Nhiều đề tài mới lạ với những góc nhìn đa chiều về chiến tranh, đặc biệt từ những người trẻ là thành công lớn của cuộc thi sáng tác về đề tài cách mạng và kháng chiến (giai đoạn 1930 - 1975) vừa được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao thưởng và vinh danh.
Đa dạng đề tài
Nhìn vào danh sách các tác phẩm được trao giải thưởng năm nay, có thể nhận thấy, có nhiều đề tài mới, lạ được các tác giả chú trọng khai thác mang đến cho công chúng cái nhìn sâu sắc, toàn diện và khá chân thực về hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Nhà văn Trầm Hương, tác giả tiểu thuyết “Trong con lốc xoáy” đoạt giải A đã khai thác câu chuyện về mối tình đầy thăng trầm của một cô tiểu thư, là con lai của một quan Pháp, với một chàng trai Việt xuất thân nhọc nhằn - một bác sĩ sắp ra trường. Nhà văn Trầm Hương, cho biết, năm 2005, bà gặp Jeanne Anna Villarialle, một Việt kiều ở Mỹ với những hồi ức sống động về bao con người gắn liền với lịch sử đất nước suốt từ đầu thế kỷ XX cho đến nay. Tác giả viết tác phẩm này như một cách trả nợ ân tình, thể hiện sự đồng cảm dành cho những giọt nước mắt thầm lặng của bao con người trong chiến tranh, đặc biệt là phụ nữ.
Trong khi đó, trường ca “Bão không đến từ biển” của tác giả Trần Anh Thái, một người lính đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, lại dẫn dắt người đọc đến một góc nhìn xa hơn. Với ông, chiến tranh đã vô cùng gian khổ, ác liệt, biết bao thế hệ cha, anh đã phải trả giá vô cùng đắt để có được hòa bình như hôm nay. Nhưng tác giả cũng cảnh báo, nếu chúng ta mải hoan ca trong chiến thắng, thì hậu quả sẽ rất đáng lo ngại, bởi cuộc sống hiện nay cũng khốc liệt, gian khổ và phức tạp không kém gì chiến tranh và đầy thách thức…
Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm hướng đến các góc nhìn đa chiều về những người lính tham gia chiến tranh, như kịch bản điện ảnh “Ngọc Trạo mùa thu năm 1941” của Hà Thị Cẩm Anh, tự truyện “Anh Vệ quốc đoàn” của Nông Viết Toại, bản nhạc “Đội du kích Hoàng Ngân” của nhạc sỹ Ngô Quốc Tính, tiểu thuyết “Chuyện tình ở Hầm Hinh” của Trần Thu Hằng… Nhiều tác giả đã chọn đề tài sáng tác từ những tấm gương anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng Võ Thị Sáu…
Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam, cho biết, tác phẩm “Đội du kích Hoàng Ngân”, viết cho dàn nhạc giao hưởng của nhạc sỹ lão thành Ngô Quốc Tính là một đề tài hiếm, hầu như trong âm nhạc chưa từng có tác giả nào đề cập đến. Trong tác phẩm này, tác giả đã lột tả được không khí của giai đoạn kháng chiến chống Pháp ở vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương... Tác phẩm này ra đời tô đậm thêm giai đoạn lịch sử của kháng chiến chống Pháp, góp phần cân đối thêm các thể loại âm nhạc về mảng đề tài này.
Nhiều gương mặt trẻ
Một trong những thành công đáng ghi nhận của cuộc thi lần này, là không chỉ những tác giả gạo cội, mà có rất nhiều gương mặt trẻ tham gia cuộc thi. Một trong ba tác phẩm nhận được giải A, giải thưởng cao nhất của cuộc thi là vở kịch múa “Khoảnh khắc bất tử” là tác phẩm của nghệ sỹ có tuổi đời còn rất trẻ, nghệ sỹ Tuyết Minh. Vở kịch múa có nội dung về anh hùng Võ Thị Sáu với cái nhìn mới lạ, đan xen giữa hư và thực, đề cao tính nhân đạo, tình yêu hòa bình. Tuy là kịch bản viết về thời kháng chiến chống Mỹ, nhưng lại được chuyển tải theo cách nhìn hiện đại, dưới con mắt người trẻ đã tạo cảm xúc khác biệt cho người xem. Một trong những điểm nhấn của tác phẩm là việc tác giả đã chú trọng đến việc khai thác những yếu tố thiên về tâm linh. Từ ý chí sắt đá của chị Võ Thị Sáu, từ tấm gương hy sinh quên mình để bảo vệ đồng chí, bảo vệ Tổ quốc, người nữ anh hùng đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các chiến sỹ bị tù đày tại Côn Đảo khi đó, để họ tiếp tục giữ vững ý chí, kiên cường đấu tranh, tạo nên sức mạnh đoàn kết để chiến thắng kẻ thù.
Kịch bản phim truyện điện ảnh “Khi em mười tám tuổi” của tác giả Nguyễn Sỹ Hào cũng là một trong những cách nhìn mới của người trẻ về chiến tranh. Tác phẩm kể về câu chuyện tình yêu giữa một anh lái xe với một nữ thanh niên xung phong, tình yêu của họ luôn đặt trong tình yêu đất nước, dù họ đang ở rất gần nhau, nhưng vẫn mãi không gặp nhau… Chia sẻ về quá trình sáng tác tác phẩm, tác giả Nguyễn Sỹ Hào cho biết: “Là những người trẻ, không sống trong thời chiến, hiểu biết về chiến tranh còn ít, tuy nhiên, tuổi trẻ lại có sự nhìn nhận, đánh giá về chiến tranh theo cách của riêng mình. Khi có ý định viết về đề tài này, tôi đã dành rất nhiều thời gian đi tìm gặp những người tham gia cuộc chiến, tìm đến những người đồng đội của nhân vật để hỏi chuyện, sau đó mới bắt tay vào viết. Nhờ những chuyến đi đó, tôi hiểu hơn về cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân ta, và tôi cảm thấy rất tự hào hơn”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo cuộc thi đánh giá: Nhìn chung, chất lượng nội dung các tác phẩm tham dự khá tốt. Nhiều tiểu thuyết, kịch bản điện ảnh, kịch bản sân khấu khai thác mảng đề tài cách mạng và kháng chiến có chiều sâu tâm lý, tính cách nhân vật đặt ra những vấn đề mới về lý tưởng, nhân cách, thân phận con người… thuyết phục được người đọc, người xem.
Các tác phẩm được giải thưởng trong cuộc thi lần này sẽ được xuất bản, làm phim, dàn dựng thành các vở diễn, tổ chức trưng bày triển lãm…