Ngày 12/3, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Quản lý di tích Gò Tháp công bố kết quả thăm dò ở 4 khu vực đã phát hiện thêm kiến trúc Ao thần, đền thần Vishnu và hàng trăm hiện vật khác.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Văn Thắng, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc khai quật ở 4 khu vực trong khu di tích Gò Tháp là khu vực xây hậu tổ, nhà ăn chùa Tháp Linh; khu vực xây dựng nhà trưng bày Xứ uỷ Nam bộ và Văn hóa óc eo; khai quật khảo cổ phía Tây chùa Tháp Linh và khai quật khảo cổ khu vực chân Gò Tháp Mười trong năm 2015 đã phát hiện kiến trúc của đường đi lớn chạy dài theo hướng Đông -Tây. Con đường này được làm bằng gạch trắng và xen kẻ lớp cát, gạch, đất sét với nền móng và đường gạch cao 1,40 mét. Đặc biệt, còn phát hiện Đền thần Vishnu với chiều dài 17,3 mét, rộng 8mét cùng với kiến trúc ao thần có các góc và cạnh tạo thành một kiến trúc ao vuông, chiều dài mỗi cạnh của ao là 24 mét, với bậc thang giật cấp từ 16-26 bậc, xây bằng các loại gạch đỏ, hồng và trắng.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Văn Thắng cho biết thêm trong thời kỳ đó, họ sử dụng vật liệu là gạch hình khối, với các kích thước và độ nung khác nhau. Đất sét dẻo pha cát mịn được dùng làm chất kết dính giữa các viên gạch. Về hiện vật phát hiện được 5 mãnh vỡ ở phần tay tượng, 2 chày đá, 1 đá hình chóp, 1 bàn mài, 1 bia đá, 1 hạt chuỗi, 1 phù điêu, 2 mãnh vàng lá , 2 tiền xu thời kỳ “Minh Mạng Thông Bảo” cùng hàng trăm hiện vật gốm, ngói Óc eo, ngói hậu Óc eo, mãnh gốm celadon có hình trái bí đặc trưng của Thái Lan, tìm thấy ở độ sâu 95 cm. Các hiện vật và kiến trúc đền thần được phát hiện lần này có từ thế kỷ thứ VI-VII sau công nguyên và những hiện vật có từ thế kỷ XI-XII sau công nguyên…
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Lý - Giám đốc Ban quản lý di tích Gò Tháp, việc khai quật 4 khu vực tại Gò Tháp góp phần hình thành thêm chuỗi giá trị của Gò Tháp, hiểu sâu thêm vết tích Óc eo, về đời sống của cư dân cổ ở khu di tích Gò Tháp nói riêng, cũng như góp phần tìm hiểu các vấn đề về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo của cư dân Óc eo, phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo để thế hệ mai sau hiểu sâu về giá trị nền văn hóa Gò Tháp xưa./.