Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân Việt Nam từ bao đời nay, Vua Hùng là vị Tổ đã có công dựng nên nước Văn Lang - Nhà nước đầu tiên, sơ khai của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân Việt Nam, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể, vừa là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng nhau dựng nước và giữ nước.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Tổ chức Văn hóa Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh sự tự hào, những nhà quản lý văn hóa và cộng đồng đang đứng trước trọng trách bảo tồn và trao truyền di sản tâm linh của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, n gày 6/12/2012, tại Pa-ri, Tổ chức Văn hóa Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Phú Thọ, mà còn là niềm vui chung của cả dân tộc Việt Nam trước sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Bên cạnh đó, T ín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ là việc thực hành nơi cao nhất mà còn sống trong lòng dân, sống trong cộng đồng. Và ở các địa phương, vùng quê, người dân cũng được thể hiện tình cảm, tri ân của mình đối với các Vua Hùng có công dựng nước.
Sau 3 năm được vinh danh, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại. Theo đó, tỉnh Phú Thọ cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; công bố kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình hành động quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó không những để bảo tồn, phát huy giá trị Di sản mà còn là thực hiện cam kết với UNESCO về bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể này.
Theo thống kê, hiện nay, trên lãnh thổ Việt Nam có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Riêng Phú Thọ có 326 di tích thờ cúng Hùng Vương, mẹ, vợ, con, các tướng lĩnh liên quan đến Vua Hùng. Thông qua kiểm kê để nắm được tổng thể và thực trạng không gian Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, từ đó có biện pháp bảo tồn, khôi phục và phát huy những di tích văn hóa này.
Lễ hội Đền Hùng gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức vào đầu tháng 3 âm lịch hàng năm là một trong những hình thức biểu đạt tập trung nhất của tín ngưỡng thờ Tổ, là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thông qua đó, có thể giới thiệu và tôn vinh những giá trị to lớn của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đến bạn bè trong và ngoài nước; đồng thời cũng khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt…
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt đề tài khoa học "Điều tra, nghiên cứu phục dựng và chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" với sự tham gia của các nhà khoa học, làm căn cứ chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để thực hành tại các di tích thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và các di tích thờ cúng Hùng Vương trên phạm vi cả nước. Trong năm 2014, tại những nơi có di tích thờ cúng các vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trong cả nước đã tổ chức dâng hương.
Công tác tuyên truyền, quảng bá tổ chức các nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng trên phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Qua đó, giúp nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về di sản, nâng cao trách nhiệm cùng nhau bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ.
Theo ông Nguyễn Duy Anh, Phó Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, sau khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê khoa học các di tích thờ cúng Hùng Vương; sưu tầm các truyền thuyết, các sắc phong, ngọc phả, tài liệu Hán Nôm, các nghi thức, trò diễn; khôi phục một số lễ hội dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như: Lễ hội Trò Trám, lễ hội làng He, lễ rước vua về làng ăn tết, lễ rước ông Khiu bà Khiu, lễ hội ném chài, lễ hạ điền và tín ngưỡng phồn thực, lễ dâng bánh chưng - bánh dầy... Đồng thời thực hiện tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng đúng tiến độ theo quy hoạch phát triển mở rộng đến năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ xây dựng, khôi phục một số di tích thờ cúng Hùng Vương ở các xã vùng ven Đền Hùng như: Đình Cả ở xã Tiên Kiên (huyện Lâm Thao), đình Thanh Đình ở thành phố Việt Trì...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hà Kế San cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình quốc gia về "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" theo Công ước UNESCO năm 2003 đã khuyến cáo. Cụ thể: Vừa huy động sự tham gia tối đa của cộng đồng trong việc giữ gìn, sáng tạo và chuyển giao di sản, vừa nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp trong việc bảo vệ di sản để việc bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành hình mẫu trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống ở nước ta. Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng các tuyến du lịch, gắn di sản văn hóa với du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương và các di tích lịch sử thờ Vua Hùng cùng các nhân vật thời Hùng Vương trong cả nước.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương luôn sống trong lòng mỗi người dân, trong cộng đồng người Việt Nam, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể, là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cùng dựng nước và giữ nước./.