Giải pháp nào để làng nghề phát triển?

14:59, 05/10/2015

Những giá trị tinh hoa của nghề truyền thống từ bao đời nay là một phần không thể thiếu trong di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên hiện nay, các làng nghề đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, không ít nghề cổ truyền đã và đang đứng trước nguy cơ mai một, đòi hỏi có những giải pháp kịp thời, thiết thực để các làng nghề tồn tại và phát triển trong tình hình mới.

Theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, nước ta có hơn 400 làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế, làng nghề Việt Nam được tiếp thêm sức sống mới với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tại các làng nghề ra đời nhiều công ty mới, sản xuất được mở rộng cùng các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường quốc tế, có năm kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của các làng nghề đã lên tới một tỷ USD, thu hút hàng triệu lao động.

 

Tuy nhiên, làng nghề truyền thống đang phải giải quyết hàng loạt những khó khăn như: thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, chưa có nguyên liệu ổn định, phải giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường… Trong đó khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, không chỉ riêng ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới đã xảy ra tình trạng sản phẩm công nghệ, máy móc đang lấn át, thay thế hàng loạt các sản phẩm thủ công. Hàng thủ công muốn tồn tại và phát triển phải dựa thế mạnh của mình tức là sản phẩm phải hàm chứa yếu tố văn hóa cao, mang bản sắc dân tộc. Đã đến lúc không thể chỉ chú trọng số lượng mà chất lượng sản phẩm phải được nâng cao, thể hiện dấu ấn sáng tạo và sự tài hoa của các nghệ nhân.

 

Để đáp ứng những điều nêu trên, trước mắt các làng nghề cần tạo ra sản phẩm đặc trưng, gắn với thị trường trong nước và hướng ra thị trường quốc tế.

 

Muốn vậy, sản phẩm của làng nghề cần phải xây dựng được thương hiệu. Sản phẩm làng nghề Việt Nam chưa có thương hiệu đã hạn chế rất nhiều khả năng tiếp cận thị trường, trong khi phần lớn sản phẩm phải qua khâu trung gian hoặc chỉ đóng vai trò làm gia công. Muốn xây dựng thương hiệu cho nghề truyền thống thì nghệ nhân giữ vai trò vô cùng quan trọng với các bí quyết nghề nghiệp được thừa hưởng, trao truyền qua các thế hệ. Điều này đã được minh chứng qua những sản phẩm thủ công Việt Nam đã và đang có mặt ở nhiều bộ sưu tập cổ của các bảo tàng trong nước và quốc tế. Với một bề dày lịch sử như vậy, các nghệ nhân làng nghề có đầy đủ điều kiện để tạo dựng nên những thương hiệu cho sản phẩm nghề truyền thống Việt Nam, song để thực hiện cũng cần một cơ chế hỗ trợ, thu hút nghệ nhân, đầu tư kinh phí cho việc xây dựng thương hiệu.

 

Nhận thức được những khó khăn, thách thức của các làng nghề, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện ba giải pháp đổi mới, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề nước ta. Thay đổi đầu tiên là về phương thức sản xuất, chuyển các hộ làng nghề từ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm độc lập, sang mô hình hộ cá thể liên kết, hợp tác để thiết kế sản phẩm, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa giảm chi phí, giá thành sản phẩm và hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường. Đồng thời tổ chức cung ứng và phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ hoặc nhập khẩu hợp lý, giảm chi phí đầu vào của sản xuất. Việc liên kết hợp tác cần được thực hiện theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, các Hội nghề ở các làng nghề hoặc liên kết giữa doanh nghiệp đầu đàn và các hộ làng nghề làm vệ tinh.

 

Một trong các yếu tố quan trọng của giải pháp là đổi mới thiết kế và công nghệ, vừa phát huy các yếu tố truyền thống, bí quyết về vật liệu, công nghệ, kỹ thuật, vừa đáp ứng các nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của xã hội ngày nay và của khách hàng đến từ các nước, trong đó có các du khách. Muốn vậy, cần quan tâm hiện đại hóa, không ngừng đổi mới thiết kế sản phẩm, làm cho giá trị sử dụng của sản phẩm gắn với giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc. Tất nhiên, tất cả những giải pháp nêu trên đều cần có sự phối hợp và hỗ trợ của Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp mới thật sự mang lại hiệu quả.