Chinh phục đỉnh Fansipan - Hành trình 15 phút hoặc 2 ngày

09:48, 02/03/2016

Ở độ cao 3.143 mét so với mực nước biển, đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lao Cai) - ngọn núi cao nhất trên dải Hoàng Liên Sơn hùng vĩ của Việt Nam. Đây cũng là đỉnh núi cao nhất của 3 nước Đông Dương, nên được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”. Từ lâu, đỉnh Fansipan đã có nhiều người mơ ước được đặt chân tới.

Chúng tôi, những người làm báo ở Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên cũng mơ ước, khao khát được trải nghiệm, chinh phục độ cao của ngọn núi bốn mùa mây phủ, gió vờn, được ví đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh ấy. Và tôi đã cùng những đồng nghiệp của mình 2 lần lên đỉnh Fansipan. Lần thứ nhất năm 2004, chúng tôi chinh phục bằng đường bộ. Lần thứ hai năm 2016, chúng tôi lên núi bằng đường cáp treo, khởi hành từ thung lũng Mường Hoa. Còn đường bộ có 3 điểm khởi hành: Trạm Tôn; bản Cát Cát hoặc bản Sín Chải.

 

Nhớ lại lần đi trước: Theo tư vấn của đồng nghiệp Báo Lào Cai, chúng tôi chọn Trạm Tôm, cổng Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn khởi hành. Nhưng dù khởi hành bằng đường bộ hay đường cáp treo, cũng đều đến một điểm chung cao nhất của mái nhà Đông Dương - đỉnh Fansipan. Ở đó, mọi người được phóng mắt nhìn bốn phương, tám hướng, thấy T.P Lào Cai  và cả ngàn trùng xếp lớp ruộng bậc thang bám vào lưng núi. Gặp hôm trời mù mây, ai nấy có cảm nhận như mình đang đứng trên đỉnh trời, vươn vai khoan khoái hà hít không khí trong lành, phóng mắt vào không gian bao la, thấy có ngọn núi nhô lên tựa từng hòn đảo xanh nổi lên giữa biển mây.

 

Trở lại câu chuyện ở khu sân ga, trong lúc chờ đợi, tập hợp đoàn để làm thủ tục cùng đi cáp treo lên  núi, tôi tranh thủ ngắm nhìn những công trình mới được xây dựng bằng bê tông, cốt thép đan cài cùng cảnh vật thiên nhiên. Có thể gọi là may mắn. Vì hôm đoàn công tác của Báo Thái Nguyên lên Sa Pa gặp độ nắng trong. Anh Vừ Nhè Sùng, người bản địa bảo: Dạo trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, tuyết rơi trắng trời. Khắp mặt đường từ T.P Lào Cai lên thị trấn Sa Pa trơn trượt, 32 cây số đường dốc, có khi xe ô tô bò nửa buổi chưa chắc lên đến nơi… Giây lát dừng lời, anh tiếp tục câu chuyện bằng một câu hỏi: Các bác Thái Nguyên định lên đỉnh Fansipan bằng cách đi 15 phút hay 2 ngày?... Tôi hào hứng ngước trông lên mái nhà Đông Dương, thấy vời vợi nắng, gió và tấp nập bước chân người hăm hở.

 

 

Một Sa Pa của bê tông cốt thép. Một Sa Pa biến cải bằng công nghệ máy móc hiện đại. Để từ thung lũng Mường Hoa - nơi chúng tôi đang đứng lên tới ngang trời được đi bằng cách ngồi ghế êm ái, ngắm đất, trời qua vuông kính trong veo của cabin mang tên cáp treo Fansipan Sa Pa. Trên dọc tuyến cáp, du khách được nhìn ngắm khung trời mở rộng, cảnh thiên nhiên như từng thước phim hiển hiện dưới chân mình. Theo lời một nhân viên phục vụ: Đường cáp treo do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng từ tháng 11-2013, khánh thành ngày 2-2-2016. Đây là đường cáp treo 3 dây hiện đại nhất thế giới, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Tổ hợp Dự án 4.400 tỷ đồng.

 

Ngồi cáp treo lên đến độ cao gần 3.000m, cảm nhận không khí loãng ra, trong nắng mà hơi lạnh như miết vào da thịt. Hơi thở cũng nhẹ tênh. Ngó qua lan can đá trông xuống thấy rừng thảo quả chạy tít tắp; ngước trông lên thấy dòng người như đàn kiến  nối đuôi nhau cõng ước mơ về miền trời rộng. Cũng ở độ cao này, những người thợ đã kỳ công tạo dựng một ngôi chùa mới, mái cong vút, ngói đỏ tươi được bao phủ trong màn mây mỏng. Ra sân chùa, chúng tôi cùng nhẩn nha bước trên từng thềm đá, không ai nói với ai, nhưng chúng tôi đều cảm nhận được sự công phu của bao người lao động đã xây dựng lên một công trình kỳ vĩ, cho bao những con người, kể cả cụ già, em nhỏ đều có thể lên tới đỉnh núi không chỉ cao nhất nước Việt Nam, mà còn là đỉnh núi cao nhất Đông Dương.

 

Để đảm bảo sức khoẻ cho người lên núi, đồng thời không làm tổn hại nhiều đến thảm thực vật và địa hình cảnh quan thiên nhiên, Sun Group thực hiện xây dựng từng bậc đá có độ cao đều nhau, xen vào đó là từng khoảng sân nghỉ nhỏ vừa đủ để du khách dừng chân lấy hơi. Lên đến bậc đá thứ 603, bậc đá cao nhất của dọc chuyến hành trình vừa chạm vào nóc nhà Đông Dương. Trong phút chốc, mọi  mệt nhọc tan biến, ai nấy đều reo lên phấn chấn khiến đỉnh Fansipan như oà vỡ bởi tiếng reo hò cùng nụ cười chiến thắng. Fansipan! Fansipan!… Anh Vừ A Páo, người Sa Pa tham gia làm dịch vụ hướng dẫn du khách cho biết: Từ tháng 2 năm nay, tức là sau khi đường cáp treo khánh thành, đưa vào khai thác, sử dụng, mỗi ngày mái nhà Đông Dương đón tiếp hàng nghìn người đến trải nghiệm.

 

Theo đó, mỗi ngày có hàng nghìn con người chen vai, thích cánh để được đứng lên mỏm đá cao nhất của ngọn núi Fansipan. Đứng lên đó để chụp ảnh, quay phim, ghi lại cái phút giây hãnh diện của người chiến thắng. Lây cái tâm lý hãnh diện của đám đông, chúng tôi cũng cầm cờ Tổ quốc, cùng hát vang bài ca kết đoàn. Sau khắc giây kiêu hãnh ấy, tôi bước đến bên lan can của mái nhà Tổ quốc, để nhìn xuống từng thung lũng sâu hút hồn. Lòng hoài cảm, vậy mà cách đây hơn mười năm về trước, tôi cùng những đồng nghiệp của mình ở Báo Thái Nguyên, Báo Bắc Giang, Báo Lao Cai, Báo Yên Bái đã cùng nhau đi theo con đường mòn lên đỉnh Fansipan.

 

Ngày ấy, số người lên được đến đỉnh núi Fansipan không nhiều, nên chúng tôi tự hào mà kể lại với bạn bè về một hành trình gian khổ, nguy hiểm nhưng đấy lý thú. Chúng tôi đã đi trong sương ướt, đội trời mưa lạnh với muỗi mòng, vắt cắn. Cứ lặng lẽ bám sau lưng người bản địa mà đi, đồ đoàn mang theo có lều bạt, nệm hơi, đèn pin, bật lửa, dao găm… và đồ hộp, bảnh mì. Dốc nối dốc, dốc đến nghẹt thở, dốc dựng vách làm nhiều người phải bỏ cuộc. Nhưng chúng tôi, cánh báo chí vẫn bám đội hình, tiến về phía trước. Mồm mũi tranh nhau thở, lắm lúc tai ù đặc lại vì mệt và chưa quen với sự thay đổi áp suất không khí ở những độ cao khác nhau. Vậy nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ ghi chép, chụp ảnh, vì biết rằng cơ hội trở lại con đường mòn lên đỉnh Fansipan, cơ hội được trải nghiệm với rừng núi Hoàng Liên Sơn không dễ. Nhất là con đường mòn ấy, mới cách ngày chúng tôi đi ít hôm, có một du khách ngoại quốc lỡ chân rơi xuống vực. Nghe đâu, mất gần 1 tuần sau người ta mới đưa được người tử nạn về đến thị trấn Sa Pa.

 

Chúng tôi cắm trại ở độ cao 2.200m. Đêm đó, nằm trong lều bạt mà không sao chợp được mắt. Tiếng suối reo thao thiết, tiếng gió vờn ngọn cây rừng gợi niềm hoang hoải, xa xăm. Vậy mà sớm ngày sau, lúc ánh bình minh chưa lọt qua kẽ lá, chúng tôi đã hối thúc nhau đeo ba lô lên đường. Chân bước trên từng thảm thực vật bùng binh như đang đi trên đầm lầy. Nhiều đoạn dốc tức tưởi phải bám vào cây bên đường mà đu lên. Cứ thăm thẳm, mải miết bước qua rừng trúc, rừng nguyên sinh, chợt thấy dưới chân mình đầy hạt dẻ vòng óng, ngước trông lên mới biết mình đang đi qua rừng cây dẻ. Nhớ chuyện cổ tích "Ba hạt dẻ dành cho lọ lem". Vâng! Ngày xưa, ông tiên bước ra trong cổ tích, cho cô bé lọ lem ba hạt dẻ - ba điều ước. Trong mệt nhọc, nhìn vô vàn hạt dẻ lăn dưới chân, tôi nghĩ: Giá mình được ông tiên ban cho một điều ước, tôi sẽ ước mình và mọi người lên được đến đỉnh Fansipan bằng đôi cánh của thần tiên.

 

Thế mà điều ước năm nào nay hiện hữu giữa đời thường. Nhưng không phải bằng đôi cánh của thần tiên, mà bằng một đường cáp treo được trao chứng nhận 2 kỷ lục thế giới (Guinness World Record): Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 mt); cáp treo 3 dây ài nhất thế giới (6.292,5m). Từ đầu năm 2016 này, tôi cũng như bao du khách có quyền lựa chọn 1 trong 2 cách lên đỉnh Fansipan: Cách thứ nhất đi đường cáp treo, có 15 phút ngắm mây trời, cảnh vật thiên nhiên dưới chân mình. Cách thứ 2 mất nhiều mồ hôi, nhưng được trải nghiệm với thiên nhiên. Và dù lâu hay mau, 15 phút hoặc 2 ngày, chúng ta đều tới đích.