Giã hội Lồng Tồng Định Hoá Xuân Bính Thân 2016, chúng tôi tìm về xóm Thẩm Rộc xã Bình Yên và xóm Ru Nghệ xã Đồng Thịnh, nơi người dân từng lưu truyền hơn 200 năm nay một nghệ thuật độc đáo - Rối cạn. Ông Ma Quang Chóng, Trưởng phường Rối cạn Thẩm Rộc tự hào nói: Nhờ nghệ thuật Rối cạn được lưu truyền và phát huy giá trị văn hoá qua hơn mười đời nay, nên nhiều người dân trong cả nước biết đến Thẩm Rộc và Ru Nghệ.
Nhìn những hình rối ngộ nghĩnh được làm bằng gỗ thừng mực, ông Chóng cho biết: Gỗ thừng mực mềm, mịn, không bị nứt vỡ, nên từ đời cha ông trước đây đã lựa chọn loại gỗ này để đẽo, gọt làm hình rối… Còn ông Ma Văn Cười, phường rối Ru Nghệ cho biết: Những con rối đều có linh hồn, nên muốn di chuyển, mở hòm ra, đóng hòm vào đều phải qua bàn thờ thắp hương, làm lễ thưa với các cụ. Các cụ nhất trí mới được mang rối đi trình diễn.
Theo các nghệ nhân phường rối cạn Thẩm Rộc và Ru Nghệ: Bộ rối cổ ngày trước có 6 hình, các hình rối mô tả vua, hoàng hậu, quan văn, quan võ, người hầu, nông dân… Cùng với các ông rối là nhiều pho sách quý được viết bằng chữ nôm Tày, ghi chép lại những tích chuyện về trò rối cạn, các bài hát giáo, hát kể, tích nối. Trong sách còn ghi chép rõ từng phần đoạn, như: giáo trống, giáo đèn, giáo màu, giáo màn, giáo chàng, giáo xuân, giáo tuân, giáo táp… Dựa theo tích chuyện trong sách do các truyền nhân để lại, con cháu phường rối tiếp tục sáng tạo nên những tích trò mới. Theo đó, nhiều ông rối mới được nghệ nhân kiên trì làm ra, nên từ 6 hình rối ban đầu “biến hoá” thành 12 hình, rồi 24 và bây giờ có đến hơn 40 hình rối.
Cùng thời gian, phường rối cạn Thẩm Rộc và Ru Nghệ càng phát triển phong phú, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đông đảo nhân dân. Nhiều tích chuyện cổ được nghệ nhân phường rối thực hiện trình diễn thành công, như các tích chuyện có hoạt cảnh mô phỏng về lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá mới. Nhưng tích chuyện “Tắc kè - Pú cấy” được coi là hồn cốt của phường rối. Bởi tích chuyện đã ngấm sâu vào máu thịt bao thế hệ con người. Ông Nông Thế Siêng, phường rối Ru Nghệ giải thích: Nhân vật trong màn diễn này gồm một rối tắc kè và một rối ông già mặc quần áo Tày, bên hông đeo dao trông ngộ nghĩnh. Nội dung tích chuyện là cuộc tranh hùng giữa 2 bên, Tắc kè đại diện cho loài vật; Pú cấy đại diện cho con người. Tắc kè cậy mình biết trước tiết trời mưa, nắng, nên tranh giành công trạng với Pú cấy, người làm ra ngũ cốc.
Tôi từng nhiều lần lên Định Hoá xem tích diễn “Tắc kè - Pú cấy”, nên dễ dàng hình dung ra cuộc diễn xướng ngộ nghĩnh, sinh động và mang đậm tính nhân văn. Cũng giống như buổi diễn của phường rối nước ở các tỉnh miền xuôi, phường rối cạn luôn dạo đầu bằng màn trống, thanh la hối thúc, lời rao gọi giục giã gây sự tập trung chú ý cho mọi người đến hội. Đó là màn múa của 2 diễn viên và lời giới thiệu về phường rối. Tiếp đó trong khu vực diễn xướng là các ông rối ngộ nghĩnh di chuyển và có những động tác sinh động cùng lời thoại hấp dẫn bởi các nghệ nhân điều khiển phía dưới. Bên thân cây gỗ cao chừng 3 mét, nghệ nhân phường rối cạn điều khiển cho ông rối thực hiện từng động tác điệu nghệ, uyển chuyển, chính xác mô phỏng cuộc giao tranh quyết liệt giữa Tắc kè và Pú cấy như hoạt cảnh leo lên, tụt xuống để giao tranh với nhau. Rồi chạy, nhảy, đấm, đá, lao, vồ, cào, cấu, giằng xé… giữa 2 bên. Trong tiếng trống thúc, tiếng thanh la xoang xoảng, tiếng mõ dồn dập và lời thoại, lời hô hào của các nghệ nhân càng đẩy tình tiết diễn xướng của các ông rối lên cao trào. Từng tích chuyện liên tục có chi tiết diễn xướng bất ngờ, sinh động, tạo cho người xem cảm giác mãn nhãn, vui tai, cười nắc nẻ. Vở diễn dài, ngắn tuỳ hứng, nhưng luôn có một kết thúc có hậu. 2 nhân vật đối đầu là Tắc kè và Pú cấy không có bên nào bị thua, cùng nhận thức được một lẽ sống giản đơn là phải cùng dựa vào nhau để sống, vì thế giữa Tắc kè và Pú cấy đã cùng chung sống hoà bình. Đây chính là nét nhân văn, răn dạy con người biết sống hoà thuận, đoàn kết, cùng chung sức làm nên mùa màng bội thu, xây dựng làng bản no ấm, hạnh phúc. Do đó, Rối cạn Thẩm Rộc và Ru Nghệ được lưu giữ, truyền dạy đời đời.
Chuyện Rối cạn, bà Trần Thị Nhiện, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) thông báo cho chúng tôi biết thêm một tin vui: Năm 2015, tỉnh Thái Nguyên có 4 di sản được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia, gồm nghi lễ Hăk khoăn của người Nùng (Đồng Hỷ); hát Soọng cô của người Sán Dìu (Đồng Hỷ); Nghi lễ Then của người Tày (Định Hoá) và Rối cạn của người Tày ở 2 xóm Thẩm Rộc và Ru Nghệ. Đặc biệt, ngày 13-11-2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” về loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian cho ông Ma Quang Chóng, Trưởng phường Rối Tày Thẩm Rộc. Với 2 phường rối cạn ở Định Hoá, đây là một động viên, khuyến khích to lớn để đồng bào tiếp tục gìn giữ, phát huy một nét đẹp văn hoá từng tồn tại trong cuộc sống con người.