Gìn giữ nét độc đáo của 2 loại hình văn hóa phi vật thể

15:04, 14/02/2016

Xuân Bính Thân này, Soọng Cô của người Sán Dìu và Lễ Mừng sinh nhật của người Nùng ở huyện Đồng Hỷ đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là niềm vui của nhân dân các dân tộc trong huyện vì việc được công nhận là Di sản giúp 2 loại hình văn hóa mang đậm giá trị văn hóa độc đáo từ xa xưa này được bảo tồn và phát huy tốt hơn…

Ngày xuân, chúng tôi đến thăm nhà ông Diệp Minh Tài ở xóm Tam Thái xã Hóa Thượng - một nghệ nhân tâm huyết với Soọng cô - làn điệu dân ca đặc sắc của người dân tộc Sán Dìu bấy lâu nay ông đã nỗ lực cùng mọi người gìn giữ để truyền lại cho con cháu đời sau. Bên chén trà xanh thơm ngát, ông ngân nga những làn điệu Soọng cô mượt mà, đằm thắm và nhớ về thời trai trẻ, khi mà khúc hát Soọng cô len lỏi trong từng ngóc ngách của vùng thôn quê nơi ông sinh sống. Ông chia sẻ: Biết tin Soọng cô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, tôi rất vui mừng, cảm thấy rất tự hào vì loại hình văn hóa của dân tộc mình được đưa vào kho tàng văn hóa của 54 dân tộc anh em. Vậy là Soọng cô đã được quan tâm và sẽ không bị thất truyền, mong ước ấp ủ bấy lâu nay về giữ gìn bản sắc làn điệu dân ca của người Sán Dìu của tôi nay đã trở thành hiện thực.

 

Được biết, tại huyện Đồng Hỷ, cộng đồng người dân tộc Sán Dìu chủ yếu sinh sống ở các xã Nam Hòa, Hóa Thượng. Soọng cô phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát, được lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con. Đây là một thể loại dân ca trữ tình với lời hát đối đáp nam nữ, gần giống như các làn điệu sli, lượn của người Tày, Nùng và Sình ca của người Cao Lan. Mỗi bài hát là một bài thơ viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, viết bằng chữ Hán cổ và được lưu truyền trong dân gian bằng hình thức truyền khẩu.

 

Ông Diệp Minh Tài cho biết thêm, Soọng cô thường được hát vào lúc nông nhàn, nam nữ từ làng này thường đến các làng khác để làm khách và làm bạn hát; nhiều khi trai gái hát đối bên những bếp lửa ấm cúng tại các gia đình. Người Sán Dìu xưa có nhiều kiểu hát trong các dịp khác nhau như hát chúc mừng xóm làng, mừng năm mới, xin phép chủ vào nhà, hát làm quen, giao duyên, hát trong tiết trời xuân, khi đi cấy, khi gặp nhau… Có thể nói, Soọng cô phản ánh đầy đủ tâm tư, tình cảm và ước vọng của người dân trong đời sống hàng ngày. Sức hấp dẫn của khúc hát Soọng cô như mạch nước ngầm ngọt ngào chảy trong lòng đất, luôn âm thầm sống, vận động trong tâm khảm của những người yêu thơ ca dân tộc.

 

Bên cạnh nghệ thuật trình diễn dân gian Soọng cô của người Sán Dìu, Nghi lễ Hét Khoăn, hay còn gọi là Lễ Mừng sinh nhật của người Nùng tại huyện Đồng Hỷ cũng cùng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia trong dịp này. Ông Hoàng Văn Toòng ở xóm Tân Đô, xã Hòa Bình phấn khởi cho biết, cũng như nhiều dân tộc khác, người Nùng quan niệm bản thân con người luôn tồn tại phần xác và phần hồn, vía còn gọi là “khoăn”, sở dĩ con người sống được là do “khoăn” hội tụ đủ trong người. Thông thường khi tuổi già đến, con người bắt đầu có biểu hiện như hay đau ốm, mắt mờ, dễ gặp vận hạn... Nên người Nùng chúng tôi tổ chức Lễ mừng sinh nhật, chính là làm lễ để trình lên Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu gia hạn thêm cho người được sống lâu, sống vui.

 

Người Nùng ở huyện Đồng Hỷ chiếm khoảng 13,2% dân số toàn huyện, nhiều xã có tỷ lệ người Nùng trên 90% như Hòa Bình, Tân Long… Trong tâm thức dân gian của người Nùng, người cao tuổi và gia đình có người cao tuổi được coi là phúc lớn. Có phúc lớn nên mới sống được lâu, con cháu đuề huề. Lễ Mừng sinh nhật chính là mừng cái hạnh phúc ấy. Theo tập quán, người Nùng ở Đồng Hỷ thường lấy tuổi 61 để tổ chức sinh nhật lần đầu. Gia chủ trực tiếp đi mời họ hàng, bè bạn, cùng các con cháu nội, ngoại về dự. Về nghi lễ, thông thường, chủ nhà sẽ mời thầy Pựt, là người đã được cấp sắc và am hiểu phong tục tập quán của dân tộc về cầu an; trước hết là cầu bản mệnh, sức khỏe cho người được tổ chức sinh nhật, sau đó là cho cả gia đình. Thầy Pựt sẽ làm cầu là một dải vải có đủ độ dài để giăng từ nơi hành lễ, bắc qua chậu nước, lên đến xà nhà. Mảnh vải ấy như chiếc cầu nối, để đón vía về.  Vía của người già ví như cái cây vàng lụi, bây giờ thầy nhờ âm dương kết hợp lại, hai bên cùng vun đắp cho cây không bị xói mòn, lại xanh tươi như cũ. Chậu nước tượng trưng cho sông biển, vạn nạn sẽ bị đổ xuống đó, chỉ còn giữ lại cái phúc.

 

Ngoài ra nội dung trong lễ cúng còn có thủ tục "pủ lường" tức là chuyển gạo lộc mừng thọ. Con cháu lấy vài chén gạo đổ vào một chiếc giỏ con, nghĩa là lập một kho gạo tượng trưng để có thêm nguồn lực bồi bổ cho chủ nhà. Sau đó, trồng một cây chuối với ngụ ý là vật kỷ niệm, cây này sẽ tỏa lá xanh tươi như mong ước của người thân đối với người được làm sinh nhật. Xong Lễ, người được mừng thọ thường mừng lại cho con cháu nắm xôi, cái bánh và một con gà nhỏ để mang về nhà nuôi. Tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, thường thì tất cả khách đến dự đều có quà là gạo, rượu, tiền, quần áo, khăn, mũ... coi như là lộc để mang về nhà...

 

Có thể nhận thấy, làn điệu Soọng Cô và Nghi lễ Hét Khoăn là những nét đẹp văn hóa, thể hiện khát vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào dân tộc. Đó là sản phẩm tinh thần và cũng là tiếng nói của người dân lao động, được lưu truyền qua bao thế hệ, trở thành một nhu cầu trong đời sống hàng ngày. Trải qua thời gian, do nhiều nguyên nhân lanđiệu dân ca Soọng Cô và Nghi lễ Hét Khoăn đang bị mai một dần. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa to lớn trong gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của người Sán Dìu, người Nùng ở huyện Đồng Hỷ nói riêng và cộng đồng các dân tộc anh em, nói chung.