Vấn vương ngày hội

17:39, 17/02/2016

Người dân ATK Định Hóa không chỉ tự hào về vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhiều danh thắng mà còn có Lễ hội Lồng Tồng nổi tiếng gần xa. Dù đã có thời điểm bị mai một, song kể từ khi được phục dựng lại (năm 2002) đến nay, Lễ hội Lồng Tồng của đồng bào người Tày, Dao và Sán Chay nơi đây vẫn giữ được những bản sắc riêng, thấm đượm hồn cốt của dân tộc.  

 

Trong tiết trời xe lạnh đầu Xuân, chúng tôi ngược đèo De để hòa cùng dòng người đang tấp nập trảy hội Lồng Tồng. Màn mưa bụi giăng mờ như nối liền giữa trời và đất khiến không gian Lễ hội càng trở nên huyền ảo. Tôi gặp nụi cười móm mém của bà Nguyễn Thị Thang, dân tộc Sán Chay cùng cháu nội đi dự hội. Bà nói trong niềm phấn khởi: “Tôi năm nay 78 tuổi, đã đi xem nhiều Lễ hội Lồng Tồng nhưng lần nào cũng cảm thấy háo hức. Tôi đến hội từ chiều qua, tối ngủ lại nhà cháu ở chân đèo De để sáng nay đến sớm cho kịp”. Sự háo hức của bà Thang cũng là tâm trạng chung của những người cùng đi dự hội.

 

Người cày giỏi nhất làng vạch đường cày đầu tiên mở đầu cho vụ mới.

 

Đúng 8 giờ ngày mùng 10 tháng Giêng, Đoàn đại biểu của cấp ủy, chính quyền huyện Định Hóa trang trọng thực hiện nghi lễ dâng hương lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm của Người trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình - mảnh đất linh thiêng nơi Bác Hồ và nhiều cơ quan Trung ương từng ở và làm việc trong những năm kháng chiến. Lễ hội Lồng Tồng chính thức bắt đầu bằng hồi trống vang vọng vào không gian núi rừng của già làng Phú Đình Ma Đình Được. Cùng với đó là màn trống hội và múa lân - sư - rồng rộn rã, rực sỡ sắc màu.

 

Ngay sau khai mạc, du khách được chứng kiến phần nghi lễ cầu mùa của dân tộc Tày, lễ xuống đồng cầu mùa của dân tộc Sán Chay và lễ cầu phúc của dân tộc Dao. Những mâm cỗ tế lễ đều được chuẩn công phu, thể hiện lòng thành kính và sự biết ơn đối với Ngọc hoàng, Diêm vương và các vị thổ địa. Chính giữa sân khấu là lễ cầu mùa của dân tộc Tày. Nhân dân dâng lên thánh thần cơm xôi, gạo nếp, các sản vật và hương nhang thành kính, cầu cho một ăn an lành với nhiều may mắn. Ở lễ cầu mùa của dân tộc Sán Chay, đồng bào chuẩn bị các lễ vật bằng gỗ là dụng cụ sản xuất nông nghiệp như: cày, bừa, cuốc, xẻng...cùng gạo nếp, thịt lợn. Hàm ý mong muốn thánh thần đến chứng giám, phù hộ giúp dân làng có thêm mùa cấy cày thuận lợi. Còn với lễ cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu an của dân tộc Dao, lễ vật là gói xôi nếp bốn màu tượng trưng cho các mùa trong năm, thêm gà luộc, thủ lợn và hai chai rượu tượng trưng cho sự no đủ, sung túc. Giọng thầy mo lúc lên bổng, khi xuống trầm với lời chúc phát tài, gia đình hạnh phục, sum vầy. Bà Ma Thị Thái, dân tộc Tày ở xã Trung Lương nói với chúng tôi khi đang theo dõi phần lễ: Đi dự Lễ hội, người nông dân chúng tôi đều cầu mong cho một năm thời tiết thuận hòa, trồng cấy và chăn nuôi được suôn sẻ. Sáng nay, trời có vài hạt mưa lất phất chính là điểm lành báo hiệu sẽ khởi đầu một mùa vụ sản xuất mới bội thu.

 

Phần thi cấy trong Ngày hội

 

Phần khai hội kết thúc, đông đảo bà con và du khách thập phương nô nức chứng kiến lễ xuống đồng hay còn gọi là lễ tịch điền. Tại thửa ruộng nhỏ ở cánh đồng Đèo De, một người cày giỏi nhất làng được lựa chọn để mắc ách vào còn trâu khỏe, rồi vạch một đường cày đầu tiên mở đầu cho mùa vụ mới. Còn ở thửa ruộng chân đèo De, các cô, các chị thoăn thoắt cắm từng rảnh mạ đều tăm tắp trong phần thi cấy. Trên bờ tiếng trống, tiếng vỗ tay, tiếng reo hò cổ vũ vang dội khắp một vùng. Trên sân Lễ hội, không khí cũng náo nhiệt không kém, với hội tung còn đang thu hút đông đảo mọi người tham gia. Trên không trung, những quả còn nhiều màu sắc bay lượn với những tua vải dài được người chơi cố gắng điều chỉnh vào đúng hồng tâm trên đỉnh cây nêu. Cùng với đó, các trò chơi đẩy gậy, bắn nỏ, giã bánh dày, kéo co… cũng thu hút sự chú ý và cổ vũ nhiệt tình của người xem. Thông tin từ Ban tổ chức, Lồng Tồng năm nay có hai phần hội mới là đi cà kheo và trình bày mâm cỗ. Đây đều là những nội dung gần gũi với cuộc sống thường ngày và được nhiều du khách yêu thích.

 

Điểm nhấn trong Lễ hội Lồng Tồng năm nay phải kể đến những tiết mục múa rối cạn của dân tộc Tày. Với những con rối đầy màu sắc và động tác khéo léo, thuần thục của các nghệ nhân đã tái hiện sinh động lại cảnh lao động sản xuất, sinh hoạt trong đời sống hằng ngày. Cùng với múa rối cạn là nghi lễ Then với những làn điệu mượt mà như níu chân du khách. Ông Ma Quang Chóng, Trưởng phường rối Tày Thẩm Rộc, xã Bình Yên chia sẻ trong niềm vui: Tham gia Lễ hội năm nay, chúng tôi rất phấn khởi bởi hai phường rối Tày Ru Nghệ và Thẩm Rộc, cùng nghi lễ Then của Định Hóa vừa được công nhân là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Mỗi nghệ nhân đều bảo nhau chuẩn bị thật kỹ lưỡng, biểu dài hơn để phục vụ bà con, cũng là để quảng bá bản sắc văn hóa và niềm tự hào của quê hương mình.

 

Bà Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Lồng Tồng cho biết: Năm nay, chúng tôi tiếp tục thực hiện Lễ hội theo tiêu chí an toàn, tiết kiệm và có điểm nhấn để tạo ấn tượng cho du khách gần xa. Cùng với mong ước cho mưa thuận gió hòa, Lễ hội còn nhằm tạo không khí phấn khởi, hăng say lao động cho người dân. Do vậy, ngay sau kết thúc hội, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương động viên bà con tập trung vào sản xuất cho đúng khung thời vụ, đảm bảo cho một mùa vụ thắng lợi.

 

Với chúng tôi, mặc dù đã được tham dự nhiều Lễ hội Lồng Tồng, nhưng mỗi mùa đều để lại những ấn tượng riêng về bản sắc văn hóa đặc trưng và đặc biệt là sự hồn hậu, tình người nơi mảnh đất chiến khu. Để rồi những tình cảm ấy vẫn còn vương vẫn mãi…