Đưa cái chén nóng rẫy lên ngang mũi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trầm ngâm: Hương trà đọng ở đây là phần hồn. Còn nước ta uống chỉ là phần xác của chè mà thôi. Cái chén ông Thiều cầm trên tay không có nước, nhưng mùi cốm chè thì ngào ngạt. Sau khi lim dim mắt, hít sâu vào phổi thứ hương thanh tịnh ấy, ông chậm rãi nhấp ngụm trà nhỏ ở cái chén khác. Đó là cách uống chè “úp” lần đầu tôi được thấy.
Gian giới thiệu sản phẩm chè tại Liên hoan Trà lần thứ ba ấm nồng mùi Thái Nguyên - mùi trà. “Trà nương” người đất chè chính cống, có cách pha trà độc đáo, gọi là trà “úp”. Ngoài 6 cái chén thông thường bàn nước nào cũng có, thêm 6 cái chén cao chừng 2 đốt tay, to hơn ngón tay cái. Nước trà nóng rót vào chén cao, úp chén thấp lên trên, đợi khoảng nửa phút thì nhanh tay lật ngược, nhấc chén cao ra. Ta được một chén nước và một chén hương. Đưa chén hương lên mũi thưởng thức mùi trà ngầy ngậy, tinh khôi, thấy lòng bỗng nhẹ nhàng thanh thoát lạ. Chén hương nguội dần trong lòng tay cũng là lúc chén nước vừa độ uống. Cách thưởng trà này khiến ta cảm nhận hết tấm tình chè dâng hiến.
Ở Liên hoan lần này, có một nơi không ồn ào sôi động nhưng vẫn hút nhiều người ngồi nghe, xem hàng giờ đồng hồ, đó là cuộc thi Tea masters cup Vietnam 2015 (tạm gọi là thi Vua chè). Đây là cuộc thi quốc gia lần đầu tiên Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức, quy tụ những nghệ nhân Trà khắp các miền trên đất nước. Dường như còn e ngại ở lần đầu tiên nên Tea masters cup Vietnam 2015 mới có nghệ nhân của 7 tỉnh tham gia. Thái Nguyên đông nhất, 11/25 người; Hà Nội 9 người, còn lại các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hóa, Quảng Nam, T.P Hồ Chí Minh mỗi tỉnh chỉ có một người. Hai ban giám khảo (3 tây, 3 ta) đều là những người nổi tiếng. Giám khảo nước ngoài có ông Ramaz Chanturiya, Giám đốc điều hành Hiệp hội Chè Nga, Giám đốc điều hành Tea Masters Cup; ông William Lee Jae Rim, Giám đốc điều hành, ủy ban chè Hàn Quốc; bà Sharyn Johnston, người sáng lập, giám đốc tổ chức Australian Tea Masters. Giám khảo Việt Nam có nghệ nhân Trà Hoàng Anh Sướng (Hà Nội), người có bộ ấm trà kỷ lục ghinet - ông Mông Đông Vũ (Thái Nguyên); đặc biệt có nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tôi biết ông Trần Đăng Khoa không là người sành trà, việc ông có mặt trong Ban Giám khảo cuộc thi trà đã chứng tỏ trà Thái không thuần là vật chất mà có hồn trà để cảm bằng tâm hồn thi sĩ.
Tôi như bị các thí sinh “mê hoặc” bởi cách họ thể hiện tình yêu với một thức uống là trà. Nếu như thí sinh Nguyễn Thế Hùng (Hà Nội) phô diễn khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh cùng màn tung, lắc chai lọ điêu luyện, thì thí sinh (TS) Đỗ Mạnh Hùng (Đại Từ, Thái Nguyên) dùng chè tôm nõn nhà trồng kết hợp với mật ong rừng, thêm lát hồng sâm Hàn Quốc để dự thi.
Ngoài 6 chén trà mời hai ban giám khảo, người ngồi xem cũng được thưởng thức các loại trà của TS. Trịnh trọng nâng chén trà hồng sâm mật ong do TS Đỗ Mạnh Hùng pha, chị Trần Thị Bình (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên) khum ngón tay che bớt miệng chén cho hương trà bớt tỏa đi, rồi từ từ nhấp một ngụm nhỏ. Chị bảo: Đã nghe gần chục TS thuyết trình về cách pha trà, đã uống gần chục chén trà của cuộc thi này, tôi thấy nhiều điều băn khoăn. Người thì bảo phải pha nước sôi 100 độ chè mới chín, người lại quả quyết chỉ cần 85-90 độ, không nên dùng nước “sôi sùng sục”. Người bảo chỉ cần để 45 giây là có thể “châm trà”, người lại bảo phải 2,3 phút, thậm chí 4 phút trà mới “ngấm”. Sinh ra ở đất chè, nay lại kinh doanh về chè, chị Bình cho rằng sau khi chế nước sôi, phải đợi từ 3 đến 5 phút chè mới ngấm. Trên bao bì hướng dẫn cách pha chè Thái cũng ghi như vậy.
Tôi mang thắc mắc này hỏi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. May quá ông Thiều có một người bạn sành chè nổi tiếng Hà Nội đã “nhìn thấu” ấm chè mà thấy búp chè 3 lần “mở cánh” vào các thời điểm: 2 phút, 3 phút và 5 phút (sau khi ngập trong nước sôi). Từ chi tiết này mà nghĩ, ấm chè chỉ một lần rót (nước 1) rồi bỏ đi là rất phí. 3 lần mở cánh đồng nghĩa với 3 lần nước đậm đà (tất nhiên là còn tùy thuộc vào khẩu vị của từng người).
Cả tôi và chị Bình đều thích phần dự thi của TS Trần Thị Mộng Kiều (TP Hồ Chí Minh). Điềm tĩnh, cẩn trọng và tinh tế đến từng chi tiết, chị Kiều trình diễn cách pha trà ướp trong đóa sen tươi, từng được mệnh danh là Thiên cổ đệ nhất trà. Theo TS Kiều, chè khô nằm trong đóa sen cả một đêm nên đã ẩm, vì thế không cần “đánh thức chè” nữa. Nghĩa là không cần “tráng chè” như những TS trước làm. Tôi thích mê mẩn từ “đánh thức chè” lần đầu được nghe. Chè thực sự không vô tri vô giác là đây.
Xem phần trình diễn của TS Mộng Kiều, chị Bình có một điểm chưa ưng ý: “Sao thí sinh lại mặc áo dài màu đen? Nếu là tôi, tôi sẽ không mặc áo đen đi thi”. Đợi Kiều thi xong, tôi ra xem Kiều tỉ mẩn xếp cất đồ trà. Ấm Bát Tràng, gáo múc nước bằng sọ dừa…đồ dùng đều thuần chất Việt Nam. Tôi hỏi: Vì sao cháu mặc áo đen đi thi? Kiều trả lời nhỏ nhẹ: Dạ, đó là bộ trà phục của đơn vị con ạ. Chúng con thực hiện nghi lễ pha trà theo thuyết âm dương ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), màu đen của áo người pha trà là một trong năm ngũ hành đó ạ.
Chuẩn bị kỹ đến thế, hiểu sâu về chè và cách pha trà đến thế, bài thi “chè sen Tây Hồ” của Kiều đoạt Cúp về pha chế trà là chiến thắng thuyết phục.
Việc các TS Thái Nguyên chưa đoạt Cúp nào trong cuộc thi cũng nói lên nhiều điều. Dường như sự thô mộc, giản dị “cây nhà lá vườn” không phải lúc nào cũng dành ưu thế. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Trong Lễ hội Trà Thái Nguyên vừa qua, tôi đã có may mắn ngồi thưởng trà với chính người trồng chè Thái Nguyên. Họ thật trong sáng, thật chăm chỉ, thật chung thủy với cây chè xứ sở họ và chung thủy với nghề chế biến chè của tổ tiên để lại. Nhưng họ là những người chưa hiểu được cái đặc biệt của chè Thái, chưa hiểu được chè Thái có thể trở thành một giá trị trên thế giới và không biết cách làm cho những búp chè Thái ngự trị trong những ngôi nhà của nhiều quốc gia…”. Nhận xét của người viết bài thơ “Dâng trà” nổi tiếng (Thưa cha con đã dâng trà/Sao cha im lặng như là bóng mây/Để hồn trà khuất đâu đây/Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con) ở trên hẳn khiến nhiều người suy nghĩ.
Uống chè Thái bao giờ thành một nghi lễ thanh tao, một cách sống sâu sắc? Tôi lại nhớ đến buổi Thiền trà do nhà báo, nghệ nhân Trà Hoàng Anh Sướng tổ chức mới đây tại Hiên trà Trường Xuân (13, Ngô Tất Tố, Hà Nội). Trà không còn là thứ nước uống giải khát nữa mà đã thành trà Đạo. Qua chủ đề “Nghệ thuật thiết lập truyền thông và chế tác tình yêu thương, hạnh phúc qua chén trà Việt”, tác giả đã “yểm” nhiều giá trị vào chén trà, những người đến nơi này được hưởng một nguồn năng lượng, để “cảm thấy thư thái hơn, an lạc hơn, nhìn đời với con mắt của HIỂU và THƯƠNG hơn” (lời tác giả bộc bạch).
Cũng như búp chè có đến 3 lần mở cánh trong nước sôi, mỗi Liên hoan Trà là một lần cánh cửa của văn hóa trà Thái được mở ra, rộng hơn, sâu sắc hơn, khiến tôi thấy choáng ngợp trong một niềm tiếc nuối nào đó khó gọi tên.