Nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng khi tham gia lễ hội

17:16, 23/02/2016

Sau Tết Nguyên đán, các lễ hội mùa Xuân thường đón một lượng khách hành hương đông đảo. Năm nay, để chuẩn bị cho mùa lễ hội văn minh, an toàn, ý nghĩa...Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vào cuộc từ rất sớm, cùng các địa phương tích cực vận động nhân dân loại bỏ, thay thế các tập tục không còn phù hợp, hành vi bạo lực, phản cảm gây bức xúc dư luận xã hội; thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội.

Tuy nhiên, những hành vi tiêu cực, gây bức xúc không thể loại bỏ hết ngay mà cần sự kiên trì hành động từ phía các nhà quản lý, chính quyền địa phương. Còn với người hành hương, việc cần làm vẫn là tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

 

* Lễ hội có thay đổi cấu trúc


Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam ( Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lich) khẳng định rằng cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao năng lực. Việc này không chỉ dành cho hệ thống cán bộ quản lý nhà nước, ban tổ chức lễ hội tại địa phương mà quan trọng là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tham gia lễ hội, giúp họ hiểu đúng bản chất lễ hội như truyền thống vốn có.

 

Ông Lương Hồng Quang phân tích: Lễ hội những năm gần đây đã được tổ chức tốt hơn, bớt ồn ào hơn, nhưng những hiện tượng gây bức xúc như tranh cướp lộc, ẩu đả, dẫm đạp nhau…tại các lễ hội nhất là các lễ hội đã vượt ra khỏi quy mô làng xã vẫn còn xảy ra. Những lễ hội này đã có thay đổi đáng kể về cấu trúc tâm linh, tâm thế người hành hương, không gian tổ chức cũng như người tổ chức.

 

Nếu trước kia, lễ hội truyền thống chỉ là câu chuyện của những người già, tiến hành cúng tế, trao gửi tới thánh thần nguyện vọng của cộng đồng, cầu mưa thuận gió hòa, người yên, vật thịnh. Ngày nay, lễ hội dành cho khách thập phương, họ đến lễ hội không đơn thuần vì tín ngưỡng mà vì thế tục, họ mang trong mình tâm thức “mặc cả” với thánh thần.

 

Vì mang trong mình tâm thức “mặc cả” với thánh thần, hiểu sai bản chất của lễ hội, nhất định tin rằng phải có lộc thánh mới thiêng nên xảy ra hiện tượng dẫm đạp lên nhau, trèo rào, tranh cướp lộc cho bằng được như hiện tượng trèo rào vào cướp lộc trên ban thờ sau lễ khai ấn đền Trần, cướp hoa tre lễ hội Gióng...tạo nên sự hỗn loạn đáng sợ.

 

Ông Lương Hồng Quang khẳng định, lễ hội truyền thống hoàn toàn không có cảnh cướp lộc như hiện nay. Xưa là các ông thủ từ phân phát lộc sau khi tế lễ, người xưa đi lễ thường là người làng nên cũng không đông, lộc luôn đủ cho người đến. Ngày nay, lượng người hành hương quá đông, lộc thì chỉ có vậy, lại sẵn nhiều người hành hương có tâm lí “trao đổi” nên mới xảy ra hiện tượng cướp lộc. Nhiều người quá khích cùng lao vào tranh cướp cũng là do cộng hưởng của đám đông. Cướp là cướp và không có cái gọi là “cướp có văn hóa” như ý kiến một số người đã nêu.

 

Ông Quang cũng nhấn mạnh rằng không thể hạn chế sự tranh cướp, hỗn loạn của đám đông quá khích bằng cách tăng thêm lộc vì đây là hình thức kích thích lòng tham của người hành hương. Phải có cách làm khác, đó chính là truyền thông. Ngoài truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về thực hiện nếp sống văn minh lễ hội còn phải giải thích để người dân hiểu rõ đi lễ cần nhất sự thành tâm bởi các khuôn mẫu nghi lễ trong lễ hội là do con người đặt ra chứ không phải thánh thần. Những hoa tre, lộc chỉ mang tính biểu trưng chứ không phải vật chất trần tục. Người đi lễ thành tâm ắt có lộc chứ lộc không đến từ những thứ dẫm đạp, ẩu đả để tranh cướp.

 

Ông Lương Hồng Quang cũng cho rằng xã hội hiện có quá nhiều người mê tín dị đoan, phụ thuộc, dựa dẫm quá nhiều vào thế lực siêu nhiên để thăng tiến. Đây là hiện tượng khi nhiều người đi lễ ở Lễ hội đền Trần. Nhiều người tin rằng phải có bằng được lá ấn này hàng năm mới được công thành danh toại. Điều này là hoàn toàn sai lầm bởi mỗi cá nhân phải vươn lên bằng năng lực thực sự chứ không phải cứ có ấn là thăng quan phát tài…

 

* Nhận thức đúng sẽ hành động đúng

 

Tiến sỹ Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản, hiện là Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cũng đồng quan điểm về việc cần tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng khi tham gia lễ hội. Bởi khi có nhận thức đúng đắn, cộng đồng sẽ hành động đúng.

 

Bà Lê Thị Minh Lý cho rằng: Nước ta có tới 8.000 lễ hội nên trong nhiều cuộc hội thảo cũng đã có ý kiến cho rằng có quá nhiều lễ hội và cần bớt tổ chức các lễ hội. Tuy nhiên phần lớn lễ hội nước ta là lễ hội dân gian, người sở hữu và thực hành chính là cộng đồng. Hầu hết các lễ hội ở phạm vi cộng đồng nhỏ, đóng vai trò quan trọng với cộng đồng ở đó và làm nên bản sắc riêng của họ. Do đó, không thể đưa ra lý do để giữ hay bớt lễ hội nào của cộng đồng. Điều quan trọng là những người quản lý cần đánh giá, kiểm kê, giúp người dân ở đó có phương thức quản lý, tổ chức lễ hội đúng đắn nhất. Điều này cũng giúp người dân nhận thức đúng giá trị của lễ hội và có cách ứng xử văn minh nhất với lễ hội của chính cộng đồng mình.

 

Bà Lý đưa ra ví dụ với Hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cộng đồng người dân sở hữu di sản đã được tập huấn kĩ lưỡng để không ngộ nhận và trông chờ vào nhà nước khi tổ chức lễ hội. Họ cũng cho rằng di sản ở tầm quốc tế như Hội Gióng cần phải làm hoành tráng hơn để hút khách du lịch. Đây là quan điểm chưa đúng và các nhà quản lý cần giúp người dân thực hành tốt lễ hội như nó vốn có chứ không phải đem lễ hội làm kinh tế.

 

Với những lễ hội có “sự cố” liên quan đến tục hiến sinh như chém lợn, đâm trâu là điểm nóng của mùa lễ hội năm 2015 rất cần có cách làm hợp lý để bản chất tốt đẹp của các lễ hội đó không bị mất đi, giúp di sản phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại và không xung đột với các giá trị khác. Điển hình là lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh. Riêng về lễ hội này, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã vào cuộc cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cộng đồng người dân Ném Thượng và đưa ra cách giải quyết hợp lý nhất.

 

Năm nay, lễ hội Ném Thượng (ngày 13/2, tức mùng 6 Tết) không tổ chức chém lợn công khai ngay giữa sân đình, mà được đưa vào chém ở góc sân đình đã được quây kín, chỉ những người liên quan mới được vào khu vực này. Điều này được cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và cộng đồng người dân Ném Thượng đồng thuận. Do đó, những hình ảnh bị cho là “phản cảm, man rợ” như mùa lễ hội năm trước đã không xuất hiện; các nghi thức tế lễ vẫn diễn ra đúng truyền thống của cộng đồng nơi đây./.