Nhà báo viết Facebook nên hướng đến những điều lành mạnh, bổ ích, nhân văn

09:35, 13/09/2015

Câu chuyện nhà báo và mạng xã hội là đề tài “nóng” trên nhiều diễn đàn những ngày gần đây. Mạng xã hội có phải là nơi để các nhà báo có có quyền biến thành một “cơ quan ngôn luận” riêng biệt, tách rời với không gian báo chí chung?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về những vấn đề xoay quanh chủ đề này.

 

Pv: Thưa ông, ông nghĩ sao về mạng xã hội nói chung và mạng xã hội với nhà báo?

 

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tôi cho rằng, mạng xã hội là một thực tế không thể chối bỏ trong xã hội hiện tại. Nó giúp các cá nhân bộc lộ cảm xúc, kết nối, chia sẻ với nhau, với cộng đồng rộng lớn. Những người làm báo, ngoài cơ quan báo chí của mình, có thể dùng mạng xã hội như là một phương tiện cần thiết, phù hợp. Theo tôi, điều này không có gì là ghê gớm, khác biệt, thậm chí là điều tốt nếu ta biết sử dụng nó thật tốt.

 

PV: Ông có dùng mạng xã hội không và theo ông, người ta nên chia sẻ những gì trên các tài khoản cá nhân của mạng internet?

 

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tôi đã dùng facebook từ mấy năm nay. Tôi làm quản lý nhưng tôi là một nhà báo thực thụ và liên tục từ 34 năm nay. Tôi thấy facebook cũng cần cho mình khi bộc lộ tình cảm trong sáng, suy nghĩ tích cực, kêu gọi hành động đúng đắn, có ích cho xã hội. Lên facebook, ta cũng có thêm những thông tin nhiều chiều để biết xã hội đang quan tâm những vấn đề gì, yêu thích gì, ghét và phản đối cái gì, cái gì cần lưu ý, cần cùng mọi người quan tâm, giải quyết.

 

Nhưng, như đã nói, tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, dẫu sao cũng mang rất đậm dấu ấn cá nhân. Đó là “nhà” của anh, “tường nhà” của anh, anh “mở cửa” hướng nào, treo tranh ảnh gì, viết lách, suy nghĩ ra sao, kết thân với ai…cũng luôn phải nghĩ đến là cho ai đọc, ai nhìn, ai chia sẻ, ai là bạn và ai là người không nên hợp tác. Ở đây, cá nhân không thu hẹp trong cái tôi biệt lập mà nó liên kết với xã hội, hướng ra xã hội và thu nhận những gì cần thiết từ xã hội.

 

Khi liên kết, chia sẻ, nên hướng đến những điều lành mạnh, bổ ích, nhân văn, không nên cực đoan, thái quá. Người dùng không thể dùng trang của mình để xúc phạm các cá nhân hay tổ chức nào đó. Tôi nghĩ, internet là “ảo” nhưng nó lại rất thật và có những tác động mạnh mẽ vào cuộc sống thật. Câu chuyện ứng xử trên mạng xã hội cũng giống như các phép ứng xử thông thường của các cá nhân, tổ chức trong xã hội mà thôi!

 

Ông Nguyễn Thế Kỷ là Tiến sĩ Ngữ văn, sinh năm 1960, quê Nghệ An; từng trải qua các vị trí công tác: Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình Nghệ An; Tổng biên tập Báo Nghệ An; Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương.

 

PV: Các trang mạng cá nhân thường được nhiều người cho rằng đó là “thế giới riêng” của họ và họ có quyền riêng với nó mà không ai được phép can thiệp. Có thể, một số nhà báo cũng đã có ý nghĩ này. Ông nghĩ sao về cách nghĩ đó?

 

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Trong một xã hội, muốn ổn định và phát triển bền vững, bao giờ cũng có những điều luật, các quy định, quy ước, chế tài. Mọi cá nhân, tổ chức sống trong xã hội ấy thì buộc phải tuân thủ các điều luật, quy định, quy ước. Người làm báo, ngoài hệ thống pháp luật nói chung, còn có thêm Luật Báo chí; quy định của Đảng, đoàn thể mà anh là thành viên; quy định đạo đức nghề nghiệp (của Hội Nhà báo) và nội quy, quy chế của cơ quan báo chí. Càng đứng trong tổ chức, anh càng phải tuân thủ các quy định của tổ chức mà mình tự nguyện tham gia.

 

Theo tôi, một nhà báo thì không thể có sự phân thân ra hai hay ba hay bốn phần một cách cơ học. Quyền tự do cá nhân được Hiến pháp, pháp luật công nhận, bảo vệ. Nhưng cái con người cá nhân đó không thể tách ra một khung trời biệt lập để muốn viết gì, xúc phạm ai, tổ chức nào cũng được.

 

Một người làm báo, dù ở đâu, đi đâu, làm gì thì cũng luôn cần ý thức rằng mình thuộc về một cơ quan báo chí, phải giữ gìn uy tín cá nhân và uy tín, danh dự cho cơ quan báo chí của mình. Sự thống nhất, hài hòa giữa cá nhân và tập thể, giữa cá nhân và xã hội là cần thiết; “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” là điều mà ai cũng mong muốn và hướng tới.

 

Gần đây, có một số nhà báo (và có cả nhiều người không làm báo) đưa lên trang cá nhân của mình những điều mà khi đọc, khi xem, phần lớn cộng đồng đều phản đối, thậm chí lên án. Có những người dùng những từ ngữ, xưng hô không phù hợp, kém văn hóa; có người đưa hình ảnh phản cảm, tục tĩu, trái thuần phong mỹ tục. Có người nêu ý kiến, quan điểm cực đoan, lạc lõng, gây chia rẽ đoàn kết xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật…Tôi nghĩ, có thể sẽ vẫn tiếp tục có những việc tương tự xảy ra nếu như người dùng facebook không biết tiết chế, điều chỉnh bản thân mình.

 

Chỉ cần nêu ví dụ đơn giản: có nhà báo, trước chuyến công tác quan trọng, cần sự bí mật mà anh ta đưa hết thông tin, hình ảnh lên facebook thì ảnh hưởng ngay đến kết quả, hiệu quả công việc.

 

Suy cho cùng, cách kết nối, chia sẻ trên mạng xã hội, facebook của các cá nhân cũng vẫn là cách ứng xử của mỗi con người. Những ai có bản lĩnh văn hóa, có năng lực và có nhân cách văn hóa sẽ biết cách chế ngự cảm xúc, lý trí để sử dụng mạng xã hội, facebook một cách tốt nhất.

 

PV: Theo ông, để khắc phục được những vấn đề trong mối quan hệ giữa nhà báo và mạng xã hội thì có cần có những quy tắc ứng xử riêng cho nhà báo về lĩnh vực này?

 

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Mỗi cơ quan báo chí đều có quy chế làm việc riêng. Tuy nhiên, tôi nghĩ hiện nay quy chế hoạt động của nhiều cơ quan báo chí còn khá sơ sài, đơn giản.

 

Các cơ quan báo chí nên bổ sung trong quy chế hoạt động những quy định cần thiết, hợp lý đối với phóng viên, nhân viên trong cơ quan về những ứng xử ngoài mặt báo. Tuy nhiên, khi đưa ra quy chế thì cần lấy ý kiến của mọi người để tạo được sự đồng thuận trong nhận thức và hành động.

 

Hội Nhà báo Việt Nam, các liên chi hội, các chi hội nhà báo cũng có vai trò quan trọng đối với các hội viên của mình. Có lẽ, Hội cũng nên có những quy định, quy ước của hội viên khi tham gia mạng xã hội.

 

Pv: Xin trân trọng cảm ơn ông!