Độc đáo Lễ nhảy lửa xua đuổi tà ma của người Dao vùng núi Mẫu Sơn

14:40, 10/02/2016

Khi trong nhà có nhiều chuyện không may mắn hoặc vào dịp năm hết Tết đến, để xua đi vận rủi của năm cũ, người Dao Lù Gang tại vùng rừng núi Mẫu Sơn (tỉnh Lạng Sơn) lại tổ chức lễ nhảy lửa để xua đuổi tà ma, cầu điều tốt lành.

Không phải năm nào lễ nhảy lửa cũng được tổ chức, chỉ khi nào trong nhà có nhiều người ốm đau, bệnh tật, tai nạn, mất mùa, lợn gà chết... mới mời các thầy đến thực hiện. Để làm lễ, gia chủ chuẩn bị 3 ban thờ, mỗi ban phải có một con gà. Bàn thờ cao nhất là nơi thầy cúng chính thực hiện các thủ tục xin phép thần linh trên trời cho làm lễ nhảy lửa. Bàn cúng bên phải là xin phép thổ công tại làng của 4 thầy cho thực hiện lễ nhảy lửa. Bàn cúng bên trái để báo cáo tổ tiên 4 thầy phù hộ cho hoàn thành buổi lễ. 3 thầy cúng phải đọc bài cúng xin phép riêng “con ma” Lặp Pịa tức là vị thần cai quản khu linh địa cổ Mẫu Sơn. Mỗi thầy cúng tại buổi lễ có nhiệm vụ riêng, cầu kì, nhiều công đoạn.

 

Thầy cúng Triệu Sáng Lỉ (62 tuổi, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Buổi lễ gồm có 4 thầy, trong đó 3 thầy cúng và 1 thầy nhảy lửa. Theo quan niệm của người Dao, ngọn lửa là sức mạnh dùng để diệt trừ yêu ma phá rối, đem lại may mắn, cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc, mùa màng tốt tươi.

 

Trong khi đọc các bài cúng, thầy nhảy lửa sẽ ngồi riêng trên một chiếc ghế, khi tiếng trống, chiêng, pí lè dồn dập, thôi thúc hơn, người thầy rung lên mạnh dần như nhập đồng. Sau đó, tất cả các thầy cúng và thầy nhảy lửa, những người đánh chiêng, trống, kèn sẽ đi quanh 7 trạm dao (được dựng bằng tre trên khoảng sân rộng, mỗi trạm dao gồm 2 con dao buộc chặt vào nhau), tiếp tục đọc các bài cúng, làm phép vào mỗi trạm dao. Đống củi to được nhóm lên đã cháy thành than hồng, sau khi bài cúng hết, dường như có một nguồn năng lượng đặc biệt giúp thầy nhảy lửa bật lên bằng hai chân và lao vào đống lửa, nhảy chân không trên đám than hồng rực. Tất cả 4 thầy đều lần lượt nhảy lửa, hất tung những viên than ra ngoài. Đôi chân trần của họ đen nhẻm sau khi đã thực hiện nghi lễ. Tiếng trống, tiếng chiêng và kèn pí lè cổ vũ tăng thêm sức mạnh cho thầy nhảy lửa. Thầy nhảy lửa cầm chiếc chiếu lăn qua nhiều lần trên lửa với ý nghĩa xua đuổi tà ma, không cho chúng lại gần.

 

Thầy nhảy lửa Hoàng Dàu Vảng (30 tuổi, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: Khi nhảy trên đám than hồng, tôi không hề cảm thấy đau đớn hay lo ngại bỏng. Các thần đã cho phép mình nhảy lửa, nhập vào mình để mình đuổi con ma xấu đi nên không sợ lửa cháy nữa…

 

Sau khi đã nhảy lửa, mỗi thầy cầm trên tay một bó đuốc và một chai dầu hỏa. Họ ngậm dầu phun vào bó đuốc đốt cháy rơm tại hai trạm dao đầu và cuối. Theo thầy cúng Triệu Sáng Lỉ, các trạm dao như cổng nhà, đốt cháy đi rồi thì con ma xấu, điều xui xẻo sẽ không còn làm hại mình nữa, nó bị đuổi đi không thể vào nhà mình, mọi người được khỏe mạnh, mùa màng bội thu.

 

Lễ nhảy lửa của người Dao Lù Gang tại vùng Mẫu Sơn với nhiều công đoạn, kéo dài khoảng 2-3 tiếng. Buổi lễ kết thúc, mọi người đều vui vẻ vì “con ma” xấu không còn dám lại gần con người, tống tiễn mọi điều bất an, gia chủ thịt lợn, gà cảm ơn thần linh và mời anh em, họ hàng. Theo ông Minh Văn Sa, Phó Ban quản lí khu du lịch Mẫu Sơn, lễ nhảy lửa của người Dao tại đây là phong tục văn hóa độc đáo, là hình thức sinh hoạt tâm linh vẫn được đồng bào tổ chức. Buổi lễ với ý nghĩa cầu may mắn, an lành, hạnh phúc cho con người, xua đuổi tà ma, bệnh tật./.