Không phải là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhưng ông Nguyễn Văn Hiến, 65 tuổi, ở tổ 30, phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên vẫn dành phần lớn thời gian mỗi ngày để phục dựng những mô hình nhà của 54 dân tộc Việt Nam để phục vụ trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ông làm công việc này bằng tất cả vốn hiểu biết và tâm huyết của mình với một suy nghĩ giản đơn là giữ hồn làng Việt trong mỗi nếp nhà, để các thế hệ sau này được biết và trân trọng.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hiến chia sẻ: Trong quá trình tham gia bộ đội, biên chế ở Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đóng quân ở Tây Ninh, ông đã rất thích tìm hiểu về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc ở khu vực này. Và với năng khiếu hội họa từ nhỏ nên ông thường lưu giữ các hình ảnh về ngôi nhà của các dân tộc qua các bức vẽ của mình. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông lại tiếp tục làm nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn và học Đại học Tổng hợp T.P Hồ Chí Minh khoa Lý luận chính trị. Đến năm 1980, ông giải ngũ trở về quê nhà Thái Nguyên và trở thành giảng viên Khoa Triết học Mác - Lê Nin, Đại học Thái Nguyên. Trong quá trình giảng dạy, ông thường xuyên đi dạy liên kết tại các tỉnh phía Bắc và có thêm nhiều cơ hội được tìm hiểu văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc nước ta. Hình ảnh những ngôi nhà của dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao đã lưu vào tâm trí ông như một lẽ tự nhiên.
Thế rồi như có cơ duyên, cách đây gần 20 năm, ông được Bảo tàng Việt Bắc, nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tin tưởng nhờ đảm nhận việc phục dựng những mô hình nhà truyền thống của các dân tộc Việt Nam để trưng bày tại Bảo tàng. Đến tháng 9-2015, khi nhu cầu trưng bày và triển lãm lưu động của Bảo tàng ngày càng tăng cao, Ban Giám đốc Bảo tàng lại nhờ ông phục dựng lại toàn bộ mô hình nhà truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Ông vui vẻ nhận lời và giành hết tâm huyết cho công việc này.
Để có thể phục dựng được 1 ngôi nhà truyền thống của 1 dân tộc, ông Hiến phải dày công tìm kiếm nguyên vật liệu là tranh, tre, nứa, cỏ gianh ở khắp các địa phương trong tỉnh. Mặc dù đây đều là những nguyên liệu dễ tìm thấy ở các cửa hàng nhưng theo ông thì để đảm bảo chất lượng cũng như thẩm mỹ của sản phẩm thì tất cả các nguyên liệu đều phải được chẻ và đan thành tấm khi còn tươi nguyên. Chính vì yêu cầu khắt khe này nên cứ làm đến đâu, ông lại phải đi kiếm nguyên vật liệu đến đó, có khi nhờ cả gia đình, họ hàng ở quê để phụ giúp khâu tìm, chọn nguyên liệu. Công việc được làm hoàn toàn thủ công và đòi hỏi sự cẩn thận, tinh tế, cầu kỳ ở từng chi tiết, nhưng không lúc nào ông cảm thấy nản lòng hay cho phép mình làm ẩu, làm nhanh. Trung bình khoảng 10-15 ngày, ông Hiến mới hoàn thành 1 mô hình nhà. Làm xong mà thấy chi tiết nào chưa ưng hay chưa đúng với bản sắc văn hóa của dân tộc, ông lại kỳ công chỉnh sửa cho thật hoàn hảo trước khi bàn giao cho Bảo tàng. Với bản tính cẩn thận và tâm huyết nên các sản phẩm của ông làm ra đều được Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đánh giá cao.
Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nói: “Để làm được 1 ngôi nhà có hồn và đúng như thật thì phải có sự đam mê, nếu không đam mê thì không thể làm được. Với thiết kế dân gian thì thường không có thiết kế ban đầu, mà họ chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian như 1 tấc, 2 tấc theo thước lỗ ban ngày xưa. Bởi vậy, phải là người có kiến thức về văn hóa tộc người, về kiến trúc dân gian thì mới có thể làm được. Mặc dù chưa được phong nghệ nhân dân gian nhưng trong lòng chúng tôi đã coi anh Hiến là nghệ nhân dân gian”.
Từ xưa đến nay, ngôi nhà truyền thống là công trình biểu trưng cho văn hóa của từng dân tộc để khi mở mỗi chiếc cửa nhà, chúng ta sẽ được khám phá rất nhiều câu chuyện văn hóa của từng gia đình người Việt Nam. Sự đa dạng của các ngôi nhà truyền thống góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa của đất nước. Và trong xã hội hiện đại, khi các ngôi nhà tranh, tre, nứa, lá truyền thống đang dần bị thay thế bởi các ngôi nhà xây tường gạch thì việc bảo tồn các ngôi nhà truyền thống dưới dạng mô hình nhỏ, trưng bày trong Bảo tàng đang trở nên rất cần thiết. Trao đổi vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngân cho biết thêm: “Việc bảo tồn các mô hình nhà để phục vụ công tác trưng bày, triển lãm của Bảo tàng sẽ góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, giúp mọi người hình dung được sự sáng tạo văn hóa của tộc người qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là một thời gian dài gắn với kinh tế tự cung tự cấp và đặc biệt gần gũi với thiên nhiên”.
Và để làm được điều này, ông Nguyễn Văn Hiến - “nghệ nhân dân gian” theo cách gọi của bà Nguyễn Thị Ngân, đã đóng góp công sức không nhỏ để giữ hồn Việt trong mỗi nếp nhà.