Lúng túng trong quản lý và bảo tồn biệt thự cũ ở Hà Nội

08:16, 30/09/2015

Sự cố biệt thự cổ ở 107 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bất ngờ bị sập vào trưa 22-9, làm hai người chết, sáu người bị thương, 16 hộ dân mất nơi ở… khiến những người dân sinh sống trong các biệt thự cũ ở Hà Nội hết sức lo lắng. Trong khi đó, việc thực hiện quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ lại quá chậm trễ.  

Sống khổ trong biệt thự cũ

 

Khu đất số 45 phố Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), có khuôn viên rộng hơn 400 m2, nằm ở góc phố Trần Quốc Toản và Trương Hán Siêu, bề mặt thoáng đãng, tầm nhìn rộng. Các kiến trúc sư người Pháp đã thiết kế căn biệt thự có kiến trúc đẹp, bốn mặt đều có không gian thoáng, cao hai tầng, có tầng hầm, mái lợp ngói đỏ, chung quanh có hàng rào bảo vệ, cổng… Cùng với biệt thự này, các biệt thự ở số 32, 34 phố Trương Hán Siêu và 47, 49A và 49B phố Trần Quốc Toản cũng được thiết kế đẹp, hài hòa, tạo nên một điểm nhấn cho cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, hiện tại, cảnh quan kiến trúc của khu biệt thự đã bị biến dạng. Biệt thự số 32 phố Trương Hán Siêu đã bị phá bỏ để xây nhà cao tầng, khiến cho biệt thự số 34 sát bên cạnh lọt thỏm giữa khối nhà cao tầng. Hệ thống tường rào bảo vệ của các biệt thự đã bị phá bỏ. Không gian phía trước, phía sau, bên cạnh tòa nhà đều bị các hộ dân lấn chiếm, cơi nới biến thành nhà ở, ki-ốt bán hàng, nhà bếp, nhà vệ sinh… khiến cho không gian các biệt thự bị phá vỡ, chật chội và nhếch nhác. Mỗi biệt thự trở thành “chung cư mi-ni” với hơn mười hộ dân, từ 50 đến 60 nhân khẩu sinh sống. Sau gần 100 năm tồn tại, mà không được quan tâm bảo trì, sửa chữa, các biệt thự xuống cấp nghiêm trọng. Biệt thự số 34 phố Trương Hán Siêu và 45 phố Trần Quốc Toản bị nghiêng lún.

 

Bà Phạm Thị Nga, người dân sinh sống gần 50 năm tại biệt thự số 45 phố Trần Quốc Toản cho biết, ngôi nhà đã bị lún, nghiêng từ nhiều năm trước. Tường nhà nứt, bong tróc, gạch, vữa lộ ra. Cầu thang gỗ ọp ẹp. Mái ngói dột nát, nhiều thanh gỗ bị mọt…, nhưng không thấy cơ quan chức năng đến thẩm định chất lượng, xác định mức độ nguy hiểm. Những người dân chưa có điều kiện di chuyển đến nơi ở mới, đành chấp nhận tình cảnh này, nhưng người ở nơi khác đến chơi đều cảm thấy sợ hãi bởi độ nghiêng của ngôi nhà khá lớn. Sau khi nhà 107 phố Trần Hưng Đạo bị sập, người dân ở khu nhà này hoang mang, lo lắng, nhưng vẫn đành bám trụ, vì họ không còn nơi nào khác để trú ngụ.

 

Biệt thự 45 phố Trần Quốc Toản hiện có 13 hộ dân, với hơn 50 người sinh sống. Đứng ở phố Trần Quốc Toản, bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra độ lún, nghiêng của ngôi nhà. Càng lên cao độ nghiêng càng lớn. Cửa sổ gỗ của ngôi nhà bị lệch không đóng, mở được. Để tránh nghiêng, đổ đồ đạc trong nhà, người dân phải dùng gạch đá kê chân lấy thăng bằng. Nhiều gia đình còn buộc cố định quạt cây, lọ lục bình, tủ lạnh… vào tường hoặc cửa cho đỡ lo.

 

Càng đợi - nhà càng xuống cấp

 

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 1.600 biệt thự cổ, trong đó chỉ có khoảng 200 biệt thự đang là trụ sở làm việc của các cơ quan được bảo trì thường xuyên, chất lượng công trình còn khá tốt. Số biệt thự còn lại phần lớn đều xuống cấp do không được sửa chữa, bảo trì. Năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành danh mục 1.253 biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự xây dựng từ trước năm 1954. Theo quy chế này, biệt thự được chia thành ba nhóm, trong đó nhóm một khi cải tạo phải giữ nguyên trạng. Biệt thự nhóm hai, khi cải tạo phải giữ lại những tiêu chuẩn cơ bản như mật độ xây dựng, chiều cao công trình, còn biệt thự nhóm ba thì có thể được phá dỡ để xây mới. Tất cả các biệt thự nếu hư hỏng đến mức nguy hiểm đều có thể cải tạo, phá dỡ, nhưng phải được cơ quan chuyên môn thẩm định. Thành phố khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tự giãn dân tại những biệt thự có nhiều hộ ở để quy về một chủ, tham gia đầu tư, phục hồi biệt thự cũ để khai thác sử dụng. Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị chức năng kêu gọi các tổ chức, cá nhân thực hiện việc bảo trì, cải tạo, xây dựng lại biệt thự đã bị hư hỏng nặng, xuống cấp hoặc có nguy cơ sập đổ. Với biệt thự thuộc sở hữu nhà nước đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, cơ quan quản lý nhà lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để cải tạo, xây dựng lại theo quy định… Tuy nhiên cho đến nay, các cơ quan quản lý quá chậm trễ trong triển khai quy chế, chưa thống kê đầy đủ số liệu chính xác các biệt thự nguy hiểm cần di dời khẩn cấp.

 

Trưởng bộ phận phụ trách bán nhà theo Nghị định 61/CP, Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Tú cho biết, các đơn vị sử dụng nhà thuộc sở hữu nhà nước có trách nhiệm sửa chữa. Đối với những biệt thự có nhiều hộ dân cùng sinh sống thì trách nhiệm bảo trì ngôi nhà do người dân đóng góp. Ông Tú thừa nhận thực tế các hộ dân sống trong các biệt thự có điều kiện sinh sống khác nhau, cho nên việc đóng góp tiền để sửa chữa nhà là hết sức phức tạp và khó thực hiện.

 

Chính sự chậm trễ nêu trên đã khiến cho các biệt thự cũ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân. Bà Nga ở biệt thự cũ số 45 phố Trần Quốc Toản cho biết, năm 2006, khi chính quyền vận động các hộ dân mua nhà theo Nghị định 61/CP, người dân đã nộp hồ sơ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Không ít lần người dân xin phép sửa chữa một số hạng mục hư hỏng cũng không được chấp thuận. Mua không được, sửa chữa cũng không xong, các hộ dân đành thống nhất bán nhà với mong muốn có điều kiện cải thiện chỗ ở. Rất nhiều khách hàng đến tìm mua, nhưng không giao dịch được do vướng quy định “bảo tồn”. Người dân chỉ còn biết chờ đợi các cơ quan chức năng thẩm định chất lượng ngôi nhà để loại bỏ những rào cản trói buộc này. Nhưng càng đợi, ngôi nhà càng xuống cấp.

 

Bảo tồn, quản lý và sử dụng biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội là chủ trương đúng, nhằm giữ gìn các công trình kiến trúc có giá trị, nhưng quan trọng hơn là bảo đảm sự an toàn cho những người dân đang sinh sống trong đó. TP Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát lại toàn bộ các biệt thự, kịp thời có phương án xử lý đối với các biệt thự xuống cấp, nguy hiểm, bảo đảm an toàn cho người dân. Tích cực thực hiện chủ trương xã hội hóa để huy động nguồn lực đầu tư, khuyến khích người dân tự cải tạo các biệt thự…, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc nghệ thuật của đô thị.