Tôi đã đi như con dê núi, bám móng vào mỏm đá tai mèo để lên bản người Mông ở Lũng Cà, Lũng Luông, Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai). Leo con dốc tức tưởi phải thúc đầu gối vào ngực khi lên dốc về bản người Mông bản Tèn, Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Vượt dốc đường đến bản Khau Lầu, Pác Máng, xã Định Biên (Định Hoá). Qua khe suối vào bản người Mông Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương)… Đó là những chuyến đi từ hơn chục năm về trước, còn từ 2 năm gần đây, người Mông ở Thái Nguyên đã có đường bê tông về bản, lưng người vơi bớt nhọc nhằn, nhưng còn đó một nỗi niềm khắc khoải, lòng người thao thức nhớ tiếng khèn.
Tôi đã đi như con dê núi, bám móng vào mỏm đá tai mèo để lên bản người Mông ở Lũng Cà, Lũng Luông, Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai). Leo con dốc tức tưởi phải thúc đầu gối vào ngực khi lên dốc về bản người Mông bản Tèn, Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Vượt dốc đường đến bản Khau Lầu, Pác Máng, xã Định Biên (Định Hoá). Qua khe suối vào bản người Mông Đồng Tâm, xã Động Đạt (Phú Lương)… Đó là những chuyến đi từ hơn chục năm về trước, còn từ 2 năm gần đây, người Mông ở Thái Nguyên đã có đường bê tông về bản, lưng người vơi bớt nhọc nhằn, nhưng còn đó một nỗi niềm khắc khoải, lòng người thao thức nhớ tiếng khèn.
Ông Lầu Văn Vình, Trưởng xóm người Mông Chòi Hồng (Tràng Xá, Võ Nhai) cho biết: Với người dân tộc Mông, cây khèn không chỉ là một loại nhạc cụ, mà còn là vật báu biết nói lời núi, lời sông, là tiếng lòng nối với tiếng lòng. Cây khèn còn nói hộ lời yêu thương của người con trai dành cho con gái… Ở Chòi Hồng, ông Vình là người biết thổi khèn, nhưng vừa thổi vừa múa khèn điệu nghệ trong xóm hiện có ông Lý Văn Khìn và ông Mã Văn Lý, đều đã hơn 50 tuổi. Khi có việc sang bản khác thăm bạn, các ông vẫn thường mang theo cây khèn, nhưng ít khi thổi khèn trên đường, mà lúc gặp bạn tòng, ngồi nhẩn nha uống rượu, hưng phấn mới cho cây khèn cất lời.
Tiếng khèn cất lên í í, ồ ồ… âm thanh khi cao, lúc thấp, nhưng liên tục không ngắt ngừng như suối chảy, gió reo. Có lúc tiếng khèn hùng dũng như một đoàn quân xông trận, lúc thì thầm như tiếng ngàn ca, khi thủ thỉ như lời mẹ kể con nghe về thuở cha đi mở đất. Những âm thanh diệu kỳ mang trong đó một thứ men say làm đắm lòng bao cuộc đời. Anh La Văn Día, xóm Mỏ Chì (Cúc Đường, Võ Nhai) cho biết: Cây khèn làm cho cộng đồng người Mông gắn kết bền chặt với nhau, ngay như việc thổi khèn, múa khèn, người chơi có thể múa đơn, múa đôi hoặc múa tập thể. Bạn bè gặp nhau, ngồi uống rượu, thổi khèn thì chẳng có cái thú nào vui hơn… Với tay lấy cây khèn treo trên vách nhà, mười ngón tay nắn phím, miệng bập vào đầu ống, cây khèn chợt thức dậy, cất lời biến hoá bằng thứ âm thanh vời vợi, gợi cho tôi liên tưởng về những tháng ngày người Mông sống đời du cư, du canh, mải miết đuổi rừng, tìm thú. Lời khèn bè bè đầy hoài cổ, kể về tháng năm cực nhọc bà con từ miền biên viễn phên dậu phía Bắc di cư về Thái nguyên lập nghiệp. Trong suốt hành trình gian khổ, dù nặng nhọc đến mấy, người Mông luôn mang theo bên mình cây khèn, để khi vui, khi buồn, lời nhớ, lời thương được cất lên, sẻ chia cùng bầu bạn.
Trước ngày xuân, tôi tìm về bản người Mông ở những ngọn núi của Võ Nhai, Phú Lương, Đại Từ và Định Hoá, từ chân dốc, ngước trông lên đã thấy những cành đào, mận sớm nở khoe hoa. Những ngôi nhỏ nhắn không còn xập xệ, tạm bợ như “cái thuở” bà con mới về đây dựng nhà, tra mố. Đường bê tông lên bản Mông đã lấp đi những chẻm đá tai mèo, xoá đi từng đoạn dốc tức, cho xe máy, ô tô cõng hàng hoá về bản thay sức người. Gặp hôm chợ phiên, bà con người Mông ríu ran lên - xuống núi, nhiều cặp vợ chồng trẻ mặc quần tây, áo sơ mi, đi xe máy đổ dốc ù ù; nhóm người cao tuổi hơn, nhất là cánh phụ nữ xúng xính áo, váy truyền thống thêu dệt thổ cẩm, ngúng nguẩy tạo nhịp cho chân váy xoè tròn như hoa, như nụ. Ông Hoàng Văn Sùng, xóm Bắc Phong, xã Dân Tiến (Võ Nhai), bảo: Cái đường xuống chợ vẫn dài như năm xưa, nhưng bây giờ mình đi không mất nhiều mồ hôi như trước. Vì lúc lên dốc đầu gối không thúc tới ngực, lưng không phải gùi con lợn hay thồ rau. Mình có gì muốn bán đã có người đến nhà mua tại chỗ. Xuống chợ, mình chỉ cần mang theo cây khèn là đủ.
Một lần ngồi uống rượu ở chợ Cúc Đường cùng các bác người Mông từ trên những nóc núi về, gặp nhau, mặt mừng, cầm tay nhau kéo vào quán, rượu uống chung bát, thịt múc chung muôi, chuyện trò hả hê như muốn quên đường về. Chợt ông Dương Văn Lù, từ xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) sang gặp bạn, bảo: Người Mông ta uống rượu, không thấy tiếng khèn, khác nào uống rượu nhắm với nước lã. Câu nói ấy làm mọi người trong mâm bùi ngùi, nghĩ suy và chống chếnh nhớ lời khèn. Từ góc trong, ông Hoàng A Nùng, người Mông xã Động Đạt (Phú Lương) nói lý làm vỡ bầu không khí trầm buồn: Người Mông tự hào với tiếng khèn. Thổi khèn, múa khèn thể hiện được tinh thần yêu văn hoá, nghệ thuật và tinh thần thượng võ. Mà đã là nghệ thuật thì cần phải có năng khiếu, nên đàn ông người Mông không phải ai cũng thổi được khèn. Cũng như người Kinh không phải ai cũng biết hát chèo, hát chầu văn, hát quan họ hay gảy đàn bầu, thổi sáo trúc. Cũng như người Tày, người Nùng có phải người nào cũng biết hát Then, chơi đàn Tính và lượn Nàng ới…
Tôi giật mình thấy “cái lý” bác Nùng nói quá đúng. Nhưng thấy lây buồn vì những làn điệu dân ca, những khúc nhạc rừng mang hồn cốt của nhiều dân tộc đang dần bị mai một, mà những nghệ nhân đàn, hát thì ngày một già nua. Nhưng hôm nay, các bác người Mông tôi gặp ở chợ phiên, bát rượu đong đầy mà nước mắt lặn vào lòng vì thiếu vắng tiếng khèn. Đành là thời đại của công nghệ thông tin, người Mông có thể nghe tiếng khèn qua mạng internet, xem người Mông bên Mỹ xoay tít trong điệu khèn qua chiếc điện thoại cầm tay, nhưng những gì qua công nghệ giải trí thường không được sinh động bằng người thật, việc thật. Vì thế, trên các bản người Mông, một ai đó biết thổi khèn, múa khèn thì người bản trên, bản dưới đều hay tên, biết mặt, tự hào vì “bản ta” còn có người giữ được hồn khèn, cho cô gái Mông ngồi trên phiến đá, môi nở nụ, miệng e ấp nhả lời hoa.
Anh Nguyễn Văn Khương, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết: Hiện tỉnh Thái Nguyên có 1.521 hộ, 7.792 nhân khẩu người dân tộc Mông sinh sống tại 47 xóm, thuộc 18 xã của 4 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hoá và Phú Lương. Cuộc sống của đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt có 13 xóm, bản dân cư đều là hộ nghèo... Do đặc thù công việc, nên anh Khương có sự gắn bó khá thân thiết với đồng bào người Mông. Anh đã đến với hầu hết các bản làng để tuyên truyền, vận động đồng bào định cư, định canh ổn định đời sống. Một lần anh đưa tôi đến nhà Hoàng Khình ở xóm Chuối, xã Dân Tiến (Võ Nhai), cầm cây khèn, anh hỏi Hoàng Khình về lời bài khèn: “Người Mông ơn Đảng”, “Xuống chợ”, “Tiếng khèn gọi bạn”, “Xuân trên bản Mông”, “Gọi em bên suối”… Hoàng Khình lấy cây khèn, giải thích: Cây khèn có 5 ống hơi cho 5 cung bậc, tinh âm thoát ra từ các ống khèn cao thấp luôn quyện vào nhau, âm thanh luôn đi đôi, đi ba mà không chen lấn, không che mặt nhau. Độ chênh từ ống to đến ống nhỏ cứ hợp nhau lên bổng, xuống chìm như suối lượn, gió ngân… Là người thạo khèn, nên Hoàng Khình giải thích về cấu tạo, âm điệu của loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình như một bậc thầy, còn tôi là cậu học trò ngu ngơ. Tôi biết: Anh em nhà Hoàng Khình từng tham gia một số hội diễn quần chúng cấp tỉnh, tiếng khèn của nhà họ Hoàng đã chinh phục được người nghe, người xem. Và họ đã mang về cho bản người Mông nhiều giấy chứng nhận khen thưởng nhờ cây khèn.
Phiên chợ tan, tiếng khèn còn véo von trên lưng núi, và như khúc du ca dần chìm về vời vợi giữa mênh mang, hoang hoải của luyến nhớ lòng người. Mong chợ phiên sau, mong độ Xuân về, Tết đến, bản người Mông thêm ấm áp hơn bởi tiếng khèn.