Văn hoá lễ hội

14:18, 16/02/2016

Lễ hội bao đời nay đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống cộng đồng. Lễ hội trở thành nơi công chúng đến với lịch sử cha ông, trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành.

Đã từ lâu, văn hóa đi hội, lễ chùa đầu năm đã in sâu trong tâm trí bao thế hệ người dân đất Việt, trở thành một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, Xuân về. Người dân đến với lễ hội để thể hiện lòng thành tâm, cầu mong một năm mới bình an, may mắn với bản thân cũng như gia đình. Đồng thời cũng là dịp được hoà mình vào những nghi lễ đậm sắc văn hoá của nhiều vùng miền khác nhau. Thế nhưng, thời gian gần đây, việc đi lễ hội đang có những biểu hiện lệch lạc, làm mất đi những nét đẹp truyền thống.

 

Hòa vào dòng người hành lễ, chúng ta sẽ dễ dàng chứng kiến cảnh người ta chen chúc, thi nhau khấn vái mong Phật chứng giám, phù hộ; thậm chí là cố gắng khấn lớn, át tiếng của nhau. Chưa kể đến nhiều người cho rằng, cứ lễ to là lộc lớn, nên trên các ban của đền chùa, các loại bánh trái, bia rượu... được bày la liệt; kèm theo đó là vàng mã tràn lan, đủ các thể loại. Nhiều hành động phản cảm đang làm xấu đi không gian linh thiêng của lễ hội, chùa chiền. Người ta chen lấn, xô đẩy cùng mâm lễ trên tay. Có những cô gái trẻ mặc váy ngắn cũn cỡn, cười nói nói bên cạnh những người đang trang nghiêm khấn vái; lại có những cô hồn nhiên bước qua mặt người đang làm lễ để xông đến xí phần, nhờ bà vãi khấn thay cho mình; có người đang xì xụp khấn thì nghe điện thoại, rồi còn cả chuyện người ta nháo nhác tìm lễ vật bị thất lạc trên bàn thờ Phật...

 

Khó có thể kể hết những điều ngang tai, trái mắt trong chuyện đi lễ hội. Ngày xưa đi lễ, mọi người đều có tâm niệm cầu cho sự siêu thoát của những người đã khuất và cầu sức khoẻ, may mắn cho gia đình, bạn bè. Người ta đi hội còn để gặp gỡ, giao lưu trò chuyện ngày đầu năm. Còn ngày nay, văn hoá lễ hội ít nhiều đã thay đổi theo hướng thương mại hóa. Lễ hội tổ chức kéo theo nhiều dịch vụ kinh doanh của người dân xung quanh như dịch vụ trông xe, dịch vụ ăn uống, nhà trọ, cho thuê dép leo núi... Tuy nhiên, ghi nhận ở nhiều lễ hội cho thấy, các dịch vụ đó nhiều khi đã biến chất, không còn là dịch vụ phục vụ đơn thuần, sẵn sàng “lột” ví tiền của du khách một cách công khai. Nhiều du khách đã phải lên tiếng về những dịch vụ này.

 

Việc quản lý và tổ chức lễ hội truyền thống ở một số địa phương vẫn chỉ chú trọng nhiều đến phần “lễ”, xem nhẹ phần “hội”, chưa thực sự quan tâm tới việc khai thác, bảo lưu những giá trị văn hoá đặc sắc của địa phương. Nhiều trò chơi dân gian mất chỗ đứng, thay vào đó là những trò chơi giải trí thắng thua, cá biệt còn là chiêu trò cờ bạc trá hình. Vấn đề vệ sinh môi trường luôn là bài toán nan giải của ban quản lý các di tích và ban tổ chức lễ hội. Văn hóa lễ hội dường như chưa được mọi người quan tâm đúng mức. Người dân tham gia lễ hội vô tư ăn uống rồi xả rác ngay tại chỗ; nhiều bãi rác thải tự phát mọc lên; nhiều công trình công cộng bị du khách thập phương làm hư hỏng. Có khi, người ta đến lễ hội bằng những lời cầu khẩn quyết liệt, bằng những mâm lễ vật phàm tục để mặc cả với thần thánh, bằng những đồng tiền gài lên khắp thánh tượng, phật tượng, bằng những cuộc nhậu nhẹt say khướt nơi đất Phật...

 

Các cụ ta có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Khi đời sống của nhân dân được nâng dần lên thì số người tham gia lễ hội cũng ngày một đông. Xưa, chùa làng nào, dân làng nấy thờ. Còn nay, nhiều người do tâm lý đám đông, nghe nói chùa nào thiêng, chùa nào nổi tiếng thì nô nức đến thắp hương, còn chùa làng mình thì có khi quên bẵng. Nhiều du khách đua nhau đến những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hương (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh)… một phần để thưởng ngoạn vẻ đẹp của danh thắng, đồng thời để cầu tài, cầu lộc, cầu bình an. Bởi phần lớn du khách cho rằng, các ngôi chùa này sẽ thiêng hơn những ngôi chùa khác. Cũng vì lý do chọn chùa, đền thiêng để đến khấn vái, nên nhiều người tin rằng phải đi đến chùa này, đền nọ làm lễ mới có lộc. Có người chọn đi lễ đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An; có người lại chọn đền ông Hoàng Bảy mãi trên Lào Cai… nhưng họ đâu biết người ta đến với Phật, về với Mẫu là để thanh tịnh tâm hồn, tìm đến những giáo lý của Phật giáo để hướng con người đến những điều tốt đẹp hơn.

 

Từ trong truyền thống, lễ hội chính là một phần văn hóa và đạo đức của toàn xã hội, thể hiện niềm tôn kính đối với các vị anh hùng dân tộc, với Phật và Thánh Thần. Lễ hội cũng chính là nơi hội tụ sức sống của dân tộc, sức sống của văn hóa Việt từ ngàn đời truyền lại. Đầu năm đi lễ chùa để lòng người hướng thiện. Mái đình, cửa chùa đều là chốn linh thiêng, trang nghiêm luôn được xem là nơi tốt lành cho việc xuất hành đầu năm của mọi người. Vì vậy, khi đến di tích, mọi người nên chủ động tìm hiểu để có những hiểu biết nhất định về nơi thờ tự, từ đó thực hành nghi lễ đúng phong tục truyền thống. Quan trọng là ở tâm chứ không phải ở... tiền!

 

Mùa xuân - Mùa của lễ hội, mùa đoàn viên, mùa gợi nhớ về cội nguồn quê hương dân tộc. Đi lễ hội đầu năm luôn là một hình ảnh đẹp, một phong tục truyền thống đáng quý cần được giữ gìn. Để phát huy được nét đẹp truyền thống của lễ hội rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành liên quan; sự phối hợp tổ chức lễ hội một cách khoa học của ban quản lý các khu di tích với chính quyền địa phương. Và hơn hết là ý thức từ mỗi người dân, du khách thập phương khi đến với lễ hội.

 

Cùng với đồng bào các dân tộc trong cả nước, những ngày đầu xuân này, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng đang hòa vào dòng người đi lễ hội. Ngay trên địa bàn tỉnh, những ngày qua, hàng loạt lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, gắn với lao động sản xuất và đời sống xã hội đã được tổ chức, thu hút hàng chục ngàn lượt người dân, du khách thập phương tham dự như: Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Đền Đuổm, phát động Tết trồng cây... và rất nhiều lễ hội truyền thống khác. Mỗi chúng ta hãy thành tâm đến với lễ hội để cùng nhau cầu tài, cầu lộc, cầu bình an. Song cũng không nên thái quá đến mức trở nên mê tín dị đoan, hoặc mải lễ hội mà sao nhãng lao động sản xuất, công tác chuyên môn.