Là hoạt động thường niên do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức từ năm 2015, Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2016 gồm một chuỗi hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa đa dạng trong sự thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự kiện được tổ chức tại “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ngày hội năm nay thêm phần đặc biệt khi vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Thái Nguyên…
Gìn giữ di sản văn hóa
Đã thành thông lệ, trong không khí đầu xuân mới, một điểm hẹn thu hút đông đảo những người yêu văn hóa truyền thống và văn hóa dân gian độc đáo của các dân tộc Việt Nam chính là ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" diễn ra tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em. Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm nay tái hiện những lễ hội đặc sắc chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; chào đón năm mới, mong muốn sự sinh sôi, nảy nở, phát triển, kết đoàn, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân mới để chào đón nhân dân, du khách đến với “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Ngày hội có sự tham gia của hàng trăm đồng bào các dân tộc Thái (tỉnh Sơn La); dân tộc Tày (tỉnh Thái Nguyên); dân tộc Giáy (tỉnh Hà Giang), người có uy tín trong cộng đồng (nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân…) với nhiều nội dung phong phú như: Chương trình Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân; Lễ hội mừng năm mới của dân tộc Giáy (Lễ hội múa trống); Lễ hội cầu an của dân tộc Thái và đặc biệt là Lễ hội Lồng Tồng của người dân tộc Tày Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi, ẩm thực truyền thống, thể thao dân tộc cũng được tổ chức như: múa xòe, cồng chiêng, nhảy sạp, đi cà khoeo, ném còn, đánh đu, đi cầu kiều, giao lưu dân ca, dân vũ với khách du lịch, sẽ tạo không khí tưng bừng đầu xuân.
Độc đáo Lễ hội Lồng Tồng Thái Nguyên
Là một trong những hoạt động chính, nổi bật của Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, Lễ hội Lồng Tồng do các nghệ nhân dân gian của tỉnh Thái Nguyên tổ chức vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự.
Lễ hội Lồng Tồng hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng mang tính chất tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng cầu mưa, tín ngưỡng thờ mặt trời. Chứa đựng nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian, và cũng chính là Lễ hội cầu mưa của người làm nghề nông là nghề truyền thống của dân tộc Tày, Nùng với các nội dung chào mừng mùa xuân mới, mừng vụ mùa trước cho mùa vụ sau bội thu, cho mọi người, mọi nhà khỏe mạnh ấm no, hạnh phúc, bản làng yên vui. Có thể nói, Lễ hội Lồng Tồng là một trong những lễ hội truyền thống của tộc người Tày, Nùng ở khu vực phía Bắc, thực sự trở thành nơi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; được xem là một bảo tàng sống, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nghi lễ cúng thần xin tổ chức Lễ hội Lồng tồng.
Lễ hội Lồng Tồng được Đoàn Thái Nguyên đem đến giới thiệu tại Ngày hội bao gồm đầy đủ các nghi thức truyền thống. Mở đầu cho phần Lễ, chủ lễ xin Thần Thành hoàng cho mở lễ hội. Sau khi đặt các đồ cúng gồm thịt lợn, gà, rượu, nước, sla cao, thóc théc, khẩu sli, tiền vàng... lên bàn thờ, chủ lễ làm lễ xin thần linh phù hộ cho dân làng làm ăn mùa vàng bội thu, cây cối xanh tươi phát triển, nhà nhà ấm no, dồi dào sức khỏe và xin thần cho dân bản được phép tổ chức Lễ hội Lồng Tồng. Chủ lễ báo cáo với Thần linh kết quả một năm, dân làng làm ăn vất vả khó nhọc, có một vụ mùa tốt đẹp, mọi người trong bản luôn vui, khỏe; cảm ơn trời, đất, các thần linh đã phù hộ, độ trì cho dân làng ăn nên làm ra... cây cối luôn xanh tốt; báo cáo toàn bộ con cháu trong dân bản Tế tửu tại đây cho vui Lễ hội Lồng Tồng. Kết thúc phần lễ, đại diện một già làng có uy tín cùng với con, cháu của mình thực hiện nghi thức xuống đồng đi những đường cày đầu tiên, tra những hạt giống đầu tiên với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Những đường cày đầu tiên trong Lễ hội Lồng tồng.
Tại Lễ hội Lồng Tồng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng với đông đảo bà con nhân dân từ mọi miền Tổ quốc đã hòa mình vào phần Hội của Lồng Tồng với nhiều trò chơi dân gian sôi động như: ném còn, múa sạp, bịt mắt bắt dê… và các làn điệu thên đặc sắc như: cầu phúc, cầu an, cầu mùa màng…
Lần đầu tham dự Lễ hội Lồng Tồng, Nghệ nhân dân gian Sử Văn Ngọc - người dân tộc Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Mình là người dân Việt Nam nên muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa các dân tộc anh em nên được tham gia lễ hội đặc sắc như thế này, mình cảm thấy rất vui”. Là người đầu tiên ném quả còn trúng vòng tròn Nhật Nguyệt trên đỉnh cột trong trò chơi ném còn, em Tô Văn Giang, dân tộc Nùng đến từ huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) cho biết: “Em rất vui và cảm thấy mình may mắn khi tham gia ném còn. Em hY vọng, em và những người thân sẽ được mạnh khỏe, thành công trong năm mới”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, đại diện các nghệ nhân Thái Nguyên tham gia Lễ hội Lồng Tồng cho biết: Chúng tôi đem tất cả những gì bản làng Tày Thái Nguyên có để tham gia Ngày hội. Đây là những nét đặt sắc của dân tộc Tày chúng tôi và chúng tôi mong đông đảo các dân tộc trên cả nước hiểu và yêu mến văn hóa người Tày.
Đại diện cho lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham gia Ngày hội, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để tham gia Ngày hội, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo cụ thể từ nội dung Lễ hội tới việc lựa chọn nghệ nhân tham gia. Chính vì thế, chúng tôi đánh giá phần Lễ hội Lồng Tồng của Thái Nguyên tham gia trong Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" đã thể hiện tốt những tinh hoa của dân tộc Tày, một trong những dân tộc tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên.