văn hóa Bắc Ninh còn nổi tiếng làng nghề mành tre Tân Xuân Lai ở Gia Bình. Truyền rằng nghề đan mành tre của làng do cụ tổ Đỗ Đình Kiên truyền dạy cho dân làng từ khoảng đầu thế kỷ XVII. Chỉ riêng mành tre của làng đã có tới 10 dòng sản phẩm như mành sấp ngửa, mành một mặt, mành hai mặt, mành nan to, nan nhỏ, nan vuông, nan tròn... Ngoài mành tre thông dụng dùng để treo cửa ra vào, còn có mành che chạn bát; mành nan to để trải giường... Cao cấp nhất là mành nan nhỏ có sơn vẽ họa tiết theo tích cổ buông rủ nơi cửa đình, cửa chùa và bàn thờ gia tiên.

 

Trước đây, làng có gần 1.000 hộ dân đều làm nghề mành. Mỗi nhà có vài ba khung dệt. Thanh niên trong làng lên tận các vùng rừng núi Lào Cai, Yên Bái... chọn tre làm mành, lại rong ruổi mang mành đi tiêu thụ khắp nơi. Người già, phụ nữ và trẻ em ở nhà vừa chẻ nan đan mành vừa lo ruộng vườn nhà cửa và chăm lo việc học hành. Thu nhập từ nghề đan mành tre không cao nhưng đủ để trang trải cuộc sống, xây nếp nhà, làm chái bếp, dựng vợ, gả chồng cho con cái và chăm lo việc làng, xã. Đến khi thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm mành rèm làm từ nhựa và vải bố, sản phẩm mành tre của làng sa sút.

 

Rất may là gần đây, mành tre che nắng trở nên hiệu quả hơn so với rèm nhựa nên nhu cầu thị trường tăng lên, mành che nắng của làng lại chiếm được ưu thế trên thị trường và thu hút khách hàng trong nước đặt mua.

 

Thân thiện và gần gũi

 

Vậy đó, bây giờ mành trúc đã không chỉ che nắng che mưa mà còn làm đẹp. Cái thô mộc của mành tre trúc trong một ngôi nhà hiện đại làm cho sự thân thiện và gần gũi bỗng hiện diện quanh đây. Màu vàng úa của chiếc mành có thể làm nền cho những bộ sa lông màu sẫm nào đó. Một mành tre thả lưng lửng giữa căn phòng khiến cho không gian có cao độ lớn bỗng thấp lại và trở nên ấm áp... Mành tre trúc cũng từ bao giờ là nơi được gắn tranh dân gian lên để làm tờ lịch. Hay có khi, là một bức thư pháp thơ, như thơ Bùi Giáng từng xuất hiện trước công chúng với chủ đề “Mưa nguồn hòa âm” do hai nhà thư pháp Bùi Hiến và Triều Nguyên thể hiện trên 30 bức thư họa...

 

Và một đêm nào đó trong Festival Huế, trên hồ Tịnh Tâm, những con rối nước đến từ đồng bằng Bắc Bộ vén mành tre bước ra bắt đầu kể câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa. Phía sau mành trúc là những nghệ nhân lặng lẽ, cái lặng lẽ của người biết giấu mình để đem đến những xao động đẹp trong đời cho cõi nhân gian...