“Kho báu sống” của người Tày

09:50, 27/03/2016

Dù đã vào cái tuổi xế chiều, nhưng ông Ma Đình Thu, dân tộc Tày, ở xã Thanh Định (Định Hóa) vẫn luôn miệt mài làm thơ, sưu tầm và sáng tác các tác phẩm văn học dân gian về dân tộc mình, về Bác Hồ. Những tác phẩm của ông đã trở thành những cuốn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu và người yêu thích văn học. Góp phần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.

Đau đáu nghiệp viết

 

Chúng tôi gặp ông Ma Đình Thu khi ông vẫn đang chăm chú sửa bản thảo cho một cuốn sách sắp in. Ở tuổi 74, tóc đã bạc, nhưng nhìn ông vẫn khỏe khoắn và nhanh nhẹn lắm. Là người Tày chính gốc, lại sinh ra và lớn lên ở xã đa phần là dân tộc Tày, từ nhỏ, ông Thu đã tìm tòi, học hỏi từ các cụ cao niên về những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Hơn ai hết, ông là người hiểu rõ bản sắc của đồng bào Tày với hàng trăm câu ca dao tục ngữ, những câu chuyện cổ tích, phong tục tập quán, những điệu hát Then, câu ca Sli, Lượn… Những câu chuyện ấy như mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn ông. Rồi ông bắt đầu tập viết và quyết định sưu tầm những câu chuyện đó.

 

Năm 1975, khi đang làm cán bộ ngân hàng, ông đã xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau đó, ông trở về và dậy học ở Vĩnh Phúc. Sau khi về hưu, được sự tin tưởng của bà con, ông Thu tiếp tục đảm nhận các cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB), rồi Hội Người cao tuổi xã Thanh Định. Ở các cương vị khác nhau, dù bận bịu nhưng ông vẫn luôn đau đáu về nghiệp viết, những dự định còn dang dở.

 

Những năm 1960-1975, ông tham gia tích cực vào Hội Văn học Nghệ thuật Việt Bắc. Đây giống như vùng đất màu mỡ để niềm say mê sáng tác văn học, thơ ca của ông được gieo hạt nảy mầm. Thời gian này, ông có nhiều bài thơ đoạt giải cao như bài “Qua cầu”, “Bỏ dở” (1966), “Tiếng lượn vượt đèo” (1976)…

 

Năm 1977 xảy ra nhiều biến cố với ông khi 3 người con của ông lần lượt ra đi vì chất độc da cam, rồi người vợ thân yêu cũng bỏ ông đi mãi mãi. Chứng kiến cảnh đau thương đó, ông không biết làm gì để bù đắp được nỗi mất mát, nhiều lúc ông muốn buông xuôi tất cả. Với nghị lực của bản thân, ông đã quyết tâm vượt qua hoàn cảnh, làm ăn kinh tế và lại tiếp tục với nghiệp cầm bút mà ông vốn rất tâm huyết.

 

Góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc

 

Theo ông Thu, việc sưu tầm văn hóa dân tộc gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều làn điệu, câu ca, câu chuyện cổ tích chỉ còn trong trí nhớ của nhiều người. Nhận thấy sự mất mát quá nhiều về văn hóa của dân tộc mình, ông đã đi khắp nơi trong xã, huyện gặp nhiều cụ cao niên, tìm hiểu, ghi lại những câu chuyện, nét văn hóa dân tộc Tày, thậm chí ông còn sang cả Tuyên Quang, Bắc Kạn để tìm hiểu. Đặc biệt là sưu tầm những câu chuyện cổ tích, những làn điệu Then, Sli, Lượn. Những câu chuyện đó nhằm giải thích một số những địa danh, phong tục tập quán của người Tày đến nay vẫn còn được lưu giữ. Hiện, ông đã xuất bản 4 cuốn sách riêng về cổ tích dân tộc Tày như “Truyện cổ tích dân tộc Tày” (2011), “Nàng Hợi” (1998), “Mèo và Hổ” (2004), “Dấu chân ải Poóng” (2009)… với hàng trăm câu chuyện như Sự tích Sơn Đầu, sự tích thần Bản Phiêng… Không chỉ hấp dẫn ở các tình tiết mà những câu chuyện còn có ý nghĩa răn dạy con người về đạo đức sống, cách đối nhân xử thế…

 

Mạch nguồn mạch nguồn suyên suốt trong các bài thơ của ông là những làn điệu hát Then, câu ca Sli, lượn. Cuốn dân ca “Lượn Lồng Tồng” (2009), “Pụt Kỳ Yên” (109 trang) được ông viết bằng song ngữ Tày - Kinh mà ông đã dày công sáng tác, ghi chép lại từ những thầy Then, thầy Pụt, thầy Tào. Tác phẩm đoạt giải B của Hội Văn học dân tộc Việt Nam. Đây là những cuốn tư liệu có giá trị, nhất là với những người làm công tác nghiên cứu văn hóa…

 

Thơ là một trong những thể loại chiếm vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đọc thơ ông, khi thì người ta thấy lạc quan, vui tươi vào cuộc sống, khi lại chất chứa, với những suy ngẫm cuộc đời. Đôi khi lại man mác một nỗi buồn, nỗi đau vô bờ bến vì cảnh quê mình bị giặc xâm lăng, giày xéo: Khi ta có con, biết cười biết nói/ Được cõng trên lưng/ Được bế được bồng/ Niềm vui nào tả xiết/ Nhưng chỉ thấy con lăn lóc/ Miệng câm ú ớ/ Là một nỗi đau/ Xé gan xé ruột/ Cha chỉ bật khóc/ Mẹ thì ngất đi/ Nước mắt tuôn rơi/ Chỉ vì giặc Mỹ/ Thả chất độc da cam (trích bài “Nỗi buồn”).

 

Khi Bác Hồ sống và làm việc tại Định Hóa, ông vinh dự được gặp Bác nhiều lần. Cảm phục trước một tình yêu bao la của Bác với đồng bào dân tộc, ông đã sáng tác nhiều bài thơ, hồi ký và là một trong số ít những nhà thơ dân tộc thiểu số có nhiều tác phẩm viết về Bác như tập thơ “Vẽ Bác Hồ” (2015), hồi ký “Những kỷ niệm về Bác, Bác Hồ đến thăm trường mẫu giáo”… Năm 2015, ông đoạt giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp huyện.

 

Đến nay, ông đã có gần 20 tác phẩm ở các thể loại được xuất bản, với hàng trăm chuyện cổ tích, câu tục ngữ, dân ca của dân tộc Tày. Không chỉ làm thơ, sưu tầm chuyện, ông còn hay kể chuyện cho con cháu nghe về những sự tích, dạy cho mọi người biết hát và yêu làn điệu Then, Sli, Lượn hay nét văn hóa độc đáo người Tày. Ông cũng làm “cố vấn” cho cán bộ tổ chức văn hóa, văn nghệ thể thao đúng với phong tục của dân tộc mình. Hiện ông đang là hội viên tích cực của Hội Văn học Nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, ông có đóng góp rất lớn trong việc hình thành và phát triển Hội Văn học Nghệ thuật huyện Định Hóa.

 

Hàng chục năm nghiên cứu, sáng tác và biên soạn, ông đã đoạt nhiều giải thưởng lớn. Với người Tày Định Hóa và một số nhà nghiên cứu văn hóa, ông được ví như một “kho báu sống”. Như cánh chim không mỏi bằng ngòi bút, tâm huyết của mình ông vẫn hăng say sáng tác, sưu tầm với mong muốn lưu giữ những nét văn hóa tinh hoa của dân tộc, để mọi người đặc biệt là giới trẻ thêm yêu và trân trọng, gìn giữ những giá trị đó.