Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi tổ chức chuyến du lịch, tham quan hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Chuyến đi thú vị khiến nhiều người trong đoàn ấn tượng không chỉ bởi cảnh sắc hữu tình, món ăn đặc sắc mà còn là cách làm du lịch cộng đồng khá chuyên nghiệp của người dân nơi đây.
Vượt qua quãng đường nhiều đèo dốc, chiếc ô tô của chúng tôi dừng tại bến tàu của hồ Ba Bể khi trời đã xế chiều. Mặc dù khá mệt mỏi sau một quãng đường dài nhưng khi đứng cạnh hồ nước rộng, thoả sức hít hà không khí mát mẻ, trong lành, toàn bộ thành viên trong đoàn nhanh chóng tươi tỉnh trở lại. Chuyến du lịch khám phá hồ Ba Bể của chúng tôi bắt đầu. Những chiếc xuồng chở đoàn chúng tôi vượt hồ vào bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, là bảndu lịch văn hoá nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày bên bờ sông Lèng sát với hồ Ba Bể, nằm nép mình dưới chân dãy núi Pù - Phia - Miang. Hồ nước rộng, cảnh sắc hữu tình khiến các thành viên trong đoàn đều khoan khoái, thích thú ngắm nhìn, bình luận...
Anh Nông Văn Yến, người dân của bản Pác Ngòi, vừa lái thuyền vừa giới thiệu: Hồ Ba Bể theo tiếngđịa phương là "Slam Pé"(nghĩa làbahồ) gồmPé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Mặt hồ trải dài 8km, rộng từ 200m đến 1km, độ sâu trung bình 17 - 23m, nơi sâu nhất là 29m. Hồ được biết đến là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới. Hồ có diện tích rộng 500 ha, nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể, có hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi với 417 loài thực vật, 299 loài động vật có xương sống, trong hồ có 49 loài cá nước ngọt. Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Chiếc xuồng chầm chậm đưa chúng tôi vượt qua hồ vào bản Pác Ngòi. Nhìn từ xa, bản Pác Ngòi đẹp như một bức tranh quê hương bình dị với những ngôi nhà sàn nằm ven bờ nước, trên nóc nhà lơ thơ ngọn khói chiều, những người nông dân cần cù đánh lưới, những chú trâu lang thang gặm cỏ. Thuyền cập bến vào một ngôi nhà sàn trong làng. Đặt chân trên nền cỏ hoang sơ, nhiều người trong đoàn chột dạ, bấm nhau to nhỏ không biết liệu tối nay mình sẽ ngủ như thế nào. Nhưng lo lắng ngay lập tức biến mất khi các thành viên trong đoàn nước vào ngôi nhà sàn đầu tiên và nhìn thấy những bộ chăn đệm trắng tinh, thơm tho được gấp gọn gàng, ngăn nắp. Cạnh đó, khu ăn uống được bố trí khá chuyên nghiệp vừa hiện đại, vừa bình dị với những bộ bàn ghế thường thấy ở các quán cà phê để du khách ngồi uống nước ngắm hồ, bên cạnh là tủ lạnh đựng đồ uống, xen lẫn các vật dụng của người dân tộc như đồ se sợi, tù và, bình hồ lô.
Trong phòng ăn còn có 1 tủ đựng các loại sách, báo, tranh ảnh, đĩa CD giới thiệu về mảnh đất, con người, du lịch tỉnh Bắc Kạn và 1 tủ kính đựng đồ lưu niệm như túi thổ cẩm, thuyền độc mộc… để khách hàng thoải mái lựa chọn. Khu vệ sinh của ngôi nhà sàn cũng được xây dựng khá hiện đại với 6 phòng, trang bị đầy đủ thiết bị và nước nóng phục vụ du khách. Phía ngoài, gia chủ chuẩn bị sẵn khăn khô, sạch để du khách sử dụng sau khi tắm. Bữa ăn tối đầu tiên trên nhà sàn để lại ấn tượng thú vị với những món ăn truyền thống của người dân trong bản và đặc sản cá hồ. Chủ nhà tiếp đãi khách rất tận tình khiến đoàn chúng tôi có cảm giác thoải mái như đang ở nhà.
Sau bữa ăn tối, các thành viên trong đoàn quây quần bên nhau trò chuyện, cảm giác đầm ấm, gắn kết khiến mọi người quên hết những vướng mắc, lo toan của cuộc sống thường nhật. Lúc này, chúng tôi mới có thời gian trao đổi với gia chủ. Anh Ngôn Văn Sơn, chủ nhà sàn giới thiệu: Bản Pắc Ngòi có 96 hộ dân với khoảng 400 nhân khẩu, trong đó có 18 gia đình làm du lịch cộng đồng. Gia đình tôi bắt đầu trở thành điểm lưu trú của khách du lịch từ năm 1995; năm 2003, bản có điện, hoạt động du lịch phát triển hơn. Để phát triển du lịch chuyên nghiệp, năm 2004, tôi đi học nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng, học tiếng nước ngoài và năm 2012, được lựa chọn tham gia hội thảo về du lịch cộng đồng bền vững tại Pháp do tổ chức Accueil Paysan (Pháp) tổ chức.
Ngoài dịch vụ lưu trú, ăn uống, 18 gia đình trong bản còn giúp du khách trải nghiệm các công việc hàng ngày (chài lưới, mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm các nhạc cụ truyền thống...), đưa khách lên rừng thăm bản người Dao, lái xuồng đưa khách tham quan thưởng ngoạn vẻ đẹp kỳ vĩ của hồ Ba Bể… Bên cạnh đó, đội văn nghệ bản Pác Ngòi cũng được thành lập để biểu diễn phục vụ khách các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống (hát then, hát sli, lượn, đàn tính, múa khèn). Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã phục vụ hơn 1.000 lượt khách người nước ngoài và hơn 500 lượt khách người Việt Nam.
Chúng tôi tiếp tục chuyến du lịch vào buổi sáng hôm sau. Các thành viên trong đoàn đi xuồng tham quan các điểm du lịch quanh hồ và thưởng thức đặc sản của vùng cao Bắc Kạn. Do hồ Ba Bể và vùng phụ cận sông Năng có khá nhiều tôm, tép nên tôm chua là một món đặc sản. Tôm chua ở Ba Bể có một hương vị rất riêng biệt. Người ta thường ăn tôm chua với thịt ba chỉ luộc thái mỏng, kèm khế chua, chuối chát, nem thính tai heo, đọt đinh lăng chỉ, rau sống, rau rừng... Giữa khung cảnh thiên nhiên, non xanh nước biếc của Ba Bể, nhấm miếng tôm chua, uống rượu ngô, mọi người sẽ cảm nhận được hương vị đậm đà của thịt ba chỉ, vị cay nồng, lừng lựng của tỏi ớt, vị thơm của riềng, hòa chung với vị ngọt dịu, thấm đẫm của tôm chua thật vô cùng hấp dẫn. Bên cạnh tôm chua, vùng quê này còn có đặc sản cơm lam, bánh quai chảo, bánh khảo, bánh lá ngải, măng khô…, du khách có thể mua về làm quà.
Qua chuyến du lịch ở bản Pác Ngòi, hồ Ba Bể, chúng tôi thấy nhiều điều đáng suy ngẫm về việc phát triển du lịch cộng đồng ở Thái Nguyên. Tỉnh ta có nhiều cảnh đẹp như hồ Núi Cốc, những thác nước ven Vườn Quốc gia Tam Đảo ở Đại Từ, trải nghiệm hái, chế biến chè ở vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), tham quan Nhà tưởng niệm Bác Hồ - ATK Định Hoá… Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng chưa thực sự hiệu quả, người dân chưa có cách tổ chức du lịch chuyên nghiệp. Để khai thác thế mạnh về du lịch, bên cạnh sự quan tâm nhiều hơn của chính quyền các cấp, người dân cần đi tiên phong, thay đổi tư duy và có cách tổ chức bài bản hơn. Chúng tôi vẫn nhớ lời chia sẻ của anh Ngôn Văn Sơn, chủ nhà sàn ở bản Pắc Ngòi: “Chúng tôi vẫn là nông dân, hằng ngày vừa trồng cấy, vừa tiếp đón du khách. Du lịch ở hồ Ba Bể là trải nghiệm cuộc sống nông thôn, phần lớn du khách nước ngoài đều muốn được tự đánh cá, cày cấy, se sợi, dệt vải… Vì vậy, chủ nhà vừa phải tiếp đón tận tình, tổ chức chỗ ăn, ngủ, vệ sinh tốt, vừa có vốn ngoại ngữ để hướng dẫn khách du lịch nước ngoài, vừa phải duy trì nghề nông”.