Gặp những đờn ca tài tử xứ trà

08:35, 09/01/2016

Ôm cây đờn kìm, nghệ sĩ (NS) Nguyễn Thị Thanh khuơ nhẹ ngón tay mềm trên khuông đờn, tạo thành dòng âm thanh rộn ràng với những cung bậc tươi trẻ. Mọi người ngồi bên bàn trà cùng cất tiếng hát: “Nhìn bao nương chè bát ngát/Trải ra xanh thắm mượt mà/Kìa bao búp non xanh đang trổ dày/Đàn chim ríu ran gọi bày”… Lời bài hát cải lương: “Hương vị đất trời, chè Thái Nguyên quê em” do nghệ sĩ Hà Thành soạn lời theo điệu Thu hồ từng làm bao người nghe mê mẩn.  

NS Hà Thành nói như tâm sự: Mình là dân xứ trà, đi đâu cũng tự hào là dân vùng trà, vậy mà bao năm uống trà, đàm đạo về trà vậy mà trăn trở bao năm mình mới nảy được thành lời bài hát này. Đó là dạo giữa vụ chè năm 2014, mình đi thăm bạn ở Tân Cương, “tức cảnh sinh tình”, lời thơ, ý nhạc ùa về lai láng như suối chảy, gió gieo, về nhà vội chép lại rồi cùng bạn bè đờn, ca.

 

Khi sáng tác bài hát: “Hương vị đất trời, chè Thái Nguyên quê em”, NS Hà Thành 76 tuổi, nhưng ca từ, ý nhạc trẻ trung, sôi động. Tôi bảo: Đời người NS luôn có một thế giới tâm hồn riêng, trẻ trung, vô tư, giàu cảm xúc, biết rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên, con người… Chiêu ngụm trà để tìm một cảm giác khoan khoái buổi ban mai, NS Lê Đình Cử, 83 tuổi nói trong hơi thở nhẹ nhõm: Thời gian trôi mau, tất cả những người trong Đoàn Cải lương năm ấy, nay đều đã lên thiên chức ông bà, nhiều người có cháu gọi bằng cụ. Dù tiếng đờn kìm, câu hát cải lương không còn được cất lên ở buổi công diễn, nhưng chúng tôi, những nghệ sĩ đờn ca xứ trà vẫn gắn bó với nhau, để cùng được đờn, ca, giãi bày nỗi nhớ về một niềm đam mê nghệ thuật.

 

Khát vọng bỏng cháy được nhen nhóm từ lòng người, sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều những ngọn lửa tầm thường giả dối. Hơn nữa, ngọn lửa ấy được nuôi dưỡng bằng tâm hồn người NS, nên từ bao năm nay, tiếng đờn, lời ca của một vùng đất phương Nam vẫn như ngọn lửa sửa ấm bao tâm hồn người Việt Bắc. Bởi thế, khi nhiều dòng nhạc hiện đại từ các nước trên thế giới du nhập vào đời sống văn hoá tinh thần của người dân, song vẫn còn có rất nhiều bạn trẻ thuộc nằm lòng những bài hát kinh điển của dòng ca cải lương Nam Bộ, như: “Dạ cổ hoài lang” của cố nghệ sĩ Cao Văn Lầu và các bài: “Tần Quỳnh khóc bạn”; “Bạch Thu Hà”; “Áo em chưa mặc một lần”… Cho dù “môn đệ” của dòng đờn, ca tài tử xứ trà không nhiều, nhưng cái chất thi vị của dòng nhạc này làm không ít người đau đáu mẩn mê, muốn làm “môn đồ” song chưa tầm được thầy giỏi.

 

NS Trần Văn Trầm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cải lương Thái Nguyên kể: Đoàn Cải lương được thành lập và tồn tại ở xứ trà 12 năm. Theo Quyết định của UBND tỉnh, Đoàn được thành lập ngày 3-2-1952, tại Phố Giá (Phổ Yên), lấy tên Đoàn Cải lương Quyết Tiến. Đoàn do Ty Tuyên truyền, Thông tin Thái Nguyên quản lý. Năm 1963, Đoàn đổi tên là Đoàn Cải lương Bắc Thái. Cuối năm 1979, Đoàn Cải lương hoàn thành xứ mạng lịch sử của mình và được sát nhập vào Đoàn Kịch nói Thái Nguyên.

 

Đành là nghệ thuật cả, nhưng gập gợi đầy thăng trầm, anh chị em NS gọi nôm na là chéo giò, tích khó diễn, không ít NS chấp nhận bỏ nghệ thuật ra đời bươn trải kiếm sống… Và không thuận lợi như các đoàn nghệ thuật được thành lập trên đất Thái Nguyên, Đoàn Cải Lương Quyết Tiến được khai sinh từ một gánh hát dong, vậy mà áo mão vào cũng “thành cơm, thành cháo”, làm nức lòng bao người hâm mộ.

 

NS Trần Văn Trầm tiếp tục câu chuyện: Chúng tôi chỉ nhớ khi đó gọi là gánh hát anh Dong. Anh Dong người gốc Hải Dương, từ nhỏ đã gặp được các nghệ nhân hát cải lương “đàng trong” ra Bắc truyền dạy lại, rồi trở thành người mang nợ với cải lương. Vì mê tiếng đờn, ca, chị Nghĩa, con gái của một địa chủ trong vùng đã mang lòng yêu thương, nguyện kết nghĩa tào khang, chấp nhận theo chồng dong duổi, bươn trải với gánh hát. Theo đam mê công chúng, vợ chồng anh cùng các thành viên của gánh hát phiêu bạt đến Thái Nguyên, và dừng lại ở đây lập nghiệp. Chính vì thế, khi tỉnh có chủ trương thành lập Đoàn Cải lương, những người làm công tác quản lý nghệ thuật của tỉnh đã nghĩ ngay đến gánh hát anh Dong. Nhưng ngặt nỗi, chị Nghĩa, vợ anh Dong “lại là” con của thành phần địa chủ. Vì sự nghiệp nghệ thuật chung, anh Dong tự nguyện nhường gánh hát lại cho: Bạch Trà, Ngô Mạn, Thọ An, Tư Châu, Hoàng Vân, Kim Anh, Huỳnh Sửu, Thu Dung và các bạn trẻ khác có năng khiếu về đờn, ca cải lương. Sau này, nhờ có sự truyền dạy của các bậc tiền bối, trong đó có vợ chồng anh Dong, họ đều trở thành những NS có tên tuổi trong làng cải lương đất Bắc.

 

Theo NS Trần Yên Bình: Kể từ ngày thành lập đến ngày giải thể Đoàn vẻn vẹn 12 năm, nhưng đó là giai đoạn lịch sử đáng được sống, được phụ vụ. Các NS trong Đoàn vinh dự phục vụ 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Nhiều NS của Đoàn anh dũng ngã xuống trên đường đi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân như: Vũ Văn Song, Dương Thị Lựu, Hoàng Thị Tuyết Mai… Sau 2 cuộc kháng chiến, các NS của Đoàn còn được tham gia biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các miền biên cương Tổ quốc. Các vở diễn: “Giải phóng Thành Lâm Chi”, “Ông già yêu nước”; “Lá huyết thư”; “Tiếng trống Mê Linh”; “Sầu vương biên ải”… Đặc biệt là các vở cải lương ca ngợi vùng đất, con người Việt Bắc, như vở: “Nùng  Văn Vân”; “Người du kích áo chàm” và vở “Bà mẹ bên sông”… Có những vở diễn như: “Mật danh A 20”, các NS của Đoàn liên tục công diễn 10 đêm theo yêu cầu của cán bộ, bộ đội và đông đảo nhân dân…

 

Kể đến đây, NS Trần Yên Bình lặng đi giây lát, như muốn để đọng lòng mình những phút giây được “tỏ mặt sáng đèn” với cải lương. Vở “Mật danh A 20”, anh vào vai Đại uý Hiệp, một sĩ quan tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam cài cắm vào đội ngũ của địch được anh và các đồng nghiệp vào vai thành công. Anh dừng lời, thở phào: “Mật danh A 20” cũng là đêm diễn cuối cùng của Đoàn ở một điểm tựa tiền tiêu phía Bắc. Dù chúng tôi biết: Sau đêm diễn ấy, Đoàn Cải lương Bắc Thái chính thức bị xoá tên, và để hồi sinh bằng một loại hình nghệ thuật sân khấu khác. Nhưng tất cả chúng tôi đã có một đêm diễn “cháy hết mình” trên sân khấu.

 

Thời gian trôi nhanh, những kỷ niệm đẹp về một thời với cải lương của mỗi người còn như mới hôm qua. Bởi không còn là chuyên nghiệp, nên tất cả họ - những người mê đờn, ca cải lương thành tài tử xứ trà. Trong bươn trải mưu sinh, dù bận rộn đến mấy, những NS cải lương vẫn ôm cây đờn kìm, cất vang câu hát như con chim nhớ mẹ. Năm 2005, 24 NS trong Đoàn Cải lương của tỉnh đã gặp nhau, cùng thành lập nên một câu lạc bộ dành cho người yêu thích cải lương. Ở đây, họ được đờn, ca và chia sẻ với nhau những yêu thương và niềm đau riêng. Ông Nguyễn Quang Thông, 86 tuổi, Chủ nhiệm danh dự Câu lạc bộ Cải lương Thái Nguyên co biết: Tôi mê tiếng đờn kìm, mê câu hát cải lương nên tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ. Tôi là một trong 35 thành viên của Câu lạc bộ Cải lương Thái Nguyên bây giờ. NS Trần Văn Trầm cho biết thêm: Hiện Câu lạc bộ có 8 NS trước đây công tác ở Đoàn Cải lương của tỉnh, còn 27 thành viên là những người yêu thích đờn, ca tài tử tự nguyện tham gia.

 

Ông dừng lời, ôm cây đờn kìm, hát theo điệu thu hồ: “Nâng cánh buồm chè vượt đại dương/Tình quốc tế bè bạn bốn phương/Đây nhãn hàng thương hiệu Việt Nam/Trời Âu, Á xa gần biết tên”… Lời hát trong sáng, giai điệu vui tươi như đưa chúng tôi về một vùng chè bát ngát xanh. Và chúng tôi biết, từ 3 năm gần đây, các thành viên Câu lạc bộ Cải lương Thái Nguyên đã tự sáng tác nhiều bài hát quảng bá về cây chè Thái Nguyên, tự tổ chức đờn, ca để ghi lại vào băng đĩa. Trong không khí vui tươi, NS Nguyễn Thị Thanh và các đờn ca tài tử xứ trà như trẻ hơn so với tuổi đời rất nhiều. Bởi tiếng đờn, lời ca của các thành viên Câu lạc bộ từ lâu được chắp cánh bay cao, bay xa trên sóng phát thanh, truyền hình của trung ương và địa phương. Nên dù không có sàn diễn chính thức, những đờn, ca tài tử xứ trà Thái Nguyên vẫn đầy nhiệt huyết, giống như chú chim hoạ mi cất tiếng hót trong veo gọi ánh bình minh mỗi ngày.