Huyện Định Hoá có hơn 40.000 người dân tộc Tày, đồng bào sống hoà thuận, có tinh thần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, trong đó phải kể đến hát Then, đàn tính. Năm 2015, Nghi lễ Then của đồng bào đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Đóng góp vào kỳ tích làm nên di sản Nghi lễ Then phải kể đến những nghệ nhân của đời thường. Lớp sau theo lớp trước, lời Then, tiếng tính như mạch nguồn trong trẻo, tràn chảy mênh mang, ấm áp lòng người.
Chuyện hát Then, đàn tính, ông Ma Đình Ngọc, ở xã Tân Dương đã say sưa kể cho chúng tôi nghe về Mường trời, Mường pụt, về nghi lễ Then và các điệu Then của vùng Việt Bắc, trong đó có “Khửn tàng pây cầu an”, gồm 10 chương trích đoạn trong Then cổ của các dân tộc Tày: Páo pháp páo slay (Trình tấu đức Phật, thần linh, các thánh được làm lễ); Thái vế (Giải uế, làm sạch đàn trang cho cuộc lễ); Khảm lệ (Múa chầu kiểm tra lễ vật trước khi lên đường); Pây tàng (Đoàn quân Then lên đường); Khảm hải (Vượt sông Ngân Hà); Khẩu tu va (Vào cửa đức vua); Nộp lệ (Nộp lễ vật); Ký slư lồng đang (Phán truyền cầu phúc); Tán đàn, tán lệ (Múa chầu tán đàn, tán lễ) và Hồi binh, khao mạ (Khao quân binh)… Còn ông Nguyễn Văn Vũ, ở xã Phượng Tiến cho biết: Những nghệ nhân thuộc nằm lòng các giai điệu Then cổ không nhiều, song chúng tôi, những công dân mới của làng Then luôn tâm huyết, không quản thời gian, bận rộn, luôn sẵn sàng dạy các bạn trẻ hát Then, chơi đàn tính.
Trong buổi làm việc với chúng tôi về gìn giữ, bảo quản, phát huy những di sản văn hoá phi vật thể, bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã thông báo tin vui: Cùng với việc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận Nghi lễ Then của đồng bào Tày huyện Định Hoá vào danh mục văn hoá phi vật thể Quốc gia, cuối năm 2015, Thái Nguyên có 9 nghệ nhân được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú”, trong đó có 7 nghệ nhân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đặc biệt ở huyện Định Hoá có ông Lưu Xuân Liện, thôn Đồng Uẩn, xã Phúc Chu (Định Hoá), một nghệ nhân Then nổi tiếng của vùng Việt Bắc.
Nhiều người dân tộc Tày ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn… biết đến nghệ nhân Lưu Xuân Liện qua cây đàn tính cùng lời Then. Ông Liện là người sống hồn nhiên, vô tư và coi hát Then, đàn tính như hơi thở, nước uống hằng ngày. Ông Liện cho biết: Then là điệu hát của thần tiên truyền lại, đồng thời Then còn là hình thức cúng bái, tồn tại trong đời sống văn hoá tâm linh lâu đời của đồng bào dân tộc Tày. Năm chưa đầy 10 tuổi, tôi đã theo các cụ già trong làng đi cúng lễ để học Then… Ông Ma Ngọc Chỏi, nghệ nhân hát Then của Câu lạc bộ hát Then, đàn tính tỉnh nhận xét: Ông Liện không chỉ là bậc thầy trong làng Then Thái Nguyên, mà còn là người làm ra những cây đàn tính đạt âm chuẩn cung cấp cho các câu lạc bộ hát Then và người mê Then. Nhờ ông, nhiều xóm làng đồng bào dân tộc Tày thức lại câu Then, trong đó có quê hương gió ngàn Định Hoá… Có mặt ở đó, bà Hoàng Thị Đời (Phượng Tiến) cho biết: Không thua kém ông Liện bao xa, ông Chỏi - một trong những nghệ nhân nhớ nhiều câu Then cổ mà chúng tôi kính trọng. Những câu Then cổ ông hát đã làm nao lòng bao người. Còn như tôi, thích Then lắm, nhưng cơ bản là hát Then mới, mang nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi đất nước đổi mới.
Như bao nghệ nhân hát Then, đàn tính, bà Đời là một nông dân, hằng ngày đi làm nương, ruộng, chăn con gà, con lợn và chăm lo cho hạnh phúc gia đình. Mỗi khi rảnh rỗi, bà thường cất cao lời Then, vì như suy nghĩ của bà thì lời Then là hồn cốt của dân tộc mình. Bà Đời cho biết thêm: Tôi mới thạo được “vài đường Then” từ mươi năm nay. Dù… chưa bằng chị, bằng anh, nhưng tôi hăng hái vận động bà con chòm xóm cùng tham gia học hát Then, chơi đàn tính.
Sẽ thật có lỗi khi không nhắc đến người nghệ sĩ mang nghệ danh Bích Hồng (Hoàng Thị Hồng), ở phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Bà được sinh ra trong một gia đình người Tày trên miền biên viễn tỉnh Cao Bằng. Bà lớn lên cùng lời Then, tiếng đàn tính và được tuyển dụng vào Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc khi tuổi còn niên thiếu. Nhưng tận khi nghỉ hưu, bà bắt đầu vang danh nhờ vốn Then cổ và Then mới. Bà có thể hát Then từ ngày này sang tháng khác mà chưa hết vốn. Bà nhận được nhiều khen thưởng từ các hội thi cấp tỉnh, và các tỉnh miền núi phía Bắc về hát Then. Bạn bè bảo: Nghệ sĩ Bích Hồng lúc về hưu mới thực sự toả sáng. Cuối năm 2015, bà là một trong những nghệ nhân trình diễn dân gian (hát Then, đàn tính) của tỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu vinh dự “Nghệ nhân ưu tú”.
Không mắc bệnh ngôi sao như rất nhiều nghệ sĩ trong làng ca hát, bà tiếp tục đến với những người mê hát Then, đàn tính ở huyện Định Hoá. Bà đã làm một truyền nhân Then trong suốt 10 năm nay (từ năm 2005 đến nay). Bà làm công việc này nhưng không lấy tiền thù lao. Bà gắn bó cuộc đời mình với các câu lạc bộ hát Then, đàn tính huyện Định hoá và của tỉnh. Bà tâm sự: Có người học, đồng nghĩa với việc câu Then, tiếng đàn tính của người dân tộc Tày chúng tôi không bị thất truyền. Đó là một thôi thúc để tôi mang câu Then, lời tiếng đàn tính truyền dạy lại cho thế hệ sau.
Tiếng đàn tính rổn rảng, câu Then cất lên ngọt ngào. Tôi lắng nghe trong lời Then, cảm nhận thấy ở đó đong đầy niềm tự hào của đồng bào Tày nơi thủ đô gió ngàn Định Hoá. Đồng bào luôn biết gìn giữ, lưu truyền lại cho cháu con đời đời một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình.