Cộng đồng ASEAN đã chính thức hình thành, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam đã ký vào văn kiện tuyên bố hình thành. Đây được coi là dấu mốc, mở ra thời kì phát triển mới cho khu vực Đông Nam Á, tạo ra một cộng đồng thực sự gắn kết, hợp tác phát triển vì hòa bình, thịnh vượng chung. Việc hội nhập ASEAN sẽ mang lại tác động tích cục tới sự phát triển của du lịch Việt Nam – ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp trong tương lai. ASEAN cũng là một trong những khuôn khổ hợp tác mà du lịch Việt Nam tham gia sâu rộng và có hiệu quả nhất.
* Du lịch Việt Nam hội nhập ASEAN từ rất sớm
Theo ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch: Không phải đến tận năm 2015 du lịch Việt Nam mới chuẩn bị cho việc hội nhập ASEAN mà bắt đầu tìm hiểu và tham gia các cơ chế hợp tác từ cuối những năm 1990, sau khi gia nhập ASEAN (1995). Việt Nam từng bước tham gia đầy đủ các hoạt động trong các nhóm/tiểu ban công tác du lịch từ đầu năm 2000 và chủ động hội nhập từ cuối những năm 2000.
Đối với thị trường, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết đối với các lĩnh vực khách sạn, dịch vụ khách sạn, phục vụ ăn uống và kinh doanh lữ hành quốc tế. Năm 2009, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Du lịch và Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) - sự kiện lớn nhất trong năm của du lịch ASEAN.
Năm 2009, nước ta đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP), làm cơ sở cho việc phát triển nguồn nhân lực du lịch ASEAN và tạo thuận lợi cho dịch chuyển lao động trong khu vực. Du lịch Việt Nam đã chủ động xây dựng các tài liệu hướng dẫn triển khai MRA-TP (2013).
Việt Nam đã tham gia xây dựng 130 sản phẩm du lịch chung , kết nối ít nhất 2 quốc gia trong ASEAN theo các nhóm chuyên đề như du lịch thiên nhiên, văn hóa và di sản, cộng đồng, đường biển và đường sông đồng thời tích cực triển khai Chiến lược marketing du lịch ASEAN 2011 - 2015 với tiêu đề “Đông Nam Á - cảm nhận sự ấm áp”. Chi ến lược này tập trung vào khai thác khách từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, khách du lịch trải nghiệm và sáng tạo, khách du lịch khám phá, khách du lịch công vụ, khách du lịch lưu trú dài ngày và người cao tuổi, khách trong nội vùng ASEAN.
Ông Trần Phú Cường cũng cho biết: Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Trưởng nhóm Marketing và Truyền thông du lịch ASEAN (2013-2014), hiện đang là Phó Trưởng nhóm Chất lượng dịch vụ du lịch, điều phối phát triển sản phẩm du lịch đường sông và Dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển du lịch đường sông khu vực sông Mê Kông do Tổ chức du lịch thế giới UNWTO hỗ trợ ASEAN và đóng vai trò điều phối một số dự án khác...
Hội nhập Cộng đồng ASEAN là bước ngo ặ t lớn với các nước thành viên, mang lại cơ hội cũng như thách thức cho du lịch mỗi nước. Để không bị động, ngay từ năm 2012, Tổng cục Du lịch đã thành lập Nhóm hợp tác du lịch ASEAN để tăng cường triển khai và phối hợp hoạt động hợp tác trong Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan. Tổng cục Du lịch cũng đã triển khai 2 đề án “Nghiên cứu, đánh giá nguồn nhân lực và nâng cao năng lực triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch ASEAN” và“Tăng cường hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN trong lĩnh vực Du lịch” nhằm phân tích, đánh giá thực trạng hội nhập du lịch của Việt Nam, thông qua đó nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan đến quá trình hội nhập kinh tế nói chung và hội nhập trong lĩnh vực du lịch nói riêng.
* Hội nhập nâng cao uy tín, thương hiệu du lịch Việt Nam
Theo nghiên cứu của Tổng cục Du lịch: ASEAN có vai trò đặc biệt quan trọng đối với du lịch Việt Nam. Với dân số hơn 500 triệu dân, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa là cửa ngõ quan trọng đưa khách du lịch quốc tế.
Quá trình hợp tác đã góp phần nâng cao uy tín của du lịch Việt Nam trong khu vực; tiếp cận nhiều thông tin và bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch, hỗ trợ tích cực của các nước có ngành du lịch phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: Hội nhập ASEAN đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện yêu cầu “gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới” như Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cũng cho hay: Nhờ hội nhập quốc tế sâu rộng, du lịch nước ta đã xuất hiện trên bản đồ du lịch thế giới. Một số điểm đến nổi bật đã xác lập được thương hiệu trên ` thị trường quốc tế, tiêu biểu là Hạ Long, Hội An, Nha Trang, Đà Nẵng, Sa Pa, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Một số điểm đến du lịch ngày càng được biết đến nhiều hơn như Quần thể danh thắng Tràng An, Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Giang, Phú Quốc… Ngoài ra, các nhóm sản phẩm du lịch chuyên đề đã hình thành như du lịch golf, du lịch đám cưới và tuần trăng mật, du lịch khám phá, mạo hiểm, du lịch đường sông, du lịch tàu biển, du lịch MICE.
Rất nhiều điểm đến và thương hiệu của du lịch Việt Nam được các tạp chí và tổ chức quốc tế uy tín bình chọn và trao tặng danh hiệu cao quý, tiêu biểu. Trong đó, Việt Nam được Tạp chí Telegraph bình chọn là một trong 20 điểm đến đáng đi du lịch nhất thế giới năm 2015; vịnh Hạ Long và hang Sơn Đoòng được Tạp chí Global Grasshopper bình chọn trong nhóm 10 địa danh đẹp ấn tượng nhất hành tinh; Hà Nội, Đà Nẵng vào top 10 điểm đến hấp dẫn châu Á...
Việc hội nhập sâu rộng trong ASEAN sẽ tiếp tục tác động tích cực với du lịch Việt Nam . Đầu tiên là hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển du lịch và giải pháp ưu tiên phát triển du lịch của Chính phủ, các chính sách nới lỏng về thị thực nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi đi lại trong ASEAN. Tiếp theo là chính sách tạo môi trường đầu tư tại Việt Nam minh bạch, thông thoáng hơn; phối hợp liên ngành đã được cải thiện đáng kể và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hội nhập khu vực ASEAN.
Theo ông Trần Phú Cường, hội nhập về sản phẩm du lịch trong ASEAN góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Việt Nam ; tranh thủ được nguồn khách nối tour trong khu vực. Từ đó, tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch khu vực ASEAN , khả năng kết nối khách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và ngược lại. Mặt khác, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam đã tăng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch trong và ngoài khu vực ASEAN về nhiều mặt, đặc biệt là đối với thị trường chất lượng cao, tập trung ở các trung tâm du lịch lớn.
Việt Nam cũng tranh thủ được hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong khu vực để thu hút khách quốc tế. Triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch ( MRA-TP) là cơ hội để d u lịch nước ta nâng cao chất lượng nhân lực du lịch , đủ điều kiện dịch chuyển trong ASEAN... Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng được nâng lên trên cơ sở liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo mô hình lữ hành - hàng không - khách sạn. Các loại hình doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch như vận chuyển nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí… ngày một gia tăng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu kết nối giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN.
Việc chính thức gia nhập Cộng đồng ASEAN mới chỉ là bước tiếp theo của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng mà ngành du lịch tham gia. Cơ hội và thách thức luôn đan xen đòi hỏi toàn ngành phải tận dụng được các cơ hội , vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển với tốc độ cao và tránh được nguy cơ tụt hậu, nhất là so với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực./.