Người săn tìm báu vật của đồng bào dân tộc Sán Dìu

11:09, 27/01/2016

15 năm săn tìm những cuốn sách cổ chép câu hát Soọng cô; lặng lẽ dịch nghĩa từ chữ Hán sang lời dân tộc Sán Dìu và lời Việt. Ông đã làm việc cả những lúc đầu óc đau ê ẩm do vết thương chiến tranh để lại nhưng chưa bao giờ than phiền, kể khổ. Ông là Diệp Minh Tài, 76 tuổi, người dân tộc Sán Dìu, được bà con ở xóm Tam Thái, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) gọi là người săn tìm báu vật cho dân làng.

Choàng thêm chiếc áo ấm, ông ngồi vào bàn làm việc, đăm chiêu đọc, dịch từ bản chữ Hán cổ chép bằng mực Tàu trên nền giấy dó. Giây lát, ông đặt cây bút xuống mặt bàn, quay sang bảo với mọi người: Nếu cứ dịch cho đúng nghĩa thì câu hát Soọng cô không hay, nên khi dịch, tôi luôn cố gắng tìm từ sát nghĩa, nhưng đảm bảo không bị sai với văn bản gốc.

 

Ông đã làm công việc của một người dịch sách từ rất nhiều năm nay. Nhưng để có những cuốn sách viết chữ Hán cổ, lưu câu hát Soọng cô - báu vật của đồng bào người dân tộc Sán Dìu, ông phải bỏ ra nhiều công sức, đi giữa rừng đời, giống như một thợ săn, nhưng là người thợ săn tìm hồn cốt, đạo lý văn hoá của một dân tộc, với mong muốn tìm được nhiều báu vật văn hoá Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu, để đóng góp vào kho tàng văn hoá chung của dân tộc Việt Nam thêm đày đặn.

 

Là nông dân, nhưng trong ông chất chứa một tâm hồn thi sĩ. Từ thuở nằm nôi, ông đã được mẹ cha ru hời bằng câu hát Soọng cô. Lúc lẫm chẫm tập đi, khi bi bô học nói, ông đã được người thân dạy cho hát đồng dao. Năm 16 tuổi, ông theo các đàn anh của làng đến các xóm, bản có đồng bào dân tộc Sán Dìu hát giao duyên. Tuy nhỏ tuổi, nhưng ông có chất giọng đằm lòng khiến nhiều bạn hát mê mẩn. Ông bảo: Mê hát là thế, vậy mà 35 năm tôi không hát Soọng cô. Vì từ năm 1965 đến năm 2000, cuộc đời tôi trải nếm nhiều thử thách, với 10 năm quân ngũ; 7 năm làm công chức huyện Đồng Hỷ, rồi vì yếu sức khoẻ do thương tật, tôi được Nhà nước cho về nghỉ mất sức, cùng vợ lo làm 7 sào ruộng nuôi các con ăn học.

 

Những tưởng ông đã quên hẳn câu hát, nhưng cái duyên nợ nó vận vào cuộc đời. Dịp xuân năm 2001, con trai ông, anh Diệp Trương Dương, học viên Trường Sĩ quan Lục quân I về ăn Tết cùng gia đình. Anh Dương mang theo về chiếc máy vi tích xách tay, hướng dẫn cho bố cách sử dụng máy vi tính, cách vào mạng internet. Ông Tài thích lắm, vào mạng tìm hiểu về phong tục tập quán của dân tộc mình, về những làn điệu Soọng cô, như hát giao duyên, hát tong bênh (tòng quân), hát đồng dao, hát ru… Những câu hát lại hút hồn ông, thôi thúc ông phải vào cuộc kiếm tìm, khôi phục lại nét đẹp văn hoá của câu hát Soọng cô đang dần bị thất truyền.

 

Kể từ đó, ông bắt đầu với những chuyến đi không mệt mỏi để săn tìm lời hát mang hồn cốt của dân tộc mình. Bà Trương Thị Loan, vợ ông kể: Cứ cái xe đạp, ông nhà tôi đi ra khỏi nhà từ sáng sớm. Có hôm ngồi đợi cơm đến khuya mới thấy ông lọc cọc về đến nhà. Về sau, vợ chồng thống nhất: Cơm đến bữa là ăn, tối đến giờ là ngủ, thế là ông nhà tôi đi vài ba hôm, có những đợt đi cả tuần mới về đến nhà. Giận chồng lắm, nhưng thương nhiều hơn, bởi thân già chẳng quản mưa nắng, cứ một mình lọc cọc đạp xe đường trường, là vợ, không lo lắng sao được.

 

Ông cắt ngang dòng cảm xúc của vợ bằng cách tiếp tục câu chuyện: Biết chồng đi tìm vật báu của dân tộc mình, bà nhà tôi luôn ủng hộ. Chuyến đi nào bà cũng dúi thêm cho tôi ít tiền phòng khi đi đường, hoặc đến nhà bạn bè thăm nom thì mua quà cho người già, trẻ nhỏ. Mà kể cũng liều, tôi đi làm công việc này chẳng có thứ giấy tờ giới thiệu của cơ quan nào của Nhà nước. Nhưng tôi cứ đi, vì việc tôi làm xuất phát từ động cơ trong sáng, không vụ lợi riêng tư.

 

Giống như người “mò kim đáy bể”, ông đạp xe lang thang giữa dòng đời bận rộn, tìm đến các xóm, bản của tỉnh Thái Nguyên, nơi có người dân tộc Sán Dìu sinh sống để lân la làm quen, trò chuyện, tìm hiểu về đời sống văn hoá, tinh thần của bà con. Từ đó, ông tìm ra được những địa chỉ cần đến. Song có một khó khăn là hầu hết những người còn lưu giữ được sách chữ Hán cổ chép câu hát Soọng cô đều là nghệ nhân “quy ẩn” ở làng, họ rất mực cẩn thận và cảnh giác, sợ sách quý rơi vào tay “bọn buôn đồ cổ”, nên chối từ, không nhận sách ấy có trong nhà mình.

 

Không bỏ cuộc, ông đã chinh phục chủ của những cuốn sách quý bằng tấm lòng chân thành của mình. Ông đến nhà, nói chuyện với người già bằng tiếng Sán Dìu, cùng nảy câu hát Soọng cô, cùng hát đối với nhau về cảnh vật thiên nhiên, về tình yêu con người. Khi lòng tin được tạo dựng, ông trình bày rành rẽ với chủ sách về tâm tư, nguyện vọng của mình rằng muốn sưu tầm, sao chép lại những bài hát Soọng cô để lưu truyền cho hậu thế. Bởi đó là một nét đẹp văn hoá độc đáo của người Sán Dìu từng tồn tại, lưu truyền cả ngàn đời nay. Hiểu ra, ai nấy đều hăng hái ủng hộ, cho ông mượn sách quý mang về, hoặc cho người “áp tải” đưa ông đi phô tô lại.

 

Lặng lẽ kiếm tìm trong nhân gian, ông đã sưu tầm được nhiều pho sách quý. Ngoài 1.000 bài hát Soọng cô được các cụ chép bằng chữ Hán cổ, ông còn sưu tầm được những cuốn sách mang nội dung khác, như sách cúng đình làng, cúng tổ tiên, cúng mụ trẻ em, cúng cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu và một số tư liệu lịch sử quý ghi chép về vùng đất, con người Đồng Hỷ. Điều trân trọng là toàn bộ những bài hát Soọng cô bằng chữ Hán cổ sau khi sưu tầm được, ông kiên trì ngồi dịch ra tiếng Sán Dìu và tiếng phổ thông. Nhiều từ Hán cổ chưa hiểu hết nghĩa, ông tìm thầy nhờ dịch hộ. Đến nay, đã có hơn 300/1.000 bài hát được ông dịch hoàn thiện và mang nộp cho Phòng Quản lý Di sản Văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Nhiện, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá cho biết: Năm 2015, hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Đồng Hỷ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Sán Dìu, mà của mọi người dân trong tỉnh Thái Nguyên, trong đó có sự đóng góp rất lớn của cá nhân ông Diệp Minh Tài. Ghi nhận công lao của ông, ngày 13-11-2015, ông được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” đã có cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hoá của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

 

Ông tâm đắc: Tôi dang dịch cuốn “Cong hu”, nghĩa là (Giang hồ). Cuốn sách có 44 bài hát chính gốc chữ Hán cổ. Từ nền 44 bài gốc này, người hát có thể biến hoá vô biên, từ một thành mười; thành trăm; thành nghìn… Cứ như suối, như sông, lời hát Soọng cô không bao giờ ngừng chảy trên môi của người dân tộc Sán Dìu.

 

Như con tằm rút ruột nhả tơ, nghệ nhân Diệp Minh Tài đã có những chuyến đi không mệt mỏi để săn sách quý. Rồi bao đêm thức trắng tìm ý, chọn lời, chắt lọc lại những tinh hoa của dân tộc mình, chép thành sách, với một tâm nguyện trong sáng là truyền lại cho muôn đời sau.