Bộ ba tác phẩm "Từ xa Hà Nội", "Xa rồi ngày xanh" và "Chỉ còn tuyết trắng" của tác giả Mai Lâm vừa chính thức ra mắt tại Hà Nội, lần đầu tiên với sự hiện diện của ông. Bộ sách trước khi ra đời đã nhận được sự cổ vũ, động viên rất nhiều của những nhà văn đi trước...
Bộ ba tác phẩm gồm những tản văn nho nhỏ, chủ yếu về Hà Nội cũ, với những hoài niệm tuổi thơ đi lang thang chân đất trưa hè bắt cào cào châu chấu, nhặt quả vả, vợt thuỷ trần, cá chọi ngoài hồ Bảy Mẫu, xem phim rạp Kim Đồng, ăn táo dầm, xem phim trong hộp, thậm chí nhảy tàu điện...
Gần 100 tản văn trong bộ sách là sự lưu luyến day dứt của người thương nhớ Hà Nội khôn nguôi, với những hồi ức mà ngay cả nhiều người Hà Nội đến bây giờ cũng không nhớ nữa.
Một trong những "mảng" trong bộ sách thể hiện khá rõ sự cầu kỳ trong tìm hiểu của tác giả. Đó là những tản văn viết về những thú ăn chơi, gợi nhớ sự lãng tử, sành điệu của Hà Nội một thời, như Nguyễn Tuân từng viết.
Cuộc sống mưu sinh của người Việt ở Đức cũng được tác giả thể hiện khá rõ nét, chân thực và hết sức dung dị. Những gương mặt con người mộc mạc, có phần thô ráp nhưng phản ánh rất thật bức tranh cuộc sống của người Việt ở nước ngoài qua rất nhiều mảnh ghép.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học cho biết, vào dịp 10-10-2014, ông có bàn với nhà văn Đỗ Phấn làm một cuốn sách về Hà Nội. Tuy nhiên, khi chưa nghĩ ra được ý tưởng gì thì ông gặp nhà báo Trần Hoàng Bách, một trong những nhân vật trong bộ sách của tác giả Mai Lâm. Ông Nguyễn Anh Vũ kể lại, ngay sau khi nhà báo Trần Hoàng Bách gửi bản thảo của tác giả Mai Lâm, ông đã đọc một mạch đến 2 giờ sáng và quyết định xuất bản cuốn sách ngay cho kịp Hội sách mùa thu ở Hoàng thành Thăng Long.
Mai Lâm vốn không phải nhà văn. Nghề chính của ông là nhạc sĩ, ông tốt nghiệp Học viện Quốc gia năm 1971. Viết lách là một trong những công việc ưa thích lúc rảnh rỗi của ông. Tác giả chia sẻ: "Tôi không có ý định làm nhà văn, do sinh sống ở nước ngoài có những nỗi niềm mà tôi muốn chia sẻ, trải lòng với mọi người. Có lúc tôi trải lòng bằng âm nhạc, cũng có lúc tôi lựa chọn viết những đoạn tản văn nho nhỏ. Sau này có Facebook, những đoạn viết đó được bạn đọc ủng hộ, chia sẻ, trong đó có nhà báo Trần Hoàng Bách, và đó là cơ duyên có bộ sách".
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, cũng là bạn lâu năm của tác giả Mai Lâm cho biết: "Nhạc sĩ Mai Lâm ở trong môi trường văn nghệ từ bé và sớm bộc lộ năng khiếu viết lách. Tôi có nói với anh Mai Lâm là nên ra sách để "vết loang rộng hơn". Anh viết để chia sẻ, tâm tình và có thêm bạn. Văn viết của anh rất riêng, cận với tình hình thực tế, với những trải nghiệm của mình".
Nhà văn Di Li cho rằng, văn của Mai Lâm có gì đó xưa cũ, mặc dù tác giả có thời gian sống khá lâu ở nước ngoài. Có lẽ chính vì ở xa Hà Nội nên ông không bị ảnh hưởng bởi một Hà Nội hiện đại hoá như những người Hà Nội hiện nay vẫn đang sinh sống ở thành phố này.
Nhà văn Mai Lâm chia sẻ: "Tôi thấy mình giống như bị cất vào một bảo tàng, thỉnh thoảng được lôi ra. Một trong những nguyên nhân tôi viết là do sự nhớ thương Hà Nội. Kiến trúc có thể mất đi, nhưng niềm tiếc nuối lớn nhất là người Hà Nội thực sự giờ đã mai một đi nhiều. Yêu quê hương trong tôi, đơn giản chỉ là yêu cái máy nước đầu phố, hay chia sẻ tên một kiểu nhảy tàu điện. “Mai Lâm trộn lẫn giữa Đông và Tây, giữa hiện tại và quá khứ”, như lời nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét. "Mai Lâm khai thác chính bản thân mình, chính câu chuyện của mình. Những câu chuyện của anh nếu được xây dựng thành tuyến thì sẽ có tác dụng rất lớn đối với dòng chảy văn học di dân". Và người bạn văn này đã nói về tác giả “Chỉ còn tuyết trắng: “Đã có nhiều người ở nước ngoài viết về Hà Nội, nhưng luôn có nét này nét kia. Còn Mai Lâm viết chỉ thấy Hà Nội đẹp, kể cả trong khi đói nghèo, Hà Nội trong văn Mai Lâm yêu và thương lắm…”