Ngày thơ Việt Nam thường niên sẽ được tổ chức theo hình thức lễ hội hóa. Đây là khẳng định của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ngày 19/2, tại Hà Nội.
Cũng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, việc tiến tới lễ hội hóa Ngày thơ Việt Nam được chú trọng trong năm 2016 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Chương trình ngày thơ năm nay sẽ cân đối giữa phần thơ và phần nghệ thuật để công chúng tham dự ngày hội của làng thơ Việt vừa có thể nghe, xem, nhìn, vừa được gặp gỡ các tác giả, giao lưu với thi ca mọi miền đất nước.
“Đất nước-cánh buồm xuân” là chủ đề của Ngày thơ và cả Sân thơ truyền thống, các tiết mục được trình bày theo tinh thần hướng về biển đảo, chúc mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đặc biệt, tại Sân thơ truyền thống, nhiều liên khúc thơ, trong đó liên khúc "Biển đảo-Biên cương" sẽ được một nhóm nhà thơ trình bày như một trường ca. Các sân thơ khác sẽ làm phong phú thêm cho Sân thơ truyền thống. Sân thơ thiếu nhi năm nay sẽ trở lại cùng sự tham dự của khoảng 150- 200 em thiếu nhi yêu văn học đến từ các trường học, các câu lạc bộ thơ văn ở Hà Nội. Sân thơ trẻ chào đón đội ngũ nhà thơ mới, những nhà thơ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng những vần thơ lạ, độc đáo, đặc sắc của các vùng, miền.
Hình thức trang trí các sân thơ, không gian nơi tổ chức cũng được thực hiện theo hướng gần gũi với những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Đặc biệt, Ban tổ chức Ngày thơ cũng khuyến khích các tác giả tham dự, trình diễn trên sân thơ sử dụng những trang phục đa dạng, mềm mại, tạo sự hài hòa cho lễ hội thơ. Một triển lãm lớn được tổ chức kỷ niệm 70 năm Kháng chiến chống Pháp, giới thiệu thân thế, sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn này. Bên cạnh đó còn có một cuộc triển lãm thơ của cộng đồng thơ Châu âu với sự góp mặt của nhiều nhà thơ lớn của khu vực tham dự. Lễ thả thơ cũng chọn những câu thơ bất hủ theo chủ đề Kháng chiến chống Pháp.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 năm 2016 tổ chức vào ngày 22/2 (tức rằm tháng Giêng) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội./.