Sau thành công của đêm chèo Tiếng vọng ngàn năm năm 2013 tại sân đình Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), Nhóm Tôi xê dịch tiếp tục theo đuổi ý tưởng tái hiện nguyên vẹn hình thức chèo sân đình, nhằm đưa loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này tới gần hơn với công chúng, nhất là lớp trẻ. Chương trình Tiếng trống chèo 2015 do nhóm phối hợp Nhà hát chèo Việt Nam tổ chức đang diễn ra tại một số sân đình ở Thủ đô Hà Nội cho thấy nỗ lực bền bỉ của những con người say mê “giữ lửa”.
Náo nức sân đình…
Đêm mở đầu tua diễn Tiếng trống chèo 2015 diễn ra tại Đình Tháp, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy vào tối 5-9. Từ chập tối, những con đường dẫn tới sân đình đã nườm nượp người như đi trẩy hội. Đình Tháp bừng sáng lung linh trong ánh sáng đèn điện hắt xuống mặt hồ. Sân khấu được sắp đặt giống như “chiếu chèo sân đình” xưa, mở ba mặt, trải chiếu cói viền vải đỏ; chính giữa là không gian diễn của nghệ sĩ, phường bát âm ngồi chéo hai bên, người xem có thể giao lưu với diễn viên qua những lời đối đáp. Còn hơn một giờ nữa mới khai mạc mà sân đình đã chật cứng người xem đủ lứa tuổi, số đông là người sở tại. Một đôi vợ chồng già vừa cố tìm chỗ ngồi gần sân khấu vừa phân bua nhà ở xa, đi rất sớm nhưng bị lạc đường. Trong lúc chờ đợi, tôi có dịp trò chuyện với mọi người. Chị Hoàng Thị Luyến ở khu X4 phường Mai Dịch hồ hởi: “Gia đình tôi rất thích chèo, nghe nói đêm nay có diễn chèo theo đúng kiểu ngày xưa nên cả nhà đều háo hức đi xem”. Em Dương Minh Cầm thuộc thế hệ 9X nhà ở quận Ba Đình cho biết, qua tìm hiểu trên mạng in-tơ-nét thấy thông tin sẽ diễn những vở chèo đặc sắc nhất, lại có diễn giảng cho nên em vội đi để tìm hiểu môn nghệ thuật mà từ bé đã xem nhưng chưa hiểu. Còn cô sinh viên Nguyễn Diệu Huyền thì mừng rỡ: “ Trường em có chương trình tuyên truyền về văn hóa dân tộc, xem các thông tin trên mạng của nhóm Tôi xê dịch em tìm đến đây, thật là một dịp rất quý để lấy tư liệu sống”.
Không khí tưng bừng nhộn nhịp ở sân đình gợi lên trong không ít người câu hỏi: Tại sao dù là nhà hát khang trang, đầy đủ tiện nghi, máy điều hòa nhiệt độ mát lạnh, nhưng những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống vẫn vắng hoe? Tìm hiểu kỹ mới biết, để thu hút người xem là cả quá trình nghiên cứu, vận động rất công phu của nhóm Tôi xê dịch và Nhà hát Chèo Việt Nam. Được thành lập từ năm 2012, lấy tên từ chủ đề những trang tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân, Tôi xê dịch gồm các bạn trẻ thuộc thế hệ 9X, 10X là sinh viên, học sinh các trường đại học, THPT có chung niềm đam mê và yêu thích văn hóa dân tộc. Đến nay, địa chỉ này đã trở thành điểm hẹn sinh hoạt văn hóa của hàng nghìn bạn trẻ ở Hà Nội. Để thực hiện tua diễn Tiếng trống chèo 2015, nhóm đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu nghệ thuật chèo; đi sâu vào các khu dân cư tìm hiểu thị hiếu của từng đối tượng người xem; gặp gỡ các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc và nghệ sĩ nổi tiếng… Mặc dù không có kinh phí hoạt động nhưng tất cả thành viên trong nhóm đều hăng hái làm việc với quyết tâm đi tìm người xem cho nghệ thuật chèo; thức dậy tình yêu nghệ thuật dân tộc trong lòng công chúng. Ngay việc chọn ngôi đình cho tua diễn này cũng rất kỳ công, khi tiêu chuẩn đình được chọn phải đủ rộng cho vài trăm người xem, nằm ở ngoài mặt đường tiện đi lại, có chỗ để xe… Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ nhiệm Dự án Tôi xê dịch cho biết, đối tượng khán giả là người dân trên địa bàn tổ chức và các bạn trẻ, sinh viên các trường ở Hà Nội (được phát vé mời). Sự góp mặt của cả lớp người lớn tuổi và người trẻ sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị. Đây cũng là bước thử nghiệm về nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dân tộc tại Hà Nội, hy vọng sẽ dần hình thành thói quen của người dân trong việc trả tiền để các hoạt động nghệ thuật có thể sống và duy trì mạnh mẽ. Rất tâm đắc với ý tưởng của nhóm, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: “Thời gian qua, mảng truyền thông của chúng tôi làm chưa tốt. Dù diễn hay đến mấy, có cố công giữ gìn nghệ thuật truyền thống như thế nào mà không có truyền thông thì cũng không hiệu quả. Chính vì vậy, khi nhận được lời đề nghị của nhóm bạn trẻ, Nhà hát Chèo Việt Nam rất hoan nghênh và nhận lời. Dẫu không có thù lao, tất cả các nghệ sĩ vẫn quyết tâm diễn thật hay với tất cả tình yêu nghề vì đây là dịp quảng bá cho nghệ thuật chèo, là dịp lôi cuốn người xem đến với Nhà hát”.
Muôn nẻo đường đi tìm khán giả
Trong một cuộc hội thảo về sân khấu dân tộc, GS Hoàng Chương từng nêu vấn đề: “Sân khấu dân tộc đang rất thưa vắng người xem. Để giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống, bên cạnh nâng cao chất lượng biểu diễn phải rất coi trọng công tác tuyên truyền quảng bá. Làm thế nào để công chúng hiểu và cảm nhận được cái hay, cái độc đáo của nghệ thuật truyền thống thì người ta mới đến xem”. Từ quan điểm đó, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đã thực hiện dự án Sân khấu học đường với mục đích đưa nghệ thuật dân tộc vào trường học, xây dựng lớp công chúng mới cho sân khấu ngay từ tuổi học trò. Cùng trong nỗ lực đó, Tiếng trống chèo 2015 cũng nhằm hướng tới tuyên truyền, quảng bá, tìm đủ mọi cách để mọi người hiểu và yêu chèo. Ngay từ việc đưa chèo từ rạp hát ra sân đình với không gian biểu diễn vốn có từ xưa; mỗi đêm không chỉ đơn thuần diễn trọn vẹn một vở chèo như thông thường mà còn có nhiều hình thức sáng tạo khác. Chẳng hạn, họa sĩ Tiến Dũng có ý tưởng vẽ lên những cảnh xưa hiếm thấy gây ấn tượng cho người xem. Hay cảnh gánh chèo đi hội trong không khí sân đình náo nhiệt; ông cầm chầu với những chiếc thẻ tre… NSƯT Thanh Ngoan cho biết, di sản chèo mẫu mực có bảy vở, tua diễn này chọn ba vở kinh điển là Quan Âm Thị Kính (diễn ở Đình Tháp), Lưu Bình Dương Lễ (Đình Tứ Liên) và Kim Nhan (Đình Xuân Tảo). Các vở diễn này đều có hình bóng những nhân vật mẫu mực. Mỗi đêm diễn được chia thành ba phần chính: Phần mở đầu giới thiệu làng chèo, những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật chèo cùng năm tuyến nhân vật điển hình là Đào, Kép, Lão, Mụ, Hề thông qua sự thể hiện của diễn viên trong tiếng hát, tiếng trống phách rộn rã. Phần thứ hai, với sự hướng dẫn của nghệ sĩ, người xem có thể thử sắm những vai mà mình yêu thích. Cuối cùng, các nghệ sĩ biểu diễn trích đoạn chèo. Đêm diễn mở đầu tại Đình Tháp khép lại trong niềm hân hoan của đông đảo người xem. Tiếng nói cười, bàn tán rôm rả suốt đường đi. Người xem nhớ mãi ánh mắt lúng liếng của “gái dở đi rình của chua” Thị Màu, người thì thích thú khoe có thể trở thành diễn viên khi sắm thử vai Thị Kính… Đêm diễn thật sự lan tỏa tình yêu nghệ thuật chèo đến mỗi người xem ở mọi lứa tuổi, thành phần.
Với tất cả niềm đam mê, tâm huyết, các bạn trẻ dự án Tôi xê dịch đã sáng tạo hết mình trong việc tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật chèo, trở thành cầu nối giữa sân khấu với người xem. Việc làm đó thật sự có ý nghĩa. Chương trình Tiếng trống chèo 2015 được tổ chức nhờ nguồn quỹ cộng đồng từ những người tham gia, không mang tính lợi nhuận. Để có thêm những bước đi mới, lâu dài với chương trình sáng tạo, đòi hỏi sự quan tâm ủng hộ nhiều hơn nữa của cộng đồng. Điều đó thể hiện tình yêu của mọi người với di sản nghệ thuật quý giá của cha ông.