Nói về những dung dị của cuộc sống

09:37, 17/02/2016

Vậy là đã bước sang năm thứ 14, Ngày Thơ Việt Nam - Ngày tôn vinh thơ và người làm thơ được tổ chức trên toàn quốc. Năm nay, Ngày Thơ Việt Nam của Thái Nguyên được gọi là Lễ hội thơ Nguyên tiêu do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chủ trì vẫn diễn ra ở địa điểm quen thuộc là khuôn viên Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhằm ngày “áp rằm” (14 tháng Giêng). 13 năm qua, Lễ hội Thơ Thái Nguyên không nhàm cũ đi, mà ngày càng được nhiều người háo hức chờ đón.

Để thơ và mùa Xuân phơi phới cùng truyền cảm hứng sáng tạo cho mọi người là kết quả công sức lao động nghiêm túc của gần 1.000 người từ trước Tết, một “ê kíp” hùng hậu làm nên Ngày Thơ.

 

Việc đầu tiên là xác định ý tưởng, chủ đề, từ đó mà triển khai thành kịch bản, công việc này nhiều năm nay do bà Nguyễn Thúy Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đảm nhiệm. Nói về ý tưởng Lễ hội, bà Quỳnh trải lòng: Làm thế nào để thơ gần cuộc sống, nói được những câu chuyện dung dị nhất về cuộc sống, về con người, nhất là nhân dân lao động; làm thế nào để giới thiệu được những bài thơ, câu thơ hay để mọi người thưởng thức; làm thế nào toát lên thật mạnh mẽ tinh thần của Lễ hội là Tổ quốc và Nhân dân, niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp, với những giá trị tốt đẹp… là điều tôi trăn trở. Khi đã xác định được ý tưởng xuyên suốt là “nhân văn, tôn vinh các giá trị của nhân dân”, thì các hoạt động chi phối toàn bộ chương trình cũng từ đó mà triển khai.

 

Ngay sau Tết, các nghệ sĩ của Nhà hát Ca múa dân gian Việt Bắc đã bắt ngay vào tập luyện. Với 6/12 tiết mục văn nghệ “xương sống” của chương trình, Nhà hát đã huy động gần 100 lượt diễn viên tham gia. Màn hát múa mở màn về Đất nước; các tiết mục: Diễn ngâm (có múa phù họa) bài Nguyên tiêu của Hồ Chủ tịch; múa dân gian về tình yêu; màn kết thúc Lễ hội đều được giao phó cho Nhà hát. Khi chúng tôi đến đơn vị, chị Nguyễn Thị Lan Phương, Đội trưởng Đội Múa đang hướng dẫn các diễn viên của Đội tập các tiết mục. Theo chị Phương, hai tiết mục quan trọng nhất là mở màn và kết thúc do hai biên đạo múa trẻ là Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Công Phương sáng tác trên nền bài hát “Đất nước trọn niềm vui” và “Tôi yêu Việt Nam”. Các tiết mục của Đội Ca cũng như Đội Múa đều bám ý tưởng của Lễ hội là tình yêu đất nước, sức thanh xuân và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, minh họa cho chủ đề của Khát vọng Mùa xuân đã đưa ra. Sau 6 phút tập múa bài “Mùa xuân trên bản Mông”, diễn viên Hương Trang ra nghỉ ở cánh gà, em tươi tắn nói với tôi: Cháu vào Đoàn được 4 năm thì đã có 2 năm tham gia Lễ hội thơ của tỉnh mình. Không khí mùa xuân háo hức cùng giai điệu thi ca làm cho nghệ sĩ nhiều cảm hứng hơn bao giờ hết.

 

Một tiết mục đặc biệt trong Lễ hội là phần diễn ngâm (theo kiểu cổ) một số bài thơ của Vua Lê Thánh Tông. Trong lịch sử nước nhà, Vua Lê Thánh Tông không chỉ là một ông vua tài giỏi, ông còn nổi tiếng là người trọng hiền tài. Ông để lại một gia tài văn chương đồ sộ cho nền văn học nước nhà. Một trong những nét đặc sắc của thơ ông là ông thường viết về những nhân vật bé mọn trong đời sống, song lại cách điệu lên thành hình tượng kỳ vĩ. Những bài thơ hài hước, hóm hỉnh rất đặc sắc, thể hiện tâm hồn trong sáng, dung dị của một ông vua gần gũi dân, yêu thương dân. Một trong những bài thơ của ông được đọc tại Ngày thơ là bài “Vịnh người đi cày”: Một cày, một cuốc, phận đà đành/ Song viết ai bằng song viết canh?/ Diệt, vắt, tay cầm quyền tướng súy/Thừa lưa thóc chứa lộc công khanh/Công A hành đến trời biếc/ Tiết TửLăng còn núi xanh/ Ngoài ấy có nơi hơn thú nữa/Ruộng lành dõi được giống nhà lành.

 

Như mọi năm, các Hội Văn học Nghệ thuật cấp huyện và chi hội thuộc Hội Văn nghệ tỉnh cũng “ra quân” rầm rộ. Hầu hết các Hội đều tổ chức Ngày thơ ở địa phương mình và tham gia Ngày thơ của tỉnh. Chi hội Thơ đảm nhiệm hoạt cảnh thơ về Thái Nguyên; vườn thơ “Thành phố Thái Nguyên” do Hội Văn nghệ Thành phố chủ trì; trưng bày ảnh nghệ thuật và thi vẽ tranh theo thơ do Chi hội Nhiếp ảnh và Mỹ thuật cầm trịch. Các sinh viên Khoa Ngữ văn và Khoa Văn - Xã hội (Đại học Thái Nguyên), một số học sinh các trường THCS trong Thành phố cũng hòa mình vào không khí thơ ở vườn Thơ trẻ.

 

Khuôn viên Bảo tàng sẽ tràn ngập sắc xuân bởi 50 câu thơ hay như mưa xuân giăng giăng. Đây là những câu thơ tinh hoa sống mãi với thời gian: Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai (Thiền sư Mãn Giác); Núi vắng, năm tàn, không tờ lịch/Cúc vàng chợt nhắc tiết trùng dương (Huyền Quang); Nếu phải còng lưng vì đấu gạo/Trả ấn từ quan, lộc chẳng màng/Sớm hôm tâm sự: dăm nàng liễu /Tri kỷ kề vai: chậu cúc vàng (Mạc Đĩnh Chi); Khi chưa có tình yêu/Con người chỉ là từng hạt thóc riêng lẻ/Có tình yêu rồi/Con người mới trở thành cơm nghi ngút (Y Phương)…

 

Trong nắng Xuân dìu dịu, hãy thả bước chân thật chậm, tâm hồn thư thái cho cảm xúc thăng hoa, để rồi khi trở lại công việc thường ngày, ta như được tiếp thêm năng lượng mới, đó là mục đích của Lễ hội Thơ nguyên tiêu tại Thái Nguyên lần này.