Đồ chơi truyền thống đang trở lại

15:26, 21/09/2015

Đồ chơi Trung thu là một mặt hàng đặc biệt, bởi chúng không chỉ đem lại niềm vui cho các em nhỏ mỗi dịp Rằm Tháng Tám, mà còn là một nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, gắn liền với nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử, cũng như những câu chuyện tuổi thơ của biết bao thế hệ.  

Hàng Việt hồi sinh

 

Đến hẹn lại lên, chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Trung thu 2015, tại các tuyến phố chuyên kinh doanh đồ chơi trẻ em ở Hà Nội như Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can, chợ Đồng Xuân… lại tấp nập, rộn ràng người bán, người mua những loại đồ chơi đầy mầu sắc và hình dáng bắt mắt. Nếu mấy năm trước, nhiều người lo ngại vì đồ chơi nhập khẩu giá rẻ, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan; thì điều đáng mừng là năm nay, người tiêu dùng đã có xu hướng rõ rệt ưu tiên lựa chọn sản phẩm đồ chơi truyền thống của Việt Nam. Những món đồ chơi dân gian, như đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ, trống cơm, đèn con cá, đèn lồng… với thương hiệu “thuần Việt”, được trưng bày bắt mắt, rực rỡ ở những vị trí đẹp, không còn bị “lép vế” trong góc khuất nữa.

 

Điểm mới chính là mẫu mã đèn Trung thu trong nước sản xuất đã được cải tiến đa dạng, hấp dẫn hơn, với mức giá phải chăng từ 20 nghìn đến 60 nghìn đồng. Loại sản phẩm được ưa chuộng là các mẫu đèn cầm tay phát sáng hoặc phát các bài hát quen thuộc về Trung thu của trẻ em Việt Nam, với tem mác đầy đủ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và kiểm định chất lượng. Các loại đèn xếp giấy tròn, đèn ống của các Công ty Đồng Tiến, Hoàng Việt, Thế Kỷ Mới… đã xuất hiện ở thị trường đồ chơi Trung thu từ năm ngoái, nhưng đến năm nay mới được nhiều người biết đến và lựa chọn nhiều hơn. Theo ông Huỳnh Văn Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật mới chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em, năm nay công ty bán ra thị trường 120 mẫu đèn lồng, trong đó có 50 mẫu mới tôn vinh lòng yêu nước, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Một số mẫu đèn phát nhạc đã được mua bản quyền, gồm các ca khúc thiếu nhi quen thuộc, vui tai như: “Tùng tùng dinh dinh”, “Tết Trung thu rước đèn ông sao”… Công ty đã quyết định hạ giá nhiều loại đèn, bán giá thấp hơn hàng Trung Quốc, chấp nhận lãi ít để giữ thị phần, đẩy lùi hàng Trung Quốc, phục vụ các em nhỏ sản phẩm trong nước có chất lượng và ý nghĩa thiết thực.

 

Bên cạnh mẫu đèn “Em yêu biển, đảo Việt Nam”, còn có các loại đèn hình tượng Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, đèn kéo quân trang trí hình ảnh quê hương đất nước, tranh dân gian Đông Hồ… với tính thẩm mỹ và tính giáo dục cao. Đặc biệt, năm nay mặt nạ giấy bồi truyền thống với nhiều nhân vật đặc trưng của Việt Nam như chú Tễu, chú Cuội, ông Địa, thỏ ngọc… được bày bán nhiều, dần chiếm ưu thế so với các loại mặt nạ nhựa xuất xứ Trung Quốc có hình nhân vật truyện tranh, siêu nhân hoặc hình ma quỷ kinh dị, kỳ quái. Chị Hương, chủ một cửa hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết: “Năm nay đồ chơi Trung thu của Việt Nam đắt hàng hơn mấy năm trước, chủng loại cũng phong phú hơn. Hàng Trung Quốc cũng được nhập về nhưng bán chậm, tuy giá rất rẻ”. Nhiều bậc cha mẹ cũng nhận thức được rằng, chính họ phải là người lựa chọn, định hướng cho các em tìm đến những món đồ chơi dân gian bổ ích, an toàn mà không kém phần thú vị.

 

Nâng niu, gìn giữ truyền thống

 

Đồ chơi truyền thống đang chiếm được cảm tình của một bộ phận đáng kể khách hàng là bởi phần nào an toàn hơn, đỡ mối lo độc hại hoặc bạo lực và quan trọng là người mua đã nhận thức được vẻ đẹp và tầm quan trọng của văn hóa truyền thống trong dòng chảy hiện đại. Nhiều món đồ chơi đã là một phần của lịch sử, là ký ức đẹp của tuổi thơ mà biết bao nghệ nhân tâm huyết và làng nghề truyền thống đang miệt mài gìn giữ. Chẳng hạn như làng Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội) từng một thời vang danh bởi nghề làm đồ chơi thủ công, đặc sắc nhất là tàu thủy làm bằng sắt tây nhiều mầu, nhiều kích cỡ, chạy được trên mặt nước bằng dầu hỏa. Qua thời gian, làng nghề mai một dần, đến nay hầu như chỉ còn gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng duy trì sản xuất. Mặc dù các đơn đặt hàng mới chỉ được khôi phục mấy năm gần đây, công việc lại đòi hỏi sự kỳ công, kiên nhẫn cao độ, nhưng gia đình đã có nhiều đời làm nghề này vẫn quyết giữ nghề và luôn đau đáu nỗi niềm truyền lại cho thế hệ sau. Hay những người thợ làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) với nghề làm trống, làm mặt nạ đã có từ hơn 100 năm trước, cũng phải trải qua nhiều biến động của thời cuộc, thị trường, nhưng vẫn gắng giữ hồn cốt của nghề. Ở TP Hồ Chí Minh, xóm lồng đèn Phú Bình (phường 5, quận 11) khoảng hai năm trở lại đây, vào mỗi mùa Trung thu cũng ngập tràn sắc đỏ sắc vàng của những chiếc lồng đèn giấy kiếng (kính) truyền thống. Năm nay, nhiều nghệ nhân cho biết đã huy động cả gia đình làm việc từ sáng sớm tới khuya để kịp trả đơn hàng. Nghề làm đèn thủ công tỉ mỉ, tốn công, mất thời gian bởi cả chục công đoạn: chọn nguyên liệu tốt, chẻ nan, tạo hình, kết kẽm, cắt giấy, sơn phết, dán, vẽ trang trí… mới được thành phẩm. Tuy vất vả, nhưng ai nấy đều rất vui mừng bởi làng nghề đã trở lại, mang những chiếc đèn truyền thống căng bóng, sống động, đẹp mắt đến tay trẻ em vui đón Tết Trung thu.

 

Một số nỗ lực đáng ghi nhận khác đến từ nhiều cá nhân, tổ chức tâm huyết với gìn giữ văn hóa truyền thống và giáo dục thế hệ trẻ. Mới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội đã diễn ra chương trình“Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” với sự tham gia của hơn 300 em nhỏ cùng gia đình, trong đó có cả trẻ em ngoại quốc. Dự án của nhóm giảng viên và sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội đã thành công tốt đẹp với sự say sưa, hứng thú của những “nghệ sĩ không chuyên” nhí trong một loạt hoạt động lý thú: làm mặt nạ giấy bồi, vẽ, tô mầu, nghe kể sự tích các loại mặt nạ... Với hiệu ứng tốt của chương trình, tới đây một triển lãm mặt nạ giấy bồi có tên gọi “Mặt” sẽ diễn ra tại Laca Cafe (Hà Nội), tiếp tục trưng bày mặt nạ giấy bồi, cũng như giáo dục văn hóa, lịch sử, hướng dẫn các em tự tay làm ra chiếc mặt nạ truyền thống của dân tộc. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn cho thiếu nhi vui Tết Trung thu truyền thống, trong đó các em được các nghệ nhân dân gian dạy làm đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, nặn tò he…

 

Đồ chơi Trung thu truyền thống Việt Nam đang dần khởi sắc và tìm lại chỗ đứng, song vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng ngoại, cũng như thói quen tiêu dùng trong nước. Có thể khẳng định đồ chơi truyền thống Việt Nam có đầy đủ tính đa dạng, tính thẩm mỹ và tính nhân văn. Các làng nghề, thợ thủ công, doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em đang dần nắm bắt được thị hiếu khách hàng, song song với nỗ lực nâng cao chất lượng thì mẫu mã sản phẩm cũng được chú trọng cải tiến. Các hoạt động cộng đồng cho trẻ thêm hiểu và thêm yêu nét văn hóa truyền thống dân tộc cũng là những tín hiệu vui. Bởi không chỉ đơn giản là nêu cao khẩu hiệu “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, mỗi món đồ chơi Trung thu còn như một biểu tượng nho nhỏ của văn hóa, đi vào đời sống tinh thần, đặc biệt là đối với thiếu nhi, những mầm non của đất nước.